Ba tuần qua tôi như ngồi trên đống lửa với nỗi buồn, lo lắng tột cùng, vì chồng tôi bị “cô Vy” tấn công và lôi kéo. Điều trớ trêu nhất là chồng tôi đưa “cô Vy” về nhà trong lúc tôi dẫn hai con về quê ngoại và bị kẹt dưới đó đã hơn ba tháng. Tôi hoang mang khi cháu tôi sống nhà kế bên gọi điện báo tin: “Dượng Út bị dính “con Vy” rồi”.
Cả nhà vào chiến dịch
Tôi lật đật gọi điện và bàng hoàng khi chồng xác nhận: “Anh lỡ dính nó rồi. Giờ anh làm sao đây?”. Câu hỏi này làm tôi thắt ruột gan.
Chồng đang rối bời, còn tôi không giữ được bình tĩnh. Tôi vừa thương vừa giận chồng, bởi tôi luôn căn dặn anh: “Con Vy rình rập khắp nơi, anh phải chú ý và tránh xa nó”. Vậy mà trong một phút lơ là, điều tôi lo sợ nhất, ám ảnh nhất đã xảy ra.
Chồng tôi tạm nghỉ việc ở nhà để đoạn tuyệt với “cô Vy”. Dù vẫn còn giận chồng sơ sẩy để dương tính, nhưng tôi biết đây không phải là lúc tra xét nguyên nhân, mà cần giải quyết hậu quả. Trong lúc chồng tôi giày vò bởi sự ân hận, tôi nói với anh:
“Em sẽ không trách anh và dù ở xa nhưng em sẽ luôn bên cạnh anh, chăm sóc anh, nên anh chỉ cần ở nhà, ăn uống nghỉ ngơi và tuyệt đối không nghĩ đến “cô Vy”, không để nó trấn áp tinh thần. Anh phải có sức mạnh để chia tay “con Vy” vĩnh viễn”.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Việc đầu tiên tôi làm là không cho gia đình hai bên hay chuyện này. Bởi, nếu người thân hay được sẽ lời ra tiếng vào, can thiệp, dặn dò đủ điều càng khiến người trong cuộc hoang mang.
Việc tiếp theo là từ An Giang, tôi viện trợ ngay thuốc hạ sốt, kháng viêm, vitamin C, thịt cá, trái cây và các loại lá xông về TP.HCM cho chồng. Trong đó, tôi sơ chế sẵn một số thức ăn, để nếu chồng mệt thì chỉ cần cho vào cháo ăn liền là có được tô cháo hành, thịt, tôm đảm bảo ngon hơn… cháo Thị Nở.
Ba ngày đầu của chiến dịch “đoạn tuyệt cô Vy”, chồng tôi rất uể oải, mệt mỏi và sợ hãi “cô Vy”. Anh bị “con Vy” tra tấn, hành hạ sốt li bì. Qua màn hình điện thoại, nhìn chồng một mình nằm im lìm trong nhà, thức ăn để bên cạnh nuốt không trôi vì những cơn sốt hành hạ, lòng tôi như lửa đốt.
Những thông tin về người bị “cô Vy” tấn công khiến họ gục ngã, tử vong tại nhà không ai hay, hay tử vong ở bệnh viện vì không thở nổi, khiến tôi bấn loạn. Tuy nhiên, trước mặt chồng, tôi vẫn luôn tươi cười, trấn an anh. Tôi trở thành “bác sĩ” riêng của chồng, luôn “có mặt” 24/24.
Cứ 6g15 sáng, tôi gọi cho chồng, đây là lúc sức khỏe anh khá nhất trong ngày. Tôi nhắc anh đi khò họng nước muối và uống một ly nước ấm. Tôi đã đặt sẵn thức ăn từ người quen ở ngay trong chung cư nên 6g30 là họ để phần ăn trước cửa nhà.
Chồng tôi chỉ cần mở cửa là đã có bữa ăn nóng sốt. Rồi anh uống một viên vitamin C, sau đó ăn trái cây và xông hơi cho khỏe người. Còn hai bữa trưa chiều, anh chỉ cần cắm nồi cơm, còn thức ăn tôi đã chuẩn bị sẵn.
Có những ngày “cô Vy” hành chồng tôi ghê gớm, anh nằm bẹp và thở hụt hơi. Một mặt tôi trấn an chồng, hướng dẫn anh tập thở và dặn anh khi khó thở nhiều thì nằm sấp như các bác sĩ hô hấp hướng dẫn. Mặt khác tôi gọi điện cho các bác sĩ quen hỏi về tình trạng của anh.
Bác sĩ nghe xong rồi đánh giá anh vẫn có thể tiếp tục tự điều trị tại nhà, trong trường hợp khó thở nhiều và chỉ số SpO2 dưới 90 thì vào bệnh viện cấp cứu. Tôi nhắm ngay đến hai bệnh viện gần nhà tôi ở P.An Lạc, Q.Bình Tân là Bệnh viện Triều An và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngoài xe cấp cứu 115, tôi còn lưu những số điện thoại của các xe cấp cứu khác và những bác sĩ có thể đến nhà trợ giúp trong mùa dịch phòng khi anh trở nặng.
Đến ngày thứ năm, những cơn sốt vẫn thường trực và chồng tôi bị nhạt miệng, mất hẳn khướu giác nên vốn đã không muốn ăn, giờ càng ăn không nổi. Tôi lại tỉ tê, dỗ dành chồng y như dỗ hai bé nhà tôi lúc bệnh: “Anh ráng ăn một ít thôi để có sức khỏe”. Vậy là chồng tôi uể oải dậy húp được vài ngụm cháo rồi lại nằm.
Những khi đó, tôi bảo hai con trò chuyện và thay phiên đọc sách cho ba nghe. Lúc chồng qua cơn sốt, khỏe hơn chút, tôi rủ anh cùng tập thể dục. Chỉ là hai bên đi lòng vòng trong phòng, hoặc là lắc hông, quơ tay chân vài phút, nhưng những điều này rất hữu ích. Sau mỗi buổi tập thể dục, hay sau giờ xông là chồng tôi khỏe hơn.
Từ ngày thứ bảy tới ngày thứ mười, tôi luôn nín thở theo dõi chồng, vì nghe các bác sĩ nói đó là mốc quan trọng nhất với người bị “cô Vy” tấn công. Tôi “chỉ định” chồng ăn uống nhiều hơn, tập thể dục nhiều hơn và xông nhiều lá xông hơn.
Ơn trời, chỉ sau đêm thứ tám anh mệt nhiều, chỉ số SpO2 còn 91, suýt phải đi bệnh viện, tôi nói chồng tập trung tập thở và thở, rồi anh vượt qua được. Những ngày đó tôi cùng chồng gần như video call và nhắn tin suốt. Vì chúng tôi đều sợ nếu dừng lại có thể sẽ không bao giờ được nói chuyện với nhau nữa.
Vợ là siêu đẳng cấp
Thật ra, thường ngày tôi và chồng cũng không nói chuyện nhiều vì cả hai đều bị cuốn theo công việc. Tối về gặp nhau trong bữa cơm, nói vài câu thì dạy con học và đã đến giờ đi ngủ. Tôi luôn thắc mắc tại sao anh người yêu hài hước ngày trước biến đâu mất, thay vào đó là ông chồng khô như ngói. Còn anh, có lần trong cơn say anh nói với tôi:
“Trả cho anh cô bạn gái luôn nhỏ nhẹ và quan tâm người yêu từng chút một”, chứ không phải “gấu mẹ” luôn quát con la chồng mỗi tối. Vậy mà những ngày chăm chồng bệnh, chúng tôi nói chuyện liên khúc và có đủ thứ chuyện để “tám”. Cứ chồng khỏe là nói, bởi tôi rất sợ anh… ngủ luôn.
Tôi dặn dò anh từng bữa ăn, nhắc anh xông lá, xông thuốc… và có một tiết mục thường trực là chúng tôi tập thở. Sợ chồng tập thở một mình buồn chán nên khi gọi video call thì tôi với chồng cùng “chu mỏ” thở như lúc thổi nến. Tôi bất ngờ khi ngay sau đó nhận được những bức hình với diện mạo không thể xấu hơn của tôi trong lúc tập thở.
Sau đó, tôi cũng bắt chước lén chụp khoảnh khắc “dìm hàng” anh với 1.001 kiểu phùng mang trợn mắt, “mỏ dài, mỏ ngắn”. Những lần nhìn các bức hình đó là cả hai không nhịn nổi cười. Có hôm hai con tôi còn tham gia vào tiết mục tập thở và cả nhà tôi đã có những hình ảnh, tiếng cười rất sảng khoái.
|
Ảnh minh họa |
Rồi cả nhà tôi cùng thi nhảy dây và sức khỏe của chồng tôi được cải thiện, thể hiện qua số lần nhảy dây lâu hơn của chồng. Ba mẹ con tuy ở xa nhưng không bao giờ để chồng một mình hay có cảm giác đơn độc. Cũng trong những ngày u ám này, tôi chợt thấy anh người yêu hài hước ngày xưa. Anh pha trò, trêu chọc tôi đủ thứ.
Thậm chí, khi ba mẹ con xem anh tự test COVID-19, anh vừa ngoáy que vào mũi thì chun mũi và hắt xì dài (với vẻ mặt có lẽ Mr Bean còn chào thua). Tôi biết là việc chọc que này có nhột, khó chịu, nhưng chồng tôi diễn hơi bị lố. Thế là hai con tôi cứ cười ngặt nghẽo.
Còn anh, dù vẫn luôn dìm tôi “bà xã nấu ăn không có mùi vị gì hết”, nhưng khi xong các cuộc gọi video call chồng hay nhắn tin: “Cảm ơn bà xã, em đã giúp anh vượt qua những ngày khủng khiếp này”. Hay có khi đổi cách xưng hô: “Cảm ơn mẹ, mẹ cho ba cảm giác ba mẹ con luôn bên cạnh”.
Và anh không quên gài vợ: “Phong độ nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi, mẹ chăm ba đợt này là siêu đẳng cấp luôn. Nhớ phải giữ và phát huy hơn nữa nghen”.
Cái mốc 7-10 ngày cũng qua, chồng tôi chỉ còn cảm giác uể oải như người bị cảm cúm thông thường. Đến ngày thứ 14, chồng tôi tự test, kết quả âm tính. Sau đó y tế phường đến nhà test lại ba lần và xác định chồng tôi đã khỏi bệnh ở ngày thứ 22. Đến lúc này tôi mới hết thở rón rén và đêm mới được ngủ thẳng giấc khi chồng đã đoạn tuyệt được “cô Vy”.
Không chỉ ở bên cạnh mới hỗ trợ, chăm sóc được cho nhau, với tình hình dịch bệnh đi lại khó khăn như hiện nay, việc chăm sóc người thân online rất hữu ích và thiết thực.
Người bệnh rất cần sự trấn an, sẻ chia và đồng hành của người thân. Dù ngoài đời thật hay là online thì sự quan tâm, chân tình trong lúc bệnh tật, hoạn nạn cũng như liều thuốc quý, giúp chữa lành hay phòng bệnh hiệu quả.
Giang Thùy