Từ vụ Pate Minh Chay gây ngộ độc - Cơ quan quản lý thực phẩm cứ “theo đuôi” vụ việc

04/09/2020 - 07:12

PNO - Rất nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm hầu như chỉ chạy theo sự vụ nên đã bị động trong vụ việc pate Minh Chay gây ngộ độc.

“Lỗ hổng” quá nhiều 

Theo tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP), chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP đối với cơ sở sản xuất pate Minh Chay (Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới) do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hà Nội cấp và quản lý. 

Các chuyên gia cho rằng, quy trình quản lý an toàn thực phẩm hiện nay chưa thể khiến người tiêu dùng yên tâm
Các chuyên gia cho rằng, quy trình quản lý an toàn thực phẩm hiện nay chưa thể khiến người tiêu dùng yên tâm

Tiến sĩ Phan Thế Đồng - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen - đặt vấn đề: “Đơn vị này không liên quan gì tới ATTP, cũng không liên quan tới công nghệ thực phẩm, vi sinh, hóa chất trong thực phẩm mà lại cấp phép thì thật không thể hiểu được”. Đó là điều mà cơ quan chức năng cần làm rõ. 

Tiến sĩ Đồng cho rằng, việc quản lý ATTP hiện nay có quá nhiều vấn đề. Chẳng hạn, theo quy định, tất cả những người tham gia vào các khâu sản xuất thực phẩm, dịch vụ ăn uống phải có giấy khám sức khỏe, không có bệnh tật để tránh lây nhiễm vào thực phẩm rồi từ thực phẩm lây qua người khác. Thế nhưng, việc cấp giấy này rất dễ dãi, thường chỉ khám qua loa, kiểu hợp thức hóa. Quy định về ATTP cũng yêu cầu người lao động phải có kiến thức về vệ sinh ATTP nhưng trên thực tế, việc tập huấn, giáo dục cho người lao động về vấn đề này còn thiếu và sơ sài, miễn sao có được giấy chứng nhận. 

Muốn được cấp phép, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn về nhà xưởng, ATTP, nhưng thực tế, họ có đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn bắt buộc hay không? Ví dụ, khi sản xuất thực phẩm đóng hộp, cơ sở sản xuất phải có thiết bị hấp tiệt trùng sản phẩm; nếu chỉ xử lý nhiệt theo kiểu nấu thông thường thì không thể diệt hết vi khuẩn botulinum (gây ngộ độc). 

Cũng theo tiến sĩ Đồng, nhiều quy định về tiêu chí, điều kiện sản xuất thực phẩm còn chung chung, chưa cụ thể khi áp dụng cho sản xuất từng loại sản phẩm khác nhau. Thêm vào đó, không phải trong một lô hàng, tất cả sản phẩm bị lỗi hết; vì vậy, việc lấy mẫu ngẫu nhiên theo xác suất vẫn tiềm ẩn rủi ro sản phẩm mất ATTP. Ở nước ngoài, công tác quản lý ATTP rất chặt chẽ, cơ sở sản xuất thực phẩm phải khai báo đầy đủ, toàn bộ theo những tiêu chí, quy định của Nhà nước.

Sau đó, cơ quan hữu trách xuống kiểm định, đánh giá tất cả các điều kiện nhà xưởng, thiết bị máy móc, giấy khám sức khỏe công nhân, nếu đạt chuẩn, mới cấp phép. Nhà sản xuất phải ghi chép lại tất cả các công đoạn, quy trình sản xuất và công khai thông tin lên hệ thống cơ quan quản lý để cùng kiểm soát ATTP. Trên tất cả sản phẩm, đều phải có mã vạch QR để truy xuất nguồn gốc khi cần thiết, để khi sản phẩm bị lỗi, việc thu hồi sẽ nhanh chóng. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, cơ sở sản xuất sẽ bị rút giấy phép, buộc đóng cửa.  

Theo chuyên gia ATTP Vũ Thế Thành, rủi ro về ATTP có thể xảy ra với bất cứ doanh nghiệp chế biến thực phẩm nào, vấn đề là phải kiểm soát được quy trình để hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất. Muốn vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà sản xuất và cơ quan chức năng. Nhà sản xuất phải ghi chép và trình bày toàn bộ hồ sơ liên quan đến sản xuất một cách minh bạch chứ không phải đối phó, còn cơ quan chức năng cần hướng dẫn để doanh nghiệp làm đúng và khắc phục lỗi chứ không phải lăm le lập biên bản với vẻ mặt hình sự.

Trong vụ “pate Minh Chay”, ông Thành cho rằng, nhà sản xuất và cơ quan chức năng cần phối hợp để xác định công đoạn nào chưa diệt được bào tử botulinum và khắc phục sai sót đó, từ đó đúc kết những sai sót, cách khắc phục và phổ biến để các doanh nghiệp khác cùng phòng ngừa. Cần làm sao để sự cố ngộ độc botulinum không xảy ra nữa, vì sức khỏe cộng đồng chứ không phải đối phó hay xử phạt.

Người tiêu dùng dễ thành “chuột bạch”

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại, Hội Luật gia Việt Nam - lực lượng làm công tác quản lý ATTP hiện nay còn thiếu và yếu; trang thiết bị, dụng cụ, kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế; việc lấy mẫu kiểm nghiệm còn khó khăn. Việc phát hiện ra các độc tố, hóa chất tồn dư trong thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định phức tạp, chi phí lớn, thời gian dài nên việc cảnh báo, khuyến cáo cho người tiêu dùng chưa kịp thời. Phương tiện kiểm tra nhanh hiện nay chưa đủ căn cứ, cơ sở để cảnh báo. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất chưa quan tâm nhiều đến việc chứng minh nguồn gốc, hồ sơ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc. 

Việc quản lý thực phẩm chế biến hiện còn quá nhiều lỗ hổng
Việc quản lý thực phẩm chế biến hiện còn quá nhiều lỗ hổng

“Vụ pate Minh chay có chứa độc tố có thể do việc kiểm tra chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng chưa được kỹ lưỡng hoặc sau khi kiểm tra tại cơ sở sản xuất thì quy trình mới có vấn đề. Việc này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh” - luật sư Hậu nói.

Tiến sĩ Đồng nhấn mạnh, quan trọng là khâu kiểm tra, thẩm định cấp phép phải đúng. Chẳng hạn, cơ sở có thiết bị tiệt trùng nhưng có đạt yêu cầu để sản xuất thực phẩm đóng hộp không, hay chỉ đạt yêu cầu để sản xuất những sản phẩm không đóng hộp? Điều kiện vệ sinh ATTP của cơ sở như thế nào để được cấp phép là rất quan trọng và người kiểm định để cấp phép phải có trình độ về ATTP và công nghệ thực phẩm. Sau khi được cấp phép, cơ sở sản xuất có thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định về vệ sinh, ATTP hay không cũng cho thấy việc quản lý theo kiểu hậu kiểm hiện nay không chặt chẽ. Điển hình, dù được cấp phép cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP ngày 3/1/2020 nhưng sau khi xảy ra vụ ngộ độc pate Minh Chay, cơ quan chức năng kiểm tra thì phát hiện tại thời điểm kiểm tra, công ty không duy trì điều kiện vệ sinh, như vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước… 

Quy trình quản lý ATTP hiện nay là hậu kiểm, nhà sản xuất đem mẫu sản phẩm phân tích các chỉ tiêu, an toàn chất lượng, gửi bản phân tích này cho cơ quan quản lý cấp giấy phép. Sau khi nhà sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường, cơ quan phụ trách thanh, kiểm tra thỉnh thoảng lấy mẫu kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên. Nếu mẫu kiểm nghiệm không đúng với công bố của nhà sản xuất thì cơ sở mới bị xử phạt. Theo tiến sĩ Đồng, cách thức quản lý như vậy rất hời hợt và không hiệu quả trong việc kiểm soát ATTP. Đó chỉ là quản lý phần ngọn, chạy theo sự vụ. Để đảm bảo ATTP, cần phải kiểm soát theo quy trình từ khâu sản xuất, bắt buộc nhà sản xuất phải ghi chép lại và đưa lên hệ thống của cơ quan quản lý để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để ngăn ngừa rủi ro, từ đó khắc phục, ngăn ngừa sự cố. 

“Tôi từng đi cùng hội đồng nhân dân xuống quận, huyện để giám sát công tác quản lý ATTP với tư cách là một thành viên khoa học độc lập; các nhà quản lý ở quận, huyện đều than “không đủ kinh phí để lấy mẫu phân tích”. Nếu cứ lấy lý do như vậy thì rủi ro về ATTP còn xảy ra nhiều và dài dài. Đừng đổ thừa do thiếu người, thiếu vốn mà quan trọng là cần đầu tư bài bản vào con người và công nghệ. Cả nhà quản lý và nhà sản xuất đều phải có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm lưu thông ra thị trường đạt các tiêu chuẩn ATTP, khi đó, người tiêu dùng mới yên tâm” - tiến sĩ Đồng nói. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI