Tự ý bỏ thuốc huyết áp, tim mạch: Bệnh nhân đái tháo đường chịu hậu quả nghiêm trọng

08/06/2024 - 12:19

PNO - Khi mắc bệnh đái tháo đường, bệnh nhân thường bị kèm bệnh về huyết áp và tim mạch. Do đó, ngoài thuốc điều trị đái tháo đường, bác sĩ sẽ kê toa cả thuốc huyết áp và tim mạch. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân tự ý chỉ uống thuốc đái tháo đường, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Ngưng thuốc không lâu, bệnh đã trở nặng

Mỗi ngày, phòng khám nội tiết - thận của Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh tiếp nhận khoảng 200 ca liên quan tới các bệnh lý về chuyển hóa. Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Khôi Nguyên - Khoa Nội tiết - thận của BV - cho biết, trong số đó, không ít người tự ý bỏ bớt thuốc bác sĩ cho, chỉ chọn uống loại mà mình nghĩ là quan trọng. Cũng có bệnh nhân uống thuốc không đều vì ngại phải uống quá nhiều. Từ đó dẫn tới hậu quả nặng nề.

Bác sĩ Đặng Khôi Nguyên - Khoa Nội tiết - thận Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đang khám cho một trường hợp phải nhập viện vì tự ý bỏ thuốc tim mạch và huyết áp - ẢNH: CHÂU TRẦN
Bác sĩ Đặng Khôi Nguyên - Khoa Nội tiết - thận Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đang khám cho một trường hợp phải nhập viện vì tự ý bỏ thuốc tim mạch và huyết áp - Ảnh: Châu Trần

Suốt 4 năm nay, bà P.T.H. (65 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu tại BV Lê Văn Thịnh. Mỗi tháng, bà đều tái khám và được bác sĩ kê toa điều trị cả 3 bệnh nói trên. Khoảng 4 tháng nay, bà H. chuyển về quê nên không còn đến BV tái khám. Do không mua được đúng loại thuốc như trong toa, bà H. chỉ duy trì việc uống thuốc đái tháo đường, tự ý bỏ thuốc huyết áp và mỡ máu. Gần đây, bỗng dưng bà H. thấy tức ngực, mệt.

Bà đã đi khám và bất ngờ nhận được kết quả chẩn đoán bị hẹp mạch vành 47%, được tư vấn đi khám BV chuyên về tim mạch bởi nếu không kịp thời đặt stent thì có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Bác sĩ Đặng Khôi Nguyên giải thích, mỡ máu của bệnh nhân không được kiểm soát trong một thời gian dài dẫn tới hình thành các mảng xơ vữa gây hẹp tắc mạch vành. Bên cạnh đó, huyết áp tăng cao cũng làm cho khả năng giãn nở thành mạch của bệnh nhân kém đi.

Ông Đ.H.D. (68 tuổi, ngụ tại quận 7) bị đái tháo đường kèm rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp. Ông đã điều trị tại BV Lê Văn Thịnh khoảng 5 năm nay và chưa ghi nhận từng bị tai biến hay nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, cách đây 2 tuần, ông D. bị cảm cúm. Ông tự mua thuốc về uống để chữa cảm cúm và ngưng uống thuốc bệnh nền vì cho rằng khi uống thuốc cảm cúm thì cần ngưng các thuốc khác. 5 ngày sau, ông đột ngột mệt, yếu tay chân bên phải, được đưa vào BV cấp cứu. Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não. Nguyên nhân chính là tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát kịp thời đã dẫn tới áp lực trên thành mạch quá cao, gây bể mạch máu trên não.

Cần kiểm soát tốt 3 bệnh nền

Bà T.T.N. (74 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) có tiền sử bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Bà từng bị tai biến nhẹ một lần, may mắn sau đó đã điều trị và hồi phục được chức năng vận động. Dù vậy, bà phải uống rất nhiều loại thuốc và duy trì thuốc suốt đời. Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi vì uống thuốc nhiều nên tự ý ngưng thuốc huyết áp và tim mạch. Hậu quả là bà xuất hiện cơn đau ngực, khó thở. Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp do hẹp mạch vành. Trường hợp này có chỉ định phải đặt stent, nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.

Theo bác sĩ Đặng Khôi Nguyên, bệnh đái tháo đường, huyết áp và tim mạch thường đi kèm với nhau, hình thành nên “bộ 3 bệnh nền về chuyển hóa”. Lý do cho sự kết hợp này xuất phát từ những tác động tiêu cực của bệnh đái tháo đường lên tim mạch và mạch máu. Đường huyết cao trong bệnh đái tháo đường dẫn đến một loạt biến đổi. Đó là tổn thương mạch máu, tăng áp lực lên tim và rối loạn chức năng tim. Đây là nguyên nhân chính gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Tiếp đến, do mạch máu bị tổn thương và xơ cứng, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Điều này dẫn đến tăng huyết áp và nguy cơ suy tim. Sự kết hợp của bệnh đái tháo đường, huyết áp và tim mạch làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa…

Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường góp phần phòng ngừa và giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, huyết áp. Bệnh nhân đái tháo đường không được tự ý loại bỏ bớt thuốc trong toa của bác sĩ, bởi việc ngưng thuốc huyết áp, tim mạch có thể dẫn tới hệ lụy khôn lường.

Đừng chủ quan với “kẻ giết người thầm lặng”

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Phòng khám tim mạch Khoa khám bệnh BV Đại học y dược TPHCM - cho biết, tăng huyết áp cũng giống như các bệnh lý mạn tính khác, cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Thực tế có những bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không uống thuốc đều đặn, tự ý bỏ thuốc hoặc điều trị bằng phương pháp không chính quy. Những bệnh nhân đã gặp các vấn đề nguy hiểm do bệnh tăng huyết áp gây ra, phải cấp cứu. Họ chia sẻ rằng thỉnh thoảng quên không uống thuốc huyết áp nhưng vẫn không có triệu chứng gì nên nghĩ rằng dù giảm hay bỏ thuốc cũng không nguy hiểm. Sự nguy hiểm này khiến bệnh tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI