Tự ý “cách ly”, may là vợ cho về nhà

01/04/2020 - 11:33

PNO - Chỗ nằm cạnh bên trống không. Anh tỉnh giấc rồi không thể nào chợp mắt trở lại. Sống một mình tĩnh lặng cũng không sung sướng gì.

Dọn ra ở riêng đã hơn một tháng, anh nghỉ phép, bắt đầu những cuộc rong chơi như thuở độc thân. Thật nhẹ nhõm khi không phải chứng kiến cảnh vợ la con khóc trong mỗi bữa cơm, không nhìn thấy gương mặt hầm hầm sẵn sàng quát tháo dù anh nói bất cứ điều gì. Những ngày đó đã qua rồi, anh như người trút được gánh nặng đeo bám lâu nay. 

Anh không biết cái gánh nặng ấy đã đổ hết lên bờ vai của người vợ vốn chịu nhiều áp lực. Vào đêm anh quyết định nói cho vợ biết sự bức bối của mình, chị gác tay lên trán, lặng im lắng nghe. Hơn nửa giờ trôi qua, anh chốt lại với ý muốn cả hai thử giải thoát cho nhau một thời gian. Chị bật dậy, rồi bọn trẻ sẽ thế nào? Tiền đâu nuôi con? Lâu nay một tay chị chăm sóc hai đứa, nếu tách chúng ta, thì làm sao anh có thể lo cho con? Anh trấn an vợ, đừng lo, mẹ con em vẫn ở đây, toàn bộ tài sản, nhà cửa, ruộng vườn đều do em giữ. Hằng tháng anh vẫn chuyển tiền đầy đủ để lo cho gia đình. Anh sẽ dọn ra ngoài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị lặng thinh. Từ lâu, chị cũng chẳng còn hứng thú nghĩ đến chuyện vợ chồng. Dường như chị chỉ cần anh đưa đủ tiền hằng tháng để xoay xở trong nhà. Chị làm dâu đã bốn năm. Mọi việc trong ngoài một tay chị quản. Anh là kỹ sư xây dựng, sáng đi làm, chiều về nhà ăn cơm vợ nấu. Cuộc sống êm đềm trôi qua cho đến khi bố mất, mẹ liệt nửa người và chị liên tiếp sinh hai đứa con. Do chị quá bận rộn, bữa cơm chiều chuyển thành cơm tối. Sự bình yên bay biến.

Chị lúc nào cũng căng thẳng, thường xuyên mắng chửi hai đứa trẻ, đôi khi trút bực lên chồng và cả mẹ chồng. Anh không hiểu, người vợ hiền lành nhu mì của anh tại sao lại thay đổi như thế. Anh sợ về nhà, sợ nhìn vào gương mặt vợ, sợ nghe điệp khúc mắng mỏ mỗi ngày. Hôm nào cũng phải hơn chín giờ tối, khi các con say giấc, anh mới tìm được chút bình yên.

“Cứ làm theo ý anh muốn, em chiều hết”. Chị vẫn gác tay lên trán, nói thản nhiên như không. Chị cũng đã mệt mỏi biết bao. “Chiến đấu” lâu dài với hai đứa con biếng ăn hiếu động, chăm sóc mẹ, lo cơm nước cho chồng. Mọi việc có vẻ bình thường với một người nội trợ, nhưng khiến chị cạn kiệt sức lực. Lâu lắm rồi chị không được ngủ thẳng giấc, không có thời gian chăm chút bản thân, không hẹn hò bè bạn. Dường như chị không còn mong muốn điều gì.

Thuê một căn chung cư cũ, anh dọn ra ngoài, cơm hàng cháo chợ. Thời gian đầu, anh thấy thoải mái, nhưng sau đó là bao nhiêu bất tiện. Suốt ngày không cá thì thịt, mỗi chén canh chỉ vài ba cọng rau, ăn mãi phát ngán. Nhớ hồi ở nhà, bữa cơm của vợ lúc nào cũng đầy ắp rau xanh, bát canh thường là nước hầm xương ngọt thịt chứ không rặt vị bột nêm. Anh cũng nhớ con. Dù hai đứa trẻ không gần gũi với bố, nhưng khi cách xa, anh bỗng thấy thiếu vắng một cách khó tả.

Nhiều đêm nằm ngủ, nghe tiếng con khóc văng vẳng bên tai, anh quơ tay gọi vợ dậy pha sữa. Chỗ nằm cạnh bên trống không. Anh tỉnh giấc rồi không thể nào chợp mắt trở lại. Sống một mình tĩnh lặng cũng không sung sướng gì. 

Anh biết mình ích kỷ. Đáng ra, giờ này anh phải ở nhà phụ vợ một tay lo cho con và chăm sóc mẹ. Mẹ là mẹ ruột của anh. Anh có nghĩa vụ lo cho bà khi tuổi già sức cạn. Nhưng vì vợ vén khéo chu toàn, nên anh giao tất cả cho chị. Anh biết vợ giỏi chịu đựng. Nếu đổi anh là chị, anh sẽ phát điên khi luôn phải căng thẳng như vậy. Càng nghĩ, anh càng muốn trở về. Nhưng đã lỡ chủ động đòi ra ở riêng, bây giờ anh không có cớ gì để quay lại.

Bao lần cầm điện thoại định gọi cho vợ nhưng anh phân vân rồi lại thôi. Anh cảm giác tội lỗi, sợ nghe vợ trách móc, sợ đón nhận những câu phũ phàng, kiểu như sao không giỏi đi luôn đi, cả tháng nay sao không gọi về thăm con một lần…

Sáng đầu tuần mở điện thoại, anh giật mình khi thấy hàng loạt cuộc gọi nhỡ của cô em gái. Anh gọi lại ngay. Giọng cô em hốt hoảng: “Anh đi đâu vậy? Mẹ trở bệnh, anh để chị ở nhà một mình thì làm sao? Hôm qua vợ chồng em không về thì chẳng có ai đưa mẹ vào bệnh viện”.

Rón rén bước vào phòng bệnh, anh như kẻ mắc lỗi lớn. Chị đang giúp mẹ ăn cháo. Có lẽ quá vội vàng nên chị không kịp thay quần áo tươm tất mà mặc luôn bộ đồ ở nhà. Hai đứa trẻ bày đồ chơi ở góc phòng. Thấy bố, chúng chạy lại tranh nhau ôm chầm lấy.

Anh hỏi gì chị trả lời nấy, không sốt sắng cũng không lạnh lùng. Thái độ của vợ khiến anh càng thêm rụt rè. Cố hàn gắn mối quan hệ, anh lăng xăng phụ chị dọn dẹp. Nhìn mớ thuốc ngồn ngộn trên bàn, anh thắc mắc, mỗi ngày mẹ uống chừng ấy sao? Chị bảo đấy là thuốc cảm cúm của chị. Cô em chồng vào thăm mẹ, tình cờ nghe được. Đợi lúc chị vào phòng vệ sinh, cô em nói nhỏ với anh. Bác sĩ bảo chị bị trầm cảm nặng, gần cả năm nay. Chị âm thầm đi khám và điều trị. Hôm qua, chính vị bác sĩ khám cho chị đã chủ động bắt chuyện với cô em, dặn gia đình quan tâm giúp đỡ chị nhiều hơn. 

Thì ra mọi sự thay đổi của chị đều có lý do. Anh hối hận vì giống như kẻ bỏ rơi vợ trong lúc chị cần biết bao sự giúp đỡ của chồng. Ngày mẹ xuất viện, anh phụ vợ tay xách nách mang trở về nhà. “Không đi nữa à?”. “Anh ở nhà với mẹ con em. Ráng uống thuốc. Anh xin lỗi…”. Giọng anh lạc đi. Gương mặt hốc hác, mệt mỏi và chịu đựng của chị bỗng nở một nụ cười buồn. Anh ôm chầm vợ rồi òa khóc. 

Hai đứa trẻ ngơ ngác nhìn bố mẹ. Hành trình tìm lại hạnh phúc của gia đình họ còn rất dài… 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI