Ngày 15/8/1969, một hình ảnh điên rồ đã diễn ra khiến cả thế giới sửng sốt: hàng nghìn chiếc xe bị bỏ lại bên đường, dòng người xuống đi bộ, nối dài nhau như thể bất tận kéo đến một nông trại ở Bethel, New York- cách thị trấn Woodstock không xa. Ban đầu người ta dự tính sẽ có khoảng 50.000 người, nhưng không, con số đó cứ tăng dần, tăng dần. 100.000 người, 150.000 người rồi 200.000 người... Miền này đổ về, vùng kia kéo đến... và con số cuối cùng lên đến gần 500.000 người. Tình trạng kẹt xe kéo dài đến 27km.
|
Woodstock đã truyền cảm hứng và tạo ảnh hưởng đến mô hình âm nhạc trên toàn thế giới. |
Giá vé chương trình ban đầu được bán với giá 18 USD và 24 USD, nhưng rồi những rào chắn được dở bỏ, như sự phá bỏ tất cả mọi nguyên tắc về biểu diễn lẫn thưởng thức âm nhạc. Từ một buổi biểu diễn, lễ hội âm nhạc Woodstock đã kéo dài 3 ngày 3 đêm không dứt, mặc cho cơn mưa trút xuống, mặc cho nông trại nhuốm những vũng bùn.
Lễ hội âm nhạc Woodstock đã không diễn ra lần 2 sau đó (có chăng thì cũng chỉ là chương trình kỷ niệm Woodstock), một lễ hội âm nhạc với số lượng khán giả lớn hơn với 600.000 người (lễ hội Isle of Wight vào năm 1973 tại Watkins Glen, New York) cũng xuất hiện nhưng "tinh thần Woodstock" là thứ không thể tìm lại. Woodstock vĩnh viễn là một phần của lịch sử âm nhạc thế giới và hình ảnh lẫn thái độ của nó sau đó hiện diện trên toàn cầu, cho đến tận bây giờ.
Trong đó, có mô hình tổ chức và thưởng thức âm nhạc kiểu một liên hoan, kéo dài và tự do, phóng khoáng lẫn in đậm thái độ với vấn đề xã hội.
|
Gần 500 khán giả đã đến với Woodstock |
Trước Woodstock đã từng có Monterey Pop - nơi Jimi Hendrix tưới xăng lên cây đàn guitar rồi châm lửa đốt; có Newport Jazz in đậm dấu ấn biểu diễn xuất thần của nhiều tên tuổi nghệ sĩ nhạc jazz - thể loại vốn đề cao sự ngẫu hứng; có Reading festival được xem như ngày hội nhạc pop lâu đời nhất còn tồn tại.
Nhưng phải đến Woodstock thì festival âm nhạc mới phổ biến, cũng như đặt ra cho nhà tổ chức nhiều câu hỏi, buộc họ chịu khó thay đổi hình thức theo sự dịch chuyển của thời đại để tồn tại.
Những buổi diễn ngoài trời đa dạng và đặc sắc, kéo dài cả ngày
Âm nhạc cần nhà hát, phải có những khán phòng và những dãy ghế- mặc định đó đã không còn từ sau Woodstock. Những mô hình âm nhạc diễn ra ngoài trời, quy tụ hàng loạt ca sĩ tên tuổi trình diễn tại sân vận động, thu hút hàng trăm nghìn khán giả. Các liên hoan âm nhạc lớn luôn có nhiều sân khấu để khán giả lựa chọn. Các nghệ sĩ biểu diễn, thay vì phải xếp hàng trình diễn với thời lượng ngắn ngủi trên một sân khấu chính, giờ có thể biểu diễn lâu hơn, trọn vẹn hơn trên những sân khấu phụ. Ví dụ như Glastonbury có đến năm sân khấu và ở sân khấu phụ vẫn có sự cuốn hút của rất nhiều tên tuổi như Rudimental hay Charli XCX...
|
Tomorrowland - lễ hội âm nhạc số 1 thế giới theo bình chọn của tạp chí DJ Mag, thường được tổ chức tại Bỉ vào trung tuần tháng Bảy. |
Các ca sĩ nhạc pop dĩ nhiên không bỏ lỡ điều này với những buổi lưu diễn vòng quanh thế giới đầy ắp khán giả tại các sân vận động. Từ Bob Dyland, Metallica, Michael Jackson, Madona cho đến Taylor Swiff hay Ariana Grande... Sân khấu ngoài trời chưa lúc nào thôi náo nhiệt, tưng bừng.
|
Mysteryland - lễ hội nhạc dance kinh điển. |
Mysteryland là một trong những lễ hội nhạc dance kinh điển diễn ra hàng năm tại Haarlemmertmeer, Hà Lan vào cuối tháng 8. Hơn 300 nghệ sĩ trình diễn trên 17 sân khấu mang đến tất cả các thể loại nhạc điện tử gồm: House, Big Room, Bass, Techno, Deep-House, Trance, Trap, Hardstyle, Hardcore, RnB, Hip Hop.
"Ăn chơi" theo khái niệm của người Hà Lan chính là việc cắm trại 3 ngày với không gian ngoài trời, sân khấu thiết kế theo phong cách sân khấu kịch và những buổi triển lãm nghệ thuật tập thể. Đặc biệt, Mysteryland còn có Healing Garden cung cấp các phương pháp điều trị sức khỏe, tinh thần như massage, yoga và thiền định.
Khán giả tự do đứng ngồi, chỉ có âm nhạc và âm nhạc
Không chỉ về cách thức của giới biểu diễn, ở Woodstock khán giả đến cắm trại, ngủ nếu quá mệt và lại tiếp tục khuấy tâm can mình cùng âm nhạc vào sáng hôm sau.
|
Khó có thể tin đây là quang cảnh của một chương trình âm nhạc, nhưng khán giả ở Woodstock có thể làm bất cứ điều gì, ở bất cứ tư thế nào khi thưởng thức âm nhạc. |
Các lễ hội âm nhạc sau này hiện diện điều ấy, khán giả có thể đi cùng rất nhiều bạn bè, vui chơi thỏa thích, "quẩy" theo điệu nhạc hoặc ngồi bệt xuống đất thưởng thức những chai bia mát lạnh, cười nói rộn ràng từ chiều đến khuya. Ở đó, tên tuổi nghệ sĩ biểu diễn chưa phải là thỏi nam châm có sức hút lớn nhất đối với khán giả. Không khí party và tinh thần tự do mới là cốt lõi. Càng về khuya, người hướng về festival âm nhạc càng kéo dài dằng dặc.
Ở Việt Nam, khán giả Việt thưởng thức âm nhạc theo mô hình này ban đầu chủ yếu từ những đêm rock, mà dấu ấn lớn nhất là RockStorm qua các mùa, bắt đầu từ 2007. Năm 2011, nghệ sĩ có ảnh hưởng toàn cầu Bob Dylan cũng đến Việt Nam với đêm nhạc mà ở đó khán giả thoải mái nằm, ngồi cùng nhau trên vạt cỏ, uống bia, nghe nhạc. Những năm gần đây, YanBeatfest hay Hanoi Sound Stuff, Đại nhạc hội hòa âm sáng, Monsoon Music Festival... đều diễn ra với hình thức thưởng thức này.
|
RockStorm - một trong những chấm sáng của festival âm nhạc tại Việt Nam |
|
Trào lưu gây sốt trên toàn thế giới
Ultra Music Festival được tổ chức lần đầu tiên ở Miami vào năm 1999, đến nay đã lan rộng toàn cầu, từ châu Mỹ (Brazil, Chile, Colombia…) sang châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…), thậm chí đến Nam Phi. Có khoảng 200 nghệ sĩ tham gia trình diễn tại UMF hàng năm, thu hút khoảng 165.000 người tham gia.
Mỗi năm một chủ đề, với những thông điệp khác nhau và cách truyền tải rất riêng qua việc lắp đặt sân khấu chính, UMF luôn được đánh giá cao về những trải nghiệm âm thanh, hình ảnh và ánh sáng. Năm 2018, UMF kỷ niệm 20 năm thành lập và thực sự bùng nổ với cuộc “tái xuất” của bộ ba huyền thoại Swedish House Mafia sau 5 năm vắng bóng, bên cạnh đó còn có Above & Beyond - một trong những tượng đài sống của dòng nhạc Trance, Hardwell, Mike Williams, Alan Walker, Marshmello, The Chainsmokers…
|
UMF - một trong những festival âm nhạc uy tín của thế giới. |
Tại châu Á, những festival âm nhạc thường kỳ tại Nhật Bản, Singapore hay những buổi diễn kéo dài hàng giờ đồng hồ của các nhóm nhạc K-Pop Hàn Quốc tạo thành cơn lốc chưa từng thấy. Những buổi diễn này trở thành liên hoan âm nhạc thường niên rất thu hút giới trẻ, với lượng vé bán ra lên đến hàng chục nghìn. Trong số đó, có không ít khán giả là khách du lịch đến từ các quốc gia châu Âu, hoặc quanh khu vực châu Á tìm mọi cách để sở hữu được một chiếc vé với mục đích duy nhất: xem thần tượng biểu diễn.
Đại Ngọc (tổng hợp)