Từ vụ TikToker Hà Linh xin lỗi: Sự tích cực, tử tế nên được xây dựng từ đầu

12/04/2023 - 14:20

PNO - Không riêng TikToker Hà Linh, trước đây từng có nhiều trường hợp khi bị dư luận phản ứng, tẩy chay mới xin lỗi, mong được tha thứ để bắt đầu xây dựng lại những nội dung tích cực. Trong khi đó, tư duy phát triển những điều tích cực lẽ ra nên có từ đầu.

TikToker Hà Linh xin lỗi, hứa không làm các video review quán ăn sau khi bị chỉ trích, tẩy chay
TikToker Hà Linh xin lỗi, hứa không làm các video review quán ăn sau khi bị chỉ trích, tẩy chay

Mới đây, Hà Linh, nữ TikToker gây xáo động dư luận mấy ngày qua vừa lên tiếng xin lỗi, sau ồn ào livestream bán hàng vào ngày 4/4. Trước đó, sau buổi livestream, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một số quán ăn tuyên bố cấm cửa, không đón tiếp Hà Linh. Năm 2022, Hà Linh cũng từng bị một số hàng quán dán thông báo "miễn tiếp" cùng 2 TikToker khác là Cô Gái Có Râu và Nờ Ô Nô bởi những nội dung có tính chất tương tự.

Trong lời xin lỗi của mình, Hà Linh nói khi làm công việc review, cô luôn giữ tiêu chí nói đúng cảm nhận của mình, nhưng không nhận thức được chuyện ngon dở tùy thuộc khẩu vị mỗi người, mỗi vùng miền, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hàng quán.

Cô cũng cho biết sẽ dừng hẳn hoạt động này, chỉ tập trung vào review mỹ phẩm. Hà Linh hứa chỉ chia sẻ những điều tích cực, có hiệu quả. 

Không riêng Hà Linh, trước đây từng có không ít trường hợp tương tự.

Chẳng hạn Nờ Ô Nô, thường xuyên đăng tải video review món ăn với phong cách đanh đá, từ ngữ kém văn minh, chê bai người khác. Đến khi bị dư luận phản ứng vì đoạn video miệt thị người nghèo, bị cơ quan chức năng tuýt còi, bị xóa kênh, nhân vật này mới lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm và mong được tha thứ.

TikToker Lê Bống cũng có động thái tương tự, sau hàng loạt video bị phản ứng nhảm nhí, đặc biệt “khơi màu” cho trào lưu “săn mây” (mở cửa sổ khi máy bay đang bay để ghi hình mây trên không) gây ảnh hưởng an toàn bay… 

TikToker Nờ Ô Nô từng bị chỉ trích vì video có ngôn từ miệt thị người nghèo, lón tuổi
TikToker Nờ Ô Nô từng bị chỉ trích vì video có ngôn từ miệt thị người nghèo, lớn tuổi

Nội dung nhảm nhí, bẩn, tiêu cực… luôn là vấn đề nhức nhối trên môi trường mạng trong những năm qua. Chúng không chỉ tạo dư luận xấu, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt trên đời sống.

Trong những bài đăng phản ứng với Hà Linh, một số tài khoản cho rằng chỉ cần một video nhận xét tiêu cực có thể khiến các hộ kinh doanh điêu đứng, dẫu đầu tư rất nhiều công sức, tiền của… Nhiều người cho biết một thời gian dài phải chịu đựng giọng nói, cách làm hết sức kém văn minh của Nờ Ô Nô khi những video của anh này liên tục xuất hiện trên TikTok, mà không có cách nào dẹp bỏ…

Những TikToker này, có người đổi đời nhờ lượt xem, lượt người theo dõi “khủng” trên mạng xã hội. Lẽ ra, đi kèm với những tín hiệu này, thì trách nhiệm và sự nhận thức của họ phải gia tăng theo, nhằm giúp truyền tải những điều tích cực, góp phần xây dựng con người, xã hội văn minh.

Nhưng với một số cá nhân, điều này đã bị xem nhẹ, dẫn đến những nội dung bẩn, nhảm nhí, xấu độc cứ tiếp tục ra đời. Còn các nền tảng, mạng xã hội vẫn chưa thể quét, loại bỏ tuyệt đối, hoặc có sự định hướng để tạo ra những giá trị thực sự hữu ích từ những cá nhân này. 

Lê Bống xin lỗi vì khơi màu cho trào lưu săn mây trên máy bay, khiến ảnh hưởng an toàn bay
Lê Bống xin lỗi vì "khơi màu" cho trào lưu "săn mây" trên máy bay, khiến ảnh hưởng an toàn bay

Sự phản ứng của dư luận, người dùng, bản lề về văn hóa, đạo đức đã thực sự phát huy tác dụng trong những trường hợp trên. Dẫu tín hiệu này chưa nhiều, hoặc chưa đủ lớn để dẹp bỏ hoàn toàn cái xấu, nhưng nên được phát huy để tiếp tục tạo ra những sự thay đổi, chuyển biến.

Đành rằng, đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại, nhưng sự tử tế, tích cực được xây dựng từ đầu vẫn đáng trân trọng hơn lời xin lỗi, khi những điều không hay, không đẹp đã được lan truyền, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Sắp tới đây, Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan chức năng liên quan sẽ tiến hành thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam. Trước đó, đã có những sai phạm được đề cập từ nền tảng này trong cách thức hoạt động được chỉ ra như: không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung xấu độc hại; không có biện pháp quản lý các idol (thần tượng) dẫn đến nhiều người sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng thu lợi nhuận từ nững nội dung này.

Mong rằng động thái này sẽ góp phần thanh lọc, định hướng lại cả nội dung, người dùng, xử lý triệt để những “u nhọt” chưa có thuốc đặc trị thời gian qua.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI