Từ vụ ngộ độc tập thể ở Trường iSchool: Bữa ăn bán trú ở các trường đang tổ chức ra sao?

22/11/2022 - 12:04

PNO - Vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở Trường iSchool Nha Trang khiến nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng trước việc tổ chức bữa ăn bán trú ở các trường. Như vậy, việc tổ chức bữa ăn bán trú ở các trường đang được thực hiện ra sao?

Hiệu trưởng phải nếm thức ăn trước khi chuyển cho học sinh

Với hơn 1.500 học sinh tham gia bán trú, cô Đỗ Ngọc Chi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) chia sẻ, vấn đề an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn bán trú của học sinh được nhà trường đặt lên hàng đầu. Ở từng khâu trong tổ chức bán trú, nhà trường thực hiện ràng buộc trách nhiệm để từng bộ phận ý thức rõ ràng nhiệm vụ, từ đó có trách nhiệm cao nhất.

Cụ thể, nhà trường yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm phải sơ chế trước khi giao đến bếp. Ở khâu tiếp phẩm, ngay khi tiếp nhận thực phẩm, bếp phải có trách nhiệm kiểm tra thật kỹ thực phẩm có đảm bảo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay không mới ký nhận. Khi đã ký nhận rồi đồng nghĩa với việc bếp phải chịu trách nhiệm với thực phẩm đưa vào trường. 

Đối với khâu phân phối thực phẩm đến các lớp sau khi chế biến, bảo mẫu phải có trách nhiệm kiểm tra, nếu phát hiện vấn đề nào đối với đồ ăn cho học sinh như về màu sắc, mùi vị... thì phải báo liền cho bếp và ban giám hiệu để can thiệp. Khi đồ ăn đã phân phối đến học sinh thì người chịu trách nhiệm trước tiên là bảo mẫu.

TPHCM tổ chức nghiêm ngặt khâu tiếp phẩm khi triển khai bữa ăn bán trú
TPHCM tổ chức nghiêm ngặt khâu tiếp phẩm khi triển khai bữa ăn bán trú

"Trên hết, hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu. Do đó, ngoài việc tách biệt trách nhiệm ở từng khâu, trường thực hiện khâu giám sát và lưu mẫu trong từng bữa ăn. Ngoài ra, trước mỗi bữa ăn bán trú, hiệu trưởng sẽ nếm thử trước tất cả các món để đảm bảo rằng các món ăn đúng mùi, vị, không có vấn đề về ATVSTP", cô Đỗ Ngọc Chi nói.

Tương tự, để tổ chức bữa ăn bán trú cho gần 500 trẻ, Trường Mầm non 14 (quận Tân Bình) cũng siết chặt khâu tiếp phẩm. Trong đó, ban tiếp nhận thực phẩm đầu vào gồm đội ngũ cấp dưỡng, bảo vệ sẽ kiểm tra, sàng lọc, đánh giá xem thực phẩm đầu vào đảm bảo tuân thủ theo quy chuẩn về ATVSTP, có đủ tươi sống không...

"Hàng năm đội ngũ cấp dưỡng, bảo vệ, sinh viên, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường đều được đi tập huấn về ATVSTP do trung tâm y tế quận tổ chức. Từ đó, đội ngũ cấp dưỡng nhà trường mạnh dạn kiểm tra, thường xuyên đổi trả thực phẩm chưa đảm bảo về độ tươi, ngon theo đúng yêu cầu đối với đơn vị cung cấp" - cô Phan Thị Ánh Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Tăng cường sự giám sát của phụ huynh, học sinh

Nhiều năm nay, Trường THCS Minh Đức (quận 1) đều huy động sự tham gia của phụ huynh vào tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Phụ huynh tham gia giám sát ở tất cả các khâu từ tiếp phẩm, chế biến cho đến thành phẩm bữa ăn của học sinh. Ngoài ra, trường cũng tạo kênh góp ý từ phía học sinh qua giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng để các món ăn phù hợp với lứa tuổi, đảm bảo dinh dưỡng, tạo cảm giác ngon miệng cho các em mỗi bữa ăn. 

Cô Trần Thúy An - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức cho biết, khi phụ huynh cùng tham gia giám sát tổ chức bán trú, ngoài việc công khai về chất lượng bữa ăn bán trú, nhà trường còn được lắng nghe ý kiến góp ý của phụ huynh để cải thiện tốt hơn quy trình tổ chức cũng như chất lượng bữa ăn. 

Tăng cường sự giám sát của phụ huynh trong các khâu khi tổ chức bữa ăn bán trú
Tăng cường sự giám sát của phụ huynh trong các khâu khi tổ chức bữa ăn bán trú

Tăng cường sự giám sát của phụ huynh cũng là một trong những yêu cầu được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng đặt ra cho các cơ sở giáo dục nhằm tổ chức có hiệu quả chất lượng bữa ăn bán trú, nâng cao hơn nữa việc chăm lo sức khỏe học sinh. Cụ thể, cơ sở giáo dục phải tăng cường công tác phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh trong đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học. Căn cứ tình hình thực tiễn của đơn vị, hiệu trưởng xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất công tác đảm bảo ATVSTP.

Đặc biệt, ông Dương Trí Dũng thông tin, trong năm học này Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Ban Quản lý ATVSTP kiểm tra đột xuất, định kỳ bữa ăn bán trú, căn tin trường học tại những trường có bếp ăn, suất ăn công nghiệp.

Phụ huynh cần thông tin đầy đủ cho nhà trường về thể trạng sức khỏe của học sinh khi ăn bán trú tại trường
Phụ huynh cần thông tin đầy đủ cho nhà trường về thể trạng sức khỏe của học sinh khi ăn bán trú tại trường

Phụ huynh phải thông tin cụ thể với nhà trường về tình trạng dị ứng của trẻ 

Cô Phan Thị Ánh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Mầm non 14 (quận Tân Bình) kể: nhiều năm về trước trên địa bàn quận từng có trường hợp trẻ bị dị ứng cua đồng song trong phụ huynh lại không thông báo với nhà trường. Vì vậy, trong bữa ăn bán trú có cua đồng, trẻ ăn đã bị dị ứng phải đưa đi cấp cứu. 

Ngoài ra, cô Phan Thị Ánh Hiệp nhấn mạnh, khi tổ chức bán trú, bếp ăn phải đảm bảo quy trình 1 chiều từ khâu tiếp phẩm, chế biến, thành phẩm đưa đến các lớp qua thang nâng. Với riêng trẻ mầm non, khẩu phần ăn nhà trường chế biến các món ăn không có xương,  phù hợp với độ tuổi của trẻ như cắt hạt lựu, màu sắc món ăn... Đồng thời chế độ ăn phù hợp với thể trạng của trẻ.

Huy động thêm nhân viên y tế "vào cuộc"

Kể lại câu chuyện từng xảy ra cách đây hơn 10 năm khi tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tại trường, Bác sĩ Huỳnh Trung Tuấn - nhân viên y tế Trường TH Trưng Trắc (quận 11) vẫn không khỏi rùng mình. Ông nhớ lại, ngay khi tiếp nhận thực phẩm đầu ngày chuẩn bị cho bữa ăn bán trú, khi kiểm tra thịt trong nhà bếp thấy có 2 màu khác nhau nên đã yêu cầu niêm phong toàn bộ số thịt và gửi đến Trung tâm Y tế dự phòng. Kết quả kiểm nghiệm 3 ngày sau cho thấy thịt heo bị nhiễm khuẩn.

“Thực sự đây là tình huống quá may mắn cho hơn 1.500 học sinh nhà trường khi đó. Điều này cho thấy nhân viên y tế phải có chuyên môn nghiệp vụ thì mới xử lý nhanh, dứt khoát. Nếu không có chuyên môn có thể sẽ để lại những hậu quả khó lường” - Bác sĩ Tuấn nhận định.

Từ câu chuyện trên, Bác sĩ Tuấn cho rằng, nhân viên y tế tham gia vào khâu tổ chức bán trú là hết sức cần thiết để cùng nhà trường tổ chức thật tốt bữa ăn bán trú cho học sinh. Nhân viên y tế có chuyên môn sẽ hỗ trợ nhà trường trong các tình huống kiểm tra bước đầu nguồn thực phẩm đầu vào.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI