Tủa đánh thức mùa xuân

15/01/2023 - 06:45

PNO - Không biết chính xác tuổi mình nhưng Khang A Tủa lại biết rõ những điều mình cần làm, để thức dậy mùa xuân trên những cánh đồng Mù Cang Chải, để những người phụ nữ Mông có thể thấy hoa nở trên những chiếc gùi sau lưng…

Vợ chồng Khang A Tủa và Mùa Thị Mua
Vợ chồng Khang A Tủa và Mùa Thị Mua

Hạnh phúc từ điều mình chọn

8 năm trước, trong tiệc rượu chúc mừng con trai trở thành tân sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cha A Tủa đã mổ con lợn to nhất. Anh là người Mông đầu tiên của bản Chế Cu Nha đỗ vào ngôi trường đại học danh giá ở tận thủ đô. Thế nhưng, trong tiếng cười nói của người thân, tiếng khèn bè hoan hỉ của xóm làng hôm ấy, chẳng một ai, ngay chính Tủa cũng không ngờ: 3 năm sau Tủa bỏ học. Hóa học là môn học hoàn toàn không phù hợp với A Tủa, nó không mang đến những kiến thức, cảm xúc mà anh tìm kiếm. 

Từ núi ra đi, A Tủa chọn núi làm nơi trở về, nhưng là về bằng một cách khác. Anh cùng bạn bè thành lập dự án “Action for Hmong development - Hành động vì sự phát triển của người Mông”. Vừa tranh thủ đi làm thêm ở các quán ăn để kiếm sống và gây quỹ, anh vừa đi khắp các vùng núi cao để ghi chép, sưu tầm các câu chuyện cổ của người Mông, tập hợp thành bộ sách bằng tiếng Mông và tiếng Kinh rồi gửi đến các trường học vùng cao… A Tủa cũng tham gia làm tình nguyện viên, điều phối viên cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Năm 2017, A Tủa, bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, dành hết cảm xúc để kể câu chuyện về cuộc sống người Mông trên núi cao, về những điều anh mong muốn, những suy tư còn dang dở… và chúng thuyết phục hoàn toàn hội đồng tuyển sinh Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).

A Tủa trở thành 1 trong 54 sinh viên đầu tiên của FUV với suất học bổng toàn phần, “vì đã kể câu chuyện thuyết phục và thể hiện được đích xác những phẩm chất mà Fulbright tìm kiếm ở các sinh viên đồng kiến tạo, đó là tinh thần ham học hỏi, tính tiên phong, hướng tới cộng đồng và nỗ lực bền bỉ” (từ FUV).

Các “hạt mơ” trong Vườn Mơ tham gia trại hè 2022 tại Hòa Bình
Các “hạt mơ” trong Vườn Mơ tham gia trại hè 2022 tại Hòa Bình

Trên cung đường ngược núi

Là người khát khao học nhưng cũng đã từng bỏ học, hơn ai hết, A Tủa thấm thía cái giá của việc chọn đi sai đường. 

Đối với Tủa, lời những em bé Mông ở bản như: “Sau này, cháu muốn làm bác sĩ”, “Lớn lên, cháu muốn làm cô giáo”… chỉ như những cái vỏ. Cô giáo, bác sĩ, chú công an… chỉ là những hình tượng rập khuôn, là tất cả những gì có trong thế giới quan hạn hẹp của những đứa trẻ Mông.

“Nếu không có ai kịp thời nhận ra, lắng nghe, chạm vào đam mê và sở thích thật sự của các em bé người Mông, thì sẽ còn rất nhiều trường hợp rơi vào khủng hoảng như A Tủa của mùa hè năm 2015”. Với suy nghĩ đó, năm 2019, A Tủa thành lập dự án Vườn Mơ. 

Mù Cang Chải cách Hà Nội gần 300km, thế nhưng khoảng cách về địa lý không là gì so với những khác biệt khác. Đó là ngôn ngữ, là văn hóa, là thói quen sinh hoạt, ăn uống, giao lưu với người lạ… Vườn Mơ mang “sứ mệnh” xóa nhòa khác biệt đó. Hàng chục em nhỏ người Mông được đưa từ bản lên phố, đến thăm các làng nghề, tiệm chế tác đồ thủ công; giao lưu, lắng nghe những anh chị sinh viên hoặc những người có tài năng, tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục truyền cảm hứng; làm quen với các khóa học về internet, năng khiếu, nghệ thuật…

“Tôi và bạn bè rất vất vả mới đưa được gần 20 em nhỏ ngược núi trong cuộc trại hè đầu tiên vào năm 2019. May mắn là chúng tôi được nhiều người đồng hành, ủng hộ 1 - 2 triệu đồng. Bản thân tôi thời điểm đó cũng phải chạy thêm xe ôm để có đủ tiền trang trải sinh hoạt phí”, A Tủa nhớ lại. 

Sau mỗi chuyến giao lưu, học tập và trải nghiệm, không chỉ những bạn nhỏ tham gia dự án được hưởng lợi mà chính A Tủa cũng “được” rất nhiều. Anh nhận ra đâu là ưu điểm, sự độc đáo thật sự trong nền văn hóa bản địa, cũng như những sản phẩm thuộc nền văn hóa ấy. Anh từng thấy mẹ, chị dệt vải lanh, vẽ tranh bằng sáp ong; thấy những bậc già làng làm sáo, đàn môi; những người cha người chú thổi điệu khèn bè… nhưng chỉ khi mang những thứ “của cải” ấy xuống phố, chúng mới là “ngọc trong đá”. Những sản phẩm vật thể và phi vật thể của bản làng chính là thứ vàng ròng mà những đứa trẻ Mông phải hiểu được và giữ gìn. 

Mùa xuân của mẹ là ở trên nương

Giữa những chuyến đi đi về về cho Vườn Mơ; làm thêm các công việc như dịch thuật, hướng dẫn viên cho khách du lịch, thu thập tư liệu văn hóa liên quan đến bản làng người Mông… A Tủa nhận ra, lối sống dựa vào rẫy, vào rừng của người Mông đã không còn phù hợp.

Những bà mẹ Mông trong dự án Ná nả làm đất trỉa ngô vụ mới - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Những bà mẹ Mông trong dự án Ná nả làm đất trỉa ngô vụ mới (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Những đứa trẻ ở bản ngày càng muốn xuống phố học chữ nhiều hơn, chi tiêu cho tập sách, giày dép cũng nhiều hơn, nhưng những người mẹ ở bản quanh năm không dư đồng nào. Họ nghèo hệt như mẹ tôi vậy”, A Tủa tâm sự.

Từ trăn trở đó, A Tủa nhen nhóm suy nghĩ về một dự án nhằm tạo sinh kế cho những người mẹ trên nương. Cậu đem điều này bàn bạc với vợ Mùa Thị Mua, một cô gái người Mông chịu thương chịu khó. 

Tháng 10/2019, dự án Ná nả ra đời. Trong tiếng Mông, “Ná nả” có nghĩa là “mẹ ơi, mẹ ơi”. Anh muốn những người mẹ Mông có một nơi để kết nối, bán những sản phẩm từ chính tay mình làm ra với giá cạnh tranh trên thị trường, có đồng ra đồng vào…

“Đầu tiên, những người tạo ra sản phẩm phải được hưởng lợi tối đa có thể. Tiếp đến, khách hàng phải được sử dụng sản phẩm ở mức thuần khiết nhất, bản địa nhất. Bởi vậy, chúng tôi nói “không” hoàn toàn với những mặt hàng mang tính đại trà, thiếu bản sắc”, A Tủa khẳng định.

A Tủa từng rất tâm đắc với một tấm bưu thiếp giới thiệu về anh: “Câu chuyện cổ tích không bắt đầu từ nương lúa mà khởi nguồn từ cậu bé năm lần bảy lượt bỏ học, có người bố tuy mù chữ nhưng đã nhẫn nại tột cùng bắc từng mét cầu khỉ cho con đến Đại học Bách khoa và Fulbright, với một niềm tin về một tương lai vượt thoát số phận…”.

Thế nhưng, sau những vật lộn với thực tế, tư duy thế nào là vượt thoát số phận trong anh đã khác. Vượt thoát không phải là ra trường kiếm được việc làm ổn định rồi quay về giúp gia đình thoát nghèo, mà là nỗ lực tạo ra một con đường, ở đó nhiều người có thể cùng đi, cùng nhìn thấy ánh sáng. 

Bây giờ, tròn 3 năm sau ngày bắt đầu dự án Ná nả, vợ chồng A Tủa không những kết nối, giúp gần 30 hộ gia đình người Mông có thu nhập thường xuyên tại chỗ, mà còn tạo được một hệ sinh thái cung cấp những thông tin, tư liệu có giá trị khác biệt và độc đáo về văn hóa, tập tục, thói quen lao động của đồng bào người Mông ở Mù Cang Chải, Nậm Pồ…

A Tủa bây giờ đã hiểu, câu chuyện cổ tích của người Mông, mùa xuân của những bà mẹ Mông, phải bắt đầu từ nương lúa… 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI