Từ vụ YouTuber Thơ Nguyễn: Những kênh trẻ thích xem, cha mẹ rất khó chịu

12/03/2021 - 17:41

PNO - Các kênh YouTube có nội dung dành cho trẻ em rất hiếm, nhưng tại sao các nhà sáng tạo nội dung không nhúng tay vào thị trường màu mỡ này.

Đoạn clip xin vía học giỏi từ búp bê Kumanthong của YouTuber Thơ Nguyễn khiến cộng đồng cha mẹ giật mình, lo lắng những tác động xấu từ môi trường mạng đến con em.

Sợ là thế, cảnh giác là vậy, nhưng việc "cấm tiệt" trẻ em tiếp xúc với nội dung từ môi trường mạng rất khó. Phụ huynh dẫu cố gắng vẫn không thể theo sát con em 24/24. 

Thử tìm kiếm với một số từ khoá sau: “kênh YouTube cho trẻ em”, “trẻ em xem kênh YouTube nào”... sẽ nhận những kết quả tương đối giống nhau. Số kênh được gợi ý chưa đầy 20. Con số rất nhỏ so với hàng triệu kênh YouTube đang tồn tại. 

Phần lớn các kênh được giới thiệu chỉ chiếu phim hoạt hình, review đồ chơi cho đối tượng trẻ rất nhỏ, từ độ tuổi nhũ nhi tới mầm non. Với trẻ từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở, những nội dung trên chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí, học hỏi, tìm hiểu, bắt chước.

Vì lẽ đó, kênh của Thơ Nguyễn đánh trúng tâm lý trẻ và chiếm được một mảng thị trường rộng lớn, thu hút đến hơn 8,7 triệu lượt đăng ký.

Hình ảnh của YouTuber Thơ Nguyễn trong đoạn clip xin vía học giỏi khiến dư luận phẫn nộ
Hình ảnh của YouTuber Thơ Nguyễn trong đoạn clip xin vía học giỏi khiến dư luận phẫn nộ

Về mặt kinh doanh, rõ ràng đây là thị trường béo bở với các nhà sản xuất (NSX), bởi mức cạnh tranh không đáng kể, việc tung clip trên môi trường số hiện tại cũng rất dễ dàng. Nhưng vì sao nhiều nhà sáng tạo nội dung vẫn bỏ qua cơ hội “vàng” này?

Khi được đặt vấn đề, các đạo diễn, NSX đều cho rằng làm YouTube cho trẻ em rất khó. 

Đạo diễn Nguyễn Hưng Phúc chia sẻ: “Sáng tạo nội dung cho trẻ cần đáp ứng được tính giáo dục, giải trí, chuyên môn (với những chương trình thi đấu)... Trong đó, tính giáo dục phải được đề cao. Mỗi nội dung đưa ra đều phải được cân nhắc rất nhiều: có hợp lý không, phản ứng xã hội ra sao... Vì thế, sự sáng tạo đôi lúc cũng bị kẹp trong những khuôn thước. Đằng sau mỗi đứa trẻ đều là phụ huynh. Đáp ứng được cả nhu cầu cho trẻ và người lớn là thử thách không dễ vượt qua”.

Ông Bửu Điền (Chủ tịch HĐQT Công ty Điền Quân, cũng là đơn vị quản lý, hợp tác với nhiều nhà sáng tạo nội dung trên YouTube) nhận định: Trẻ em thích xem những gì khiến chúng thấy vui, thích thú, chứ không suy nghĩ nhiều. Nhưng đôi khi phụ huynh không hài lòng, cho rằng thiếu tính giáo dục. Vì thế, việc thoả mãn nhu cầu, tìm ra điểm chung của hai nhóm đối tượng này rất khó. Nếu chỉ thực hiện những nội dung khoa giáo an toàn thì khó lòng thu hút trẻ. 

Các NSX đều e ngại việc cân bằng sở thích của con trẻ và tiêu chuẩn đánh giá của phụ huynh không khớp nhau
Các NSX đều e ngại việc cân bằng sở thích của con trẻ và tiêu chuẩn đánh giá của phụ huynh không khớp nhau

Chị Thu Oanh - một phụ huynh ở TPHCM đồng tình: “Đa số những kênh bọn trẻ thích xem, cha mẹ rất khó chịu. Còn những gì phụ huynh gợi ý, con chẳng bao giờ mở ra”. 

Ngay cả việc đầu tư nội dung cho đối tượng người lớn trên môi trường số trước nay cũng được xem như canh bạc. Nhiều nhà sáng tạo đã bại trận dù tin đã nắm bắt được xu hướng, gu của khán giả.

Trong khi với trẻ em, dẫu cố gắng, nhưng các nhà sản xuất khó biết chúng thích gì, muốn gì, bởi chưa có một nghiên cứu tâm lý, thị hiếu cụ thể nào. Không biết nhu cầu khách hàng, việc “bán sản phẩm” tất nhiên sẽ mang tính may rủi.

Trẻ ở độ tuổi từ tiểu học đến trung học cơ sở rất thích bắt chước, trải nghiệm, thử nghiệm... Vì thế, các đơn vị sản xuất, nhà sáng tạo nội dung cũng e dè. Bởi chỉ cần thiếu cân nhắc, hoặc không tính toán được mức độ ảnh hưởng, độ an toàn sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.

Ông Điền nhấn mạnh: “Muốn làm hay, có hiệu ứng tốt phải thoả mãn rất nhiều nhu cầu, tiêu chí. Những người đứng sau phải hiểu rõ thị trường, lường được nguy cơ, thông hiểu giáo dục, nắm rõ tâm lý trẻ... Đó phải là quá trình tìm hiểu kỹ, chứ không nên bất chấp vì lợi ích”.

Khi đã nhận ra được những nút thắt, liệu các đơn vị ngành giáo dục có thể phối hợp với các NXS để đi gỡ? Chỉ khi đó trẻ mới có nhiều lựa chọn an toàn. Nhưng tương lai đó bao giờ diễn ra, có lẽ thật khó để trả lời. 

Chuyện trẻ con xem gì trên mạng, chọn kênh nào, có an toàn hay không, vẫn tiếp tục gây đau đầu các ông bố bà mẹ. Hiện phụ huynh chỉ biết hô hào nhau giám sát hoặc... tịch thu thiết bị điện tử của trẻ.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI