Từ vụ xét xử VN Pharma: 'Nghệ thuật làm giá' và 'vết thương' đấu thầu tập trung

23/08/2017 - 09:25

PNO - Trong “hành trình” gian nan để có thể đến được tay người bệnh, viên thuốc còn gánh trên mình cả một quá trình “bôi trơn”.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn lậu thuốc chữa bệnh” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty CP VN Pharma (Q.10, TP.HCM), các bị cáo còn khai nhận nâng khống giá thuốc khi nhập khẩu.

Việc này nhằm mục đích hợp thức hóa tiền chi hoa hồng cho bác sĩ (BS) nếu muốn bán được thuốc tại các bệnh viện (BV). Trong quá trình điều tra, một phó giám đốc của công ty đã giao nộp cho công an một số biên nhận chi hoa hồng lên đến 7,5 tỷ đồng.

Tu vu xet xu VN Pharma: 'Nghe thuat lam gia' va 'vet thuong' dau thau tạp trung
Thuốc đến tay người bệnh phải qua nhiều khâu… “làm giá”

Muốn “chơi” cần biết “nghệ thuật làm giá”

Quả vậy, chuyện các công ty dược phải chi hoa hồng cho BS kê toa các loại thuốc do mình phân phối đã là một thực tế không thể chối cãi. 

Trao đổi với chúng tôi ngày 22/8, ông Nguyễn Duy Thuận - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị BV  TP.HCM - cho rằng, vấn đề không có gì mới, tỷ lệ và cách ăn chia không khác gì suốt từ một thập kỷ nay. Ông Thuận xác nhận, giá thuốc trúng thầu đương nhiên phải có thêm chi phí hoa hồng tùy theo từng công ty, nhưng cũng có những loại thuốc không tốn đồng nào. Thuốc gốc thì không cần phải cạnh tranh, nên không cần chi phí này.

“Thường thì 1 hoạt chất có 5 biệt dược trúng thầu. BS được kê toa 1 trong 5 mặt hàng đó. Nhưng không nên chỉ chăm chú đến hoa hồng và BS. Ta cần nhìn kỹ vào bản chất của việc khám chữa bệnh đó tùy vào loại thuốc mà bệnh nhân (BN) có đáp ứng khác nhau. Nên BS kê toa không thể chỉ dựa trên hoa hồng, mà còn phải xem xét thuốc nào đáp ứng BN nào, nếu đáp ứng tốt tiếp tục xài, không phải đổi biệt dược khác”, ông Thuận nêu quan điểm.

Tuy nhiên, có lẽ hiện trạng đang diễn ra tại các BV lại không “hồng” như nguyên tắc trên. Cựu lãnh đạo một BV tại TP.HCM đã “vẽ” lại cho chúng tôi con đường gian nan của viên thuốc và “nghệ thuật làm giá” của các doanh nghiệp dược.

Muốn nhập một mặt hàng đó về để bán tại thị trường trong nước, công ty phân phối phải nộp hồ sơ lên Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xin cấp phép lưu hành. Nếu đồng ý, Cục sẽ cấp cho giấy lưu hành trong thời hạn nhất định, tùy mặt hàng từ 1-3 năm, gọi là VISA thuốc. Có VISA, công ty mới được nhập hàng và công bố giá bán. Cục sẽ thẩm định giá và công bố giá bán lần nữa.

Khi được phép lưu hành (nhập về) mới được tham gia dự thầu. Muốn đấu thầu, phải được BV đưa hàng vào danh mục thuốc của BV. Danh mục này lại do các khoa đề xuất lên (căn cứ nhu cầu sử dụng) để BV tổng hợp kê danh mục. “Cho nên muốn thuốc vô BV, đầu tiên phải chi hoa hồng, bôi trơn cho các trưởng khoa thì mới được đề xuất. Đồng thời, còn phải chi cho khoa dược, để được tổng hợp vào danh mục đề xuất ban giám đốc duyệt. Đó là chỉ mới đưa tên công ty vô tham gia đấu thầu thôi đấy. Trúng thầu hay không lại là chuyện khác nữa”, vị này nói.

Trúng thầu rồi, mới cắt khoản hoa hồng cho BS kê toa và khoa dược. Nếu không biết “luật”, ngay cả trúng thầu cũng khó mà bán trong BV. Bởi khoa dược luôn vận dụng “chiêu” đâu chỉ có một loại biệt dược trúng thầu cho một hoạt chất. Thỏa thuận chi phí hoa hồng xong, khoa dược hoặc các khoa, phòng mới đưa cho công ty danh sách BS cho toa hàng tháng, kèm với số lượng kê toa của mỗi BS. Công ty dược tổng kết và trả cho BS tiền hoa hồng dựa trên số lượng thuốc đã kê toa. Tất tần tật, giá thuốc có khi phải gánh đến gần 50% phí bôi trơn, hoa hồng cho “hành trình” này.

Bộ Y tế quy định giá thuốc trúng thầu không được xê xích quá 10% giá đã công bố. Muốn chi hoa hồng, bôi trơn cỡ như thế, phải qua quá trình “làm giá” hệt như các bị cáo trong vụ VN Pharma đã làm. Ở đây, như đã nói, Cục Quản lý dược là cơ quan xét, thẩm định và công bố giá.
Cô N.T.V.A. - một trình dược viên lâu năm - cho biết, hoa hồng cho BS thường 5-30%, khoa dược đòi 2-5%. Có những trường hợp công ty không có chế độ thì trình dược viên phải đi bằng quà cáp (bánh, nước, khăn giấy, nón bảo hiểm, áo mưa…). Có khi phải nhờ “mấy bạn” ở nhà thuốc cho biết danh sách BS đã ra toa và cuối tháng phải gửi quà biếu. “BS nào đã chăm được thì chỉ cần hằng tháng chi đủ là OK. Phí đó cuối tháng công ty tổng kết và trả lại cho chúng tôi”, A. nói.  “Có BS còn nói thẳng: em đừng có nói là hàng bảo hiểm y tế (tức qua đấu thầu) mà không có phí nha, ở đây có phí tôi mới xài à”, cô kể thêm.

“Vết thương” đấu thầu tập trung

Tại phiên xử lần 1 vào tháng 6/2016 và phiên xử lần này, các bị cáo đều nói không biết việc nhập gần 9.300 hộp thuốc H-Capital 500 mg Caplet từ Canada là bằng chứng từ giả. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma - còn cho rằng, chính mình đã mời Cục Quản lý dược kiểm tra lô thuốc khi khách hàng phản ánh thuốc không đạt chất lượng (?).

Đến lượt mình, Cục Quản lý dược - đơn vị trước đó đã làm công việc thẩm định hồ sơ, cấp phép cho nhập khẩu lô thuốc nói trên - lại cho rằng Cục nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nên yêu cầu Hùng giải trình và kiểm tra. Thế mà khi thẩm định, dù hồ sơ có những nội dung không thống nhất, nhưng tổ thẩm định của Cục không phát hiện, vẫn đề nghị duyệt cho nhập. Theo chúng tôi, cần phải làm sáng tỏ vấn đề này.

Một “sự lạ” khác, trước khi cơ quan điều tra vào cuộc chỉ vài tháng, thuốc H-Capital do VN Pharma “nhập từ Canada” lại còn trúng thầu trong đấu thầu thuốc tập trung do Sở Y tế TP.HCM tổ chức và công bố vào tháng 5/2014. Kết quả cho thấy giá kế hoạch mà sở mời thầu là 66.000 đồng/viên, nhưng thuốc của VN Pharma trúng thầu với giá chỉ có 31.000 đồng/viên.

Tại phiên tòa lần 1, ông Hùng cho biết, khi có “dư luận” nói thuốc H-Capital do công ty nhập về không sản xuất tại Canada, ông đã cho người sang Canada xác minh. Đồng thời, gửi mẫu đến Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM. Theo ông, ngay trong sáng mà ông bị công an triệu tập tháng 9/2014, kết quả kiểm nghiệm thuốc H-Capital 500 mg Caplet của ông đạt chất lượng (?). Khi công an “sờ gáy”, kết quả giám định sau đó của Bộ Y tế lại kết luận lô thuốc H-Capital của VN Pharma chứa 97% hoạt chất capectitabine không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Thời điểm vụ án vừa xảy ra, phát biểu trước Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Phạm Khánh Phong Lan (khi đó là Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện đang là Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) đã phân tích những kẽ hở trong việc cấp số đăng ký thuốc (VISA thuốc) và đấu thầu tập trung.

Theo bà, mục tiêu của đấu thầu là chọn được thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý. Nhưng khi thực hiện thì chỉ quay về đấu giá. Thuốc nào qua vòng kỹ thuật mà có giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Kẽ hở này khiến cho một số công ty kinh doanh thuốc không bảo đảm chất lượng nhưng có thể trúng thầu bằng mọi giá. Bà Lan nêu thực tế, có thuốc vừa có VISA hôm trước, hôm sau đã tham gia dự thầu, mà chưa hề có mặt trên thị trường.

Những “sự lạ” trên nên cần có thêm những phiên tòa tương tự, mới có thể thực sự giúp giảm bớt gánh phí đè lên viên thuốc, từ đó giảm gánh nặng cho người bệnh. 

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng bị đề nghị 12 năm tù

Kết thúc phần thẩm vấn ngày 22/8, đại diện VKS TP.HCM cho biết, từ năm 2013 đến 19/9/2014, Nguyễn Minh Hùng thông qua Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty H&C) đã làm và sử dụng các giấy tờ giả, con dấu bất hợp pháp. 

Tu vu xet xu VN Pharma: 'Nghe thuat lam gia' va 'vet thuong' dau thau tạp trung
Các bị cáo Công ty VN Pharma trong phiên tòa xét xử ngày 22/8

Bao gồm giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC), giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, sử dụng con dấu bất hợp pháp đóng vào hồ sơ thuốc H-Capita 500mg Caplet... Làm giả hợp đồng, các phụ lục mua bán và chứng từ thủ tục thanh toán tiền bằng cách chuyển tiền vào 2 tài khoản của dịch vụ chuyển tiền để được Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu thuốc để buôn lậu gần 9.300 hộp H-capita 500mg. Vì vậy, hành vi của các bị cáo đã phạm tội “buôn lậu” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Hùng và Cường từ 10-12 năm tù. Các bị cáo khác cũng bị đề nghị từ 2-6 năm tù.

BV Ung Bướu TP.HCM không dùng thuốc của VN Pharma

Ngày 22/8, dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM cho biết, BV chưa từng sử dụng thuốc H-Capita của Công ty VN Pharma. 

Thời điểm VN Pharma đấu thầu thuốc H-Capita 500mg với Sở Y tế TP.HCM (tháng 5/2014), BV Ung Bướu cũng đã đề xuất được cung cấp hoạt chất capecitabine (chỉ định điều trị các bệnh ung thư: vú, dạ dày và đại trực tràng), tuy nhiên BV chưa từng sử dụng thuốc H-Capita 500mg (hoạt chất capecitabine). Hiện BV đang sử dụng 3 loại thuốc có chứa hoạt chất capecitabine là Xeloda (biệt dược gốc của hãng Roche) và 2 loại thuốc generic tương đương sinh học với biệt dược gốc.

Băng Tâm

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI