Bình đẳng giới cho nữ công nhân vệ sinh:

Từ ý thức người trong nghề, chưa đủ!

04/10/2020 - 15:46

PNO - 17g có mặt ở kênh Tô Hiệu (quận Tân Phú) chúng tôi đã nhìn thấy bóng dáng chị Nguyễn Thị Thủy Tiên thoăn thoắt đôi tay quét rác.

Đời rác nhọc nhằn, phụ nữ lại càng vất vả hơn

Trong dòng người, xe lao xao chiều cuối thu, bầu trời đầy mây đen vần vũ. Giữa cơn mưa cứ như đang chực chờ, bộ đồng phục công nhân vệ sinh lóe ánh sáng phản quang, rực lên hình ảnh những người công nhân đang lặng thầm làm đẹp cho thành phố.

Chị Tiên cùng một nữ đồng nghiệp nữa chịu trách nhiệm vệ sinh lòng đường Tô Hiệu. Chị nói, đoạn đường dọc kênh thôi, nhưng có hơn 40 con hẻm lớn nhỏ. Vì vậy, từ 17g khởi hành, nhưng thường đến 23g mới có thể hoàn thành công việc. Hôm nào xe lấy rác có trục trặc, còn phải về lúc 0g sáng hôm sau…

Nhưng 12 năm qua, Tiên bám với nghề và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước đây anh Lại Ánh Thân, chồng Tiên, cũng là công nhân vệ sinh ở xí nghiệp 2 của công ty, nhưng bây giờ, anh Thân nghỉ ra ngoài chạy xe để kiếm thu nhập cao hơn chút.

Chị nói: “Hai đứa con càng lớn, chi phí cho mọi thứ trong nhà đều phải tăng lên nếu vợ chồng cùng bám với nghề thì khổ lắm”. Hỏi vì sao chị không chọn công việc nhẹ nhàng hơn, để anh ở lại công ty làm việc nặng này. Chị nói: “Kể công việc thì cực lắm, nhưng làm riết quen. Hơn nữa anh em trong đội rất thương và hỗ trợ nhau. Mình là nữ, cũng có nhiều ưu tiên về giờ giấc, lao động lẫn nghỉ ngơi… Tôi thấy mình sống được với nghề một cách đàng hoàng là tốt rồi”. 

Cùng rời lòng đường để trở về nhà lúc gần 23g ngày 30/9 cùng với Tiên, có đến 78 nữ đồng nghiệp ở Đội Vệ sinh Tân Phú. Trong đó, nhiều chị em nhà xa tận Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh…

Lau xong mồ hôi, cài lại cái áo choàng, bịt kín khẩu trang, đội nón bảo hiểm xong, chị Nguyễn Thị Minh Trang đẩy chiếc xe máy chuẩn bị chạy về nhà. Một nữ đồng nghiệp quay lại kêu: “Trang ơi, về cẩn thận nghen, mai gặp”. Chị Trang cũng cười vui, nói lớn: “Ừ, mai gặp nghen”, rồi phóng xe rời đi.

Nhà Trang tận Long An, mỗi ngày đi về hơn 80km.Nhưng hành trình xa ngái đó đã không ngăn bước người nữ công nhân vệ sinh. Chị nói, có công việc làm đã là niềm vui rồi. Cũng như Tiên, Trang phụ trách làm vệ sinh tuyến đường dài chừng vài cây số thôi nhưng đầy các con hẻm lớn nhỏ, các khu chung cư cao tầng. Nên việc quét và thu gom rác ngày nào cũng ắp lẫm. 

Nhìn hình ảnh Trang đẩy chiếc xe rác đầy các vật dụng cồng kềnh đi về điểm tập kết, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng. Không chỉ là Trang, hằng đêm như vậy, hàng trăm nữ công nhân ở các đội vệ sinh và các chi nhánh con của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM đã cùng đồng đội của mình xuống đường lặng lẽ làm đẹp thành phố. 

 Hơn 27 năm qua, gắn bó với nghề công nhân vệ sinh ở Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, anh Nguyễn Minh Hải (công nhân tổ 3) có cái nhìn thông suốt về cụm từ “bình đẳng giới trong lao động”.

Anh nói rằng, cùng công việc vệ sinh, dù hạn chế sức khỏe, nhưng bao giờ phụ nữ cũng làm việc tỉ mỉ hơn nam, các chị có nhiều lợi thế bởi sự khéo léo, cần mẫn mà nam giới chúng tôi ít khi đạt đến. Anh chị em trong Đội Vệ sinh Tân Phú thường nói vui, sở dĩ anh Hải có cái nhìn sâu sắc về vấn đề này bởi vì có bà xã làm cùng nghề.

Nghe xong, anh Hải thật thà: “Chắc vậy!”. Gia đình anh có bốn thành viên, không kể con trai Út sau khi tốt nghiệp đại học đang làm việc tại một công ty nước ngoài thì cả anh Hải, chị Huỳnh Thanh Lan, vợ anh và con trai Huỳnh Ngọc Tiến đều theo nghề rác.

Anh Hải kể, tôi đi làm về mệt thì lăn ra ngủ, nghỉ, còn bà xã lúi húi với rất nhiều công việc không tên. Đàn ông ở nhà không giúp gì mà xớ rớ lắm, nên tôi quyết định đỡ đần cô ấy bằng cách đi thu mua thêm phế liệu, góp tiền cho gia đình… 
 

Nữ công nhân vệ sinh không buồn vì khó khăn, vất vả của nghề, mà đôi lúc các chị buồn vì sự vô tình của một vài người trong nỗ lực giữ màu xanh cho thành phố
Nữ công nhân vệ sinh không buồn vì khó khăn, vất vả của nghề, mà đôi lúc các chị buồn vì sự vô tình của một vài người trong nỗ lực giữ màu xanh cho thành phố

Cần lắm cái nhìn chia sẻ

Theo anh Nguyễn Minh Hải: “Gắn đời mình với nghề công nhân vệ sinh, là lựa chọn nhọc nhằn, đối diện nhiều nguy cơ dịch bệnh, tai nạn. Chúng tôi chỉ mong cái nhìn thông cảm từ xã hội, đặc biệt dành cho các chị em. Bởi dù sao, với những người chân yếu tay mềm, chẳng đặng đừng các chị mới làm nghề rác”.

Chị Dư Thị Thùy Linh - Đội phó Đội Vệ sinh Tân Phú - cho biết toàn đội có 196 công nhân, trong đó có 78 nữ. Về thời gian công tác, thời gian nghỉ ngơi, các chị vẫn hưởng các chế độ đều như nam giới. Đội có bảy tổ, thì hết ba tổ có nữ là tổ trưởng, một tổ phó. Ban chỉ huy có bốn thành viên, thì đã có hai đội phó là nữ. Điều này cho thấy công ty đã tạo điều kiện cho nữ giới chúng tôi lao động và phát huy tốt nhất năng lực của mình, khẳng định mình khi có thể. 

Theo lời các anh chị, làm nghề vất vả thì không bàn cãi nữa. Bởi chọn nghề này, anh chị em đều tự hiểu mình là “chiến sĩ thầm lặng”. Hằng ngày, để giúp chị em trong đội, các anh choàng giúp việc sửa cái bánh xe hay khiêng phụ các loại rác cồng kềnh…

Điều các anh chị mong mỏi là cái nhìn công bằng hơn từ xã hội. Chị Tiên tâm sự: “Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ người dân. Từ gần hai năm qua, công nhân vệ sinh chúng tôi không phụ trách quét lề đường, nhưng vì quét quen tay rồi nên hầu như cũng không chị em nào bỏ được khi thấy đoạn đường mình quét lề còn dơ. Nhưng ý thức người dân đôi lúc chưa cao. Công nhân vệ sinh vừa lia chổi qua, đi chưa được mấy bước, nhiều người đã quăng ra lòng đường túi rác, có khi còn không cột lại, làm tung tóe. Những lúc ấy, tủi thân muốn khóc”. 

 

Luôn tạo môi trường bình đẳng

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM có 1.900 lao động, trong đó, có đến 1/3 là lao động nữ. Do đặc thù công việc công nhân vệ sinh luôn đối diện những nguy cơ về an toàn, sức khỏe. Tuy nhiên, hiểu được cuộc sống, lao động của anh em, công ty đã nỗ lực có sự chăm lo thiết thực cho lực lượng làm vệ sinh trực tiếp. 

Tại Đại hội Đảng bộ Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, chúng tôi đã đặt ra chỉ tiêu hoàn thành doanh thu hằng năm; doanh thu kinh doanh hằng năm tăng 10% (so với năm trước); thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; thu nhập bình quân lao động trên 9 triệu đồng/tháng.

Trong đó, không có sự phân biệt nam nữ trong lao động, mà có sự chăm lo chung nhất, tuy nhiên, lao động nữ sẽ có chế độ về thời gian nghỉ ngơi phù hợp hơn với điều kiện sức khỏe, chăm lo gia đình. Chúng tôi quan niệm môi trường lao động cần bình đẳng cho tất cả. Mọi người lao động có nỗ lực đều sẽ được ghi nhận, khen thưởng, đề bạt như nhau.

Chính vì vậy, nhiều nữ công nhân vệ sinh từ việc quét rác, thu gom rác đã được bổ nhiệm các vị trí tổ trưởng, đội phó… giữ vị trí lãnh đạo trong chuyền lao động của ngành vệ sinh. 

(Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM)

Cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực 

Tính đến tháng 5/2020, Liên đoàn Lao động TPHCM đang quản lý 20.275 công đoàn cơ sở với tổng số 1.396.762 đoàn viên, trong đó có 755.841 nữ (chiếm tỷ lệ 54,11%). Có 153.998 nữ đang làm việc khu vực quốc doanh, hành chính sự nghiệp, giáo dục, y tế (chiếm tỷ lệ 20,37%) và 601.843 nữ công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, liên doanh và có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 79,62%).

Đã có 7.191 doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể, nội dung thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực như tiền lương, tiền thưởng, chế độ nâng lương, chất lượng bữa ăn giữa ca, hỗ trợ tiền thuê trọ, chi phí gửi trẻ, hỗ trợ lao động nữ nghỉ thai sản… Nhiều nội dung có lợi hơn cho lao động nữ và con công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) được ký kết.

Các cấp công đoàn đã chăm lo cho 119.344 lượt nữ CNVC-LĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nữ công nhân lao động ngành xây dựng, nữ đoàn viên nghiệp đoàn mầm non, nghiệp đoàn rác dân lập… trong đó, có gần 10.000 lao động nữ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với tổng số tiền 37,27 tỷ đồng.

Được sự quan tâm của Đảng, các cấp chính quyền và sự tự vươn lên của mỗi cá nhân, chất lượng lao động của nữ cán bộ CNVC-LĐ thành phố được nâng lên nhiều mặt: tuổi đời trẻ hơn, số cán bộ công chức trẻ qua đào tạo tăng lên; năng động, sáng tạo vươn lên trước những khó khăn thử thách; có phẩm chất, đạo đức tốt đẹp; có trình độ năng lực.

Nhiều nữ CNVC-LĐ được tín nhiệm và đề bạt giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, đã có 577.342 lượt nữ CNVC-LĐ được đưa đi đào tạo, 50.642 lượt nữ được đề bạt, bổ nhiệm… 

(Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM)

Hạnh Chi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Diễm 05-10-2020 15:14:33

    Cảm thương với nghề làm sạch đường phố của các anh chị . Mong chính quyền hỗ trợ lương và phạt nặng những hành vì xả rác nơi công cộng. Luật có nghiêm thì ý thức mới thực thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI