Nhiều người quan niệm rằng giời leo là bệnh do… “trời trừng phạt” nên đã tự tìm cách chữa trị bằng phương pháp dân gian như đắp lá, đắp đậu xanh… dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bác sĩ (BS) Trần Thế Viện, khoa Da liễu, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược (ĐHYD) TP.HCM cho biết, giời leo là tên gọi dân gian của bệnh zona và cần điều trị đúng cách.
Hiểu sai nên điều trị sai
Mới đây, bệnh nhân D.T.T. (ngụ tại tỉnh Long An) đến phòng khám da liễu, BV ĐHYD TP.HCM trong tình trạng vùng da tại bờ vai và lưng bị nhiễm trùng với biểu hiện nhiều đốm đỏ, nóng, sưng bóng lên, đau nhức.
Bà T. cho biết, quê bà bao đời nay đều chữa bệnh giời leo bằng cách khoán (lấy mực tàu khoanh vùng mụn nước), sau đó đắp lá sung, lá khổ qua, hoặc đậu xanh. Bà T. thắc mắc, nhiều người đắp lá đều khỏi, sao bệnh của bà càng có biểu hiện nặng hơn.
Còn bệnh nhân V.T.A. (ngụ tại tỉnh Vĩnh Long) cũng tìm đến BS da liễu khi các mụn nước trên trán sưng đỏ, lan rộng xuống hố mắt, sống mũi, mắt bỗng dưng mờ hơn trước. BS cho biết, bệnh zona tác động lên dây thần kinh thị giác đã làm giảm thị lực bệnh nhân, nhưng may chưa đến mức nghiêm trọng. “Cháu nó mắc bệnh mấy tháng nay rồi, nghe người ta mách, tôi chỉ đắp đậu xanh, ai ngờ bệnh nặng thêm” - mẹ của A. kể lại.
|
Ảnh minh họa. |
BS Trần Thế Viện cho biết, 90% trường hợp mắc bệnh zona đều tự điều trị bằng phương pháp dân gian thay vì đến BV. Không ít trường hợp bệnh diễn tiến nặng, gặp nhiều biến chứng.
Zona là một bệnh do virus zona varicellae gây ra. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người từng bị thủy đậu, người có hệ miễn dịch suy giảm. Virus zona cũng là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu, có thể nằm hàng chục năm trong cơ thể, sau đó gặp yếu tố thuận lợi (sức đề kháng giảm do tuổi tác hoặc bệnh tật), chúng liền hoạt động trở lại, theo dây thần kinh ra da, gây nên bệnh zona. Đối tượng dễ mắc zona sau thủy đậu là người già yếu, được ghép thận, ghép tủy xương, nhiễm HIV, ung thư, dùng thuốc ức chế miễn dịch lâu ngày (thuốc trị hen suyễn, viêm khớp).
Bệnh này do siêu vi lây lan theo đường hô hấp hay do tiếp xúc với dịch của mụn hay bóng nước, khởi phát mạnh vào mùa mưa, mùa lạnh, khu vực có nhiệt độ ẩm thấp. Theo các BS, có hai nhóm dấu hiệu cho biết bệnh giời leo là thần kinh và da.
Về thần kinh, xuất hiện rối loạn cảm giác vùng da sắp bị thương tổn, rất thường gặp như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau; cảm giác nóng rát nhất là về đêm. Người lớn tuổi có thể đau dữ dội từng cơn hoặc liên tục. Cơn đau có thể dọc theo dây thần kinh, một nửa bên cơ thể, đau trong thời gian trước, trong và sau khi nổi thương tổn.
Về da, sau vài ngày, trên vùng da rối loạn cảm giác xuất hiện các mảng màu hồng riêng lẻ, sau đó tụ lại thành mảng lớn; trên bề mặt mảng này có nhiều mụn nước hợp thành chùm ở trung tâm. Các mụn nước này có thể lớn thành bóng nước chứa dịch trong, có thể lõm ở trung tâm (hình rốn). Vài ngày sau, mụn nước vỡ ra, khô và đóng vảy. Có nhiều cơn bộc phát, nhất là ở người già, gây ra tổn thương da đa dạng.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo BS Viện, khi mắc bệnh, tuyệt đối không gãi, cạo, xát chanh, xát muối, đắp đậu xanh, đắp lá… vì sẽ làm thương tổn sâu hơn, lan rộng hơn, nhiễm trùng, gây khó khăn cho việc điều trị. Giảm đau là việc cần làm đầu tiên. Nếu bệnh nhân chảy dịch nhiều, BS sẽ chỉ định bôi các dung dịch làm dịu da. Nếu tổn thương có mủ, sâu rộng, BS sẽ chỉ định uống kháng sinh, kèm bôi thuốc. Việc điều trị bằng các thuốc kháng vi rút sẽ rút ngắn triệu chứng viêm và đau cấp, giảm các biến chứng nặng ở phổi, ngũ quan, mau lành sẹo.
Cũng theo BS Viện, thời gian điều trị bệnh tốt nhất là trong vòng 72 giờ sau khi có tổn thương da, nếu để kéo dài hơn một tuần thì thời gian điều trị sẽ lâu hơn nhưng vẫn cho kết quả tốt. Nhưng nếu cứ để ở nhà đắp lá trong thời gian dài, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thường gặp nhất là đau dây thần kinh sau bệnh zona, có thể kéo dài nhiều tháng.
Ở những người lớn tuổi, bệnh dễ gây biến chứng đau nhiều hơn. Nếu bệnh khu trú tại vùng trán, hốc mắt, mũi, có thể gây thương tổn dây thần kinh số 5, làm giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn; hoặc gây tổn thương dây thần kinh số 7 làm liệt mặt, méo miệng…
Đáng lưu ý, ở phụ nữ mang thai, nếu mắc bệnh zona ở ba tháng đầu, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện bào thai; còn mắc bệnh ở các tháng còn lại của thai kỳ thì theo y văn, không thấy tăng nguy cơ bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là biến chứng của bệnh đối với bà mẹ, vì phụ nữ mang thai nào cũng đều sợ việc uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và có tâm lý âm thầm chịu đựng hoặc điều trị theo phương pháp dân gian. Đây là đối tượng dễ gặp biến chứng do bệnh zona nhất.
Cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin thủy đậu, thuốc chủng ngừa zona. Trẻ em nếu được chủng ngừa thủy đậu từ nhỏ sẽ không mắc bệnh thủy đậu, do đó cũng không mắc bệnh zona. Nên hạn chế ăn uống, sinh hoạt chung với người đang mắc bệnh; nên tự nâng cao sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng thật tốt. Phụ nữ mang thai bị bệnh zona cần đến bệnh viện phụ sản để sàng lọc thai sớm nhằm phát hiện sớm một số dị tật thai nhi do bệnh gây ra.
Cẩm Anh