Từ vụ Ngân hàng SCB, giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần không đủ để “chặt vòi bạch tuộc” sở hữu chéo?

15/01/2024 - 19:19

PNO - Nhiều ĐBQH băn khoăn, giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo ngân hàng, minh chứng ngay từ vụ việc của SCB.

 

ĐBQH Lương Văn Hùng khẳng định việc siết tỉ lệ cổ phần không có nhiều ý nghĩa trong xử lý sở hữu chéo ngân hàng
ĐBQH Lương Văn Hùng khẳng định việc siết tỉ lệ cổ phần không có nhiều ý nghĩa trong xử lý sở hữu chéo ngân hàng

Giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần... không có nhiều ý nghĩa

Chiều 15/1, đóng góp vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH Lương Văn Hùng (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, dự thảo điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần của các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần so với quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể là tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó lần lượt không vượt quá 5%, 15%, 20%, giảm xuống còn 5%, 10% và 15%.

Mục đích của việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần là nhằm hướng tới việc hạn chế tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỉ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ĐBQH cho rằng việc điều chỉnh như trên sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều tổ chức tín dụng, trong đó có các các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng và dự kiến sở hữu cổ phần minh bạch.

“Về vấn đề điều chỉnh tỉ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo”, ông nói,

ĐB lý giải, có hay không có tồn tại sở hữu chéo sẽ thông qua việc xác định người có liên quan của cổ đông. Hiện nay tình trạng sở hữu chéo xảy ra dựa trên việc các tổ chức, cá nhân cố gắng xử lý theo hướng không thuộc người có liên quan của cổ đông khác để từ đó không bị giới hạn về tỉ lệ sở hữu của cổ đông và người có liên quan.

Tuy nhiên trên thực tế, giữa các cổ đông này có liên quan, liên kết với nhau để từ đó chi phối, thâu tóm hoạt động của tổ chức tín dụng.

“Do đó, việc điều chỉnh quy định về người có liên quan hoặc cần có cơ chế để nâng cao tính minh bạch trong quản trị tổ chức tín dụng bao gồm phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành”, ĐB đề xuất.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (tỉnh Cao Bằng) cho rằng vấn đề điều chỉnh tỉ lệ sở hữu này chỉ giúp kiểm soát được về mặt hồ sơ.

“Việc khống chế tỉ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng nội khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15 đến 20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó”, bà phân tích.

Đề xuất mở rộng đối tượng liên quan tới 5 đời để phòng sở hữu chéo

Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị mở rộng đối tượng liên quan tới
Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị mở rộng đối tượng liên quan của cổ đông sở hữu tới 5 đời để phòng sở hữu chéo

Trên thực tế, theo ĐB Đoàn Thị Lê An, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy tỉ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó.

Bà thẳng thắn nêu quan điểm: “Việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết, tuy nhiên khống chế tỉ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp, nếu nhìn trên giấy tờ nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỉ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối”.

Do đó, bên cạnh việc siết tỉ lệ sở hữu với hiệu quả còn khá mơ hồ, cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan cổ đông, có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái.

Kết luận cuối phiên thảo luận của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế khẳng định, xử lý sở hữu chéo là vấn đề hết sức quan trọng, nếu một biện pháp thì cũng không đủ mà cần tất cả các biện pháp thống nhất, phải xuyên suốt và tiến hành đồng bộ.

“Ví dụ như quy định về mở rộng đối tượng người có liên quan, nếu chỉ quy định như thế này thì có xử lý được hết tình trạng sở hữu chéo, chi phối hay là thao túng tổ chức tín dụng hay không? Như trường hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) thời gian vừa qua, mặc dù sở hữu của cá nhân chỉ 5%, nhưng người ta lại nhờ người này, mượn danh người kia đứng tên. Vì vậy, việc này chỉ có quy định trong luật thì không đủ mà trong cả công tác tổ chức triển khai thực hiện, giám sát”, ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Ông cho biết, hiện nay có các đề án về công nghệ thông tin để có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động này thì việc mở rộng đối tượng có liên quan là cần thiết. Ông đề nghị cho phép mở rộng các đối tượng người có liên quan đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô dì, chú bác, đến cả các cháu, tức là 5 thế hệ để có thể kiểm soát được tình trạng này.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI