UBND tỉnh Quảng Ngãi từng làm dự án cảng Bến Đình ở huyện đảo Lý Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỉ đồng nhưng không hiệu quả. Sau đó, UBND tỉnh này tiếp tục duyệt chi từ ngân sách 250 tỉ đồng để làm một tuyến đê chắn sóng nhằm bảo vệ cảng này. Tuy nhiên, việc xây đê này lại xâm phạm 195,35ha khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Khi Bến Đình là… đình bến
Ngày 26/10/2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo số 310/BC-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án cảng Bến Đình ở huyện đảo Lý Sơn.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi xin đầu tư khoảng 300 tỉ đồng cho dự án cảng Bến Đình, gồm các hạng mục làm cầu tàu, bờ kè, nạo vét khu nước trước bến và san lấp mặt bằng, xây công trình kiến trúc trên bờ và công trình hạ tầng kỹ thuật. Ở cảng này, UBND tỉnh sẽ cho xây dựng mới 1 bến cầu tàu cho 1 tàu có trọng tải 1.000DWT, 1 tàu có trọng tải 600DWT và 1 tàu khách 200 ghế.
|
Cảng Bến Đình dù đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành hiệu quả vì xây dựng ở vùng gò sóng nên tàu thuyền khó cập. Tỉnh Quảng Ngãi đang đốc thúc xây dựng một tuyến đê dài 450m với tổng vốn đầu tư 250 tỉ đồng để bảo vệ cảng |
Bấy giờ, nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương được duyệt cho dự án là 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, số vốn bị đội thêm hơn 56 tỉ đồng. Tháng 11/2017, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ký công văn xin HĐND tỉnh điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 200 tỉ đồng lên hơn 256 tỉ đồng kèm theo cam kết sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Tháng 7/2022, cảng vận hành thử nghiệm nhưng không đạt hiệu quả, chỉ cần gió cấp 4 hoặc cấp 5 là tàu khách không cập bến được. Theo người dân địa phương, khu vực được chọn làm cảng Bến Đình là gò sóng (có các bãi san hô) nên hễ có gió cấp 4-5 là sóng mạnh, tàu thuyền không thể cập bờ; mùa hè, gió tây nam mạnh, tàu thuyền cũng khó cập cảng.
Do vậy, cảng Bến Đình gần như bị sóng biển cô lập. Các tàu chở khách và chở hàng ra đảo Lý Sơn vẫn cập bến ở cảng cũ nằm ở đầu đảo. Trong quá trình khai thác cảng Bến Đình, người dân phải chạy lên chạy xuống giữa cảng cũ và cảng Bến Đình để lên tàu vào bờ, bởi ban quản lý cảng cũng không nắm được cảng nào được phép neo tàu, nhất là khi biển chớm động.
Hiện nay, cảng Bến Đình đang đóng cửa. Người dân Lý Sơn mỉa mai rằng “cảng Bến Đình đúng là đình mãi cái bến”. Một số sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề xuất đổi tên cảng nhưng không được chấp thuận.
Tự ý làm đê ở khu bảo tồn biển?
Để cứu vãn tình thế, ngày 27/10/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi đã gửi tờ trình cho UBND tỉnh về việc điều chỉnh diện tích của khu bảo tồn biển Lý Sơn, do các vị trí xây dựng trong bản vẽ thi công dự án đê chắn sóng nằm chồng lấn lên các phân khu chức năng của khu bảo tồn mà theo quy định là không được xây dựng công trình.
Theo tờ trình trên, UBND tỉnh cần đưa 195,35ha ra khỏi khu bảo tồn, gồm 54,65ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, 140,7ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái. UBND tỉnh đồng ý, thúc đẩy các bước thủ tục để làm đê chắn sóng, mà bước cuối cùng là phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu ngày 31/1/2023.
Đáng nói, khu bảo tồn biển Lý Sơn nằm trong hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch theo Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 với tổng diện tích 7.925ha, trong đó có 7.113ha biển. Theo quy định của pháp luật, để điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển, phải thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục, sau đó UBND cấp tỉnh gửi hồ sơ cho Bộ NN-PTNT để xin ý kiến bằng văn bản. Căn cứ ý kiến của Bộ NN-PTNT, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển.
Thế nhưng, khi trả lời phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - nói: “Cái này không cần phải hỏi ý kiến bộ mà thuộc thẩm quyền của tỉnh. Thật sự ra, tôi cũng đã làm việc với các nhà chuyên môn hàng hải rồi, bến nhô thì phải làm đê bảo vệ, bến kín mới không làm đê. Còn ở Lý Sơn, điều kiện lựa chọn vị trí xây cảng đảm bảo tuyệt đối thì không có vị trí nào để lựa chọn (ngoài cảng Bến Đình). Mà vị trí đó là huyện đề nghị chứ ai, huyện khảo sát lấy ý kiến từ địa phương chứ không phải Sở Giao thông Vận tải trước đây lựa chọn đâu”.
|
Cảng Bến Đình dù đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành hiệu quả vì xây dựng ở vùng gò sóng nên tàu thuyền khó cập. Tỉnh Quảng Ngãi đang đốc thúc xây dựng một tuyến đê dài 450m với tổng vốn đầu tư 250 tỉ đồng để bảo vệ cảng |
Ông nói tiếp: “Việc lựa chọn vị trí này là từ thời ông Lê Viết Chữ làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện đề xuất vị trí bằng văn bản. Hồi đó, có 2 luồng (ý kiến) lựa chọn vị trí, nhưng sau này, địa phương chọn vị trí như hiện tại, kết hợp với đơn vị tư vấn họ tham mưu chứ sở không tự quyết định vị trí”.
Ông Đặng Văn Minh cho rằng, lúc đầu, UBND tỉnh dự định xây dựng vừa cảng vừa đê nhưng không có tiền nên chỉ làm cảng. Do chỉ làm cảng nên qua một thời gian sử dụng thì công suất, thời gian khai thác không đạt mục tiêu. “Nói thật là hồi đó, không có tiền nên làm cảng trước, làm đê sau. Bây giờ có tiền, mới làm đê để phục vụ hoạt động của cảng. Cái này là dự án giao thông nên không tính đến hiệu quả kinh tế, mục tiêu đầu tư là đảm bảo cho giao thông, có cảng ở đảo Lý Sơn chứ không đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu. Mình không thể nói hiệu quả như thế nào được mà mục tiêu là có một cái cảng để vận chuyển khách lên đảo Lý Sơn” - ông nói.
Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi - để nắm rõ hơn vai trò tham mưu trong việc điều chỉnh khu bảo tồn, nhưng ông chỉ nói ngắn gọn rồi tắt máy: “Có ai nói điều chỉnh gì đâu, có điều chỉnh gì đâu? Nó liên quan gì đâu? Cái nội dung điều chỉnh không liên quan gì bọn anh hết”.
Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT khẳng định với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM: “Việc này chưa thông qua bên mình. Theo quy định, phải thông qua bên mình và rà soát theo quy định. Chúng tôi chưa có thông tin và sẽ kiểm tra lại việc này để xử lý. Phải theo hướng dẫn tại Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT, trong đó có trình tự thủ tục lập dự án. Các bước điều chỉnh dự án đều có trong thông tư. Việc điều chỉnh phải qua hội đồng, báo cáo Bộ NN-PTNT và được bộ đồng ý”.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản - nói: “Làm như thế là không đúng với quy chế khu bảo tồn biển được nêu trong Nghị định số 26/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 8/3/2019 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản)”.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, quy hoạch khu bảo tồn biển đến năm 2020 nằm trong Quyết định số 742 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng có khu bảo tồn biển Lý Sơn. Kể cả muốn điều chỉnh quy hoạch khu bảo tồn biển cấp tỉnh, vẫn phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN-PTNT. Nếu Bộ NN-PTNT chưa có ý kiến đồng ý thì việc phê duyệt của UBND cấp tỉnh cũng không có ý nghĩa.
Lê Đình Dũng