Từ vụ kiện tranh chấp di sản của cố NSƯT Vũ Linh: Nỗi lo của con nuôi

12/01/2025 - 06:59

PNO - Từ vụ tranh chấp di sản của NS Vũ Linh, dư luận bày tỏ sự quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của con nuôi, liệu họ có được pháp luật bảo vệ một cách công bằng?

Phiên tòa xét xử vụ kiện tranh chấp di sản của cố nghệ sĩ Vũ Linh giữa con nuôi và người thân của cố nghệ sĩ
Phiên tòa xét xử vụ kiện tranh chấp di sản của cố nghệ sĩ Vũ Linh giữa con nuôi và người thân của cố nghệ sĩ. Ảnh: T. Cúc

Phiên tòa sơ thẩm vụ tranh chấp tài sản giữa con gái nuôi Hồng Loan và em ruột của cố nghệ sĩ Vũ Linh vừa khép lại, nhưng câu chuyện dường như vẫn chưa đến hồi kết khi có thông tin kháng cáo. Giữa những tranh cãi pháp lý dang dở, dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng cho số phận của những người con nuôi, liệu họ có được pháp luật bảo vệ một cách công bằng, thấu đáo?

Câu chuyện của chị Trâm Anh (quận 8, TPHCM) đại diện cho những trăn trở ấy. Được cha mẹ nuôi nhận về từ lúc mới 4 ngày tuổi, chị chưa từng hoài nghi về nguồn gốc của mình. Nhưng rồi sự thật về thân phận con nuôi được hé lộ khi chị 17 tuổi, khiến chị trải qua cú sốc tinh thần lớn. May mắn thay, tình yêu thương của gia đình đã giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, vụ kiện của gia đình nghệ sĩ Vũ Linh vô tình khơi lại nỗi bất an trong lòng chị. Chị bỗng chốc trở thành tâm điểm chú ý với những câu hỏi tò mò về giấy tờ nhận con nuôi, di chúc, thậm chí là những lời trêu chọc về việc "số hưởng”.

Có người còn khuyên: "Mai mốt chăm ba mẹ bệnh nhớ chụp hình làm bằng chứng". Cha mẹ chị cũng không tránh khỏi những câu hỏi thăm dò từ bạn bè, người quen, thậm chí có người còn hỏi thẳng: “Lập di chúc cho Trâm Anh chưa?”.

Cô chú, cậu dì của chị Trâm Anh cũng vạ lây với những lời bông đùa kém duyên: “Biết đâu sau này được hưởng tài sản từ trên trời rớt xuống".

Không chỉ riêng chị Trâm Anh, gia đình chị H.V (28 tuổi, huyện Chợ Mới, An Giang) cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Chị V. cũng là con nuôi và gần đây được hàng xóm, người quen "quan tâm" một cách đặc biệt, do giữa chị V. và ba mẹ nuôi căng thẳng vì gia đình không cho phép chị kết hôn với người bạn trai.

Ba mẹ chị V. cho rằng bạn trai chị không nghề nghiệp, chỉ ăn bám, nên ngăn cấm. Ông bà giận cô con gái mà họ vất vả nuôi ăn học và thành tài (chị V. là thạc sĩ ngành kinh tế) lại mù quáng vì yêu.

Chị V. không đồng ý với nhận định của cha mẹ, nên phản ứng và dọn ra ngoài chung sống với người yêu. Mâu thuẫn giữa chị và cha mẹ bỗng dưng bị người ngoài bàn tán, mổ xẻ và dự đoán việc chị có được hưởng tài sản hay không. "Ngay bạn bè thân cũng khuyên tôi nên dọn về sống với ba mẹ để sau này không mất quyền thừa kế", chị V. buồn bã chia sẻ.

Chị tâm sự: "Con ruột cãi cha mẹ thì không sao, còn con nuôi như tôi thì mang tiếng là ăn cháo đá bát, bị đồn thổi bị tước quyền thừa kế".

Chị Hồng Loan - người con nuôi của cố NSƯT Vũ Linh được nhiều người ủng hộ. Ảnh Thành Lâm
Chị Hồng Loan - người con nuôi duy nhất của cố NSƯT Vũ Linh. Ảnh: Thành Lâm

Từ một vụ kiện đã tác động không nhỏ đến tâm lý những người con nuôi và gia đình nhận con nuôi. Vậy con nuôi cần làm gì để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, nhất là trong trường hợp cha mẹ nuôi qua đời?

Luật sư Nguyễn Thị Bích Loan - Đoàn Luật sư TPHCM - giải đáp: Theo quy định của Luật nuôi con nuôi, người nhận nuôi con nuôi phải thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký nhận con nuôi, phải bảo đảm các điều kiện giữa người nhận con nuôi và con nuôi, nếu đủ điều kiện sẽ được xem xét cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi của UBND xã và được ghi vào sổ hộ tịch theo quy định tại các Điều 14, 17, 22, 23, 24 Luật nuôi con nuôi năm 2010. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Do đó, việc đăng ký nhận con nuôi phải được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục theo quy định Luật nuôi con nuôi, là cơ sở pháp lý làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, trong đó có quyền thừa kế di sản.

Ngoài ra, Điều 50 Luật nuôi con nuôi về điều khoản chuyển tiếp quy định: Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày 1/1/2011 mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được đăng ký trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, là để bảo đảm cho quyền lợi của con nuôi (thực tế) chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài việc có giấy tờ nhận con nuôi hợp pháp, nhiều người thắc mắc rằng, con nuôi cần làm gì để chứng minh mình đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ làm con, góp phần chăm sóc cha mẹ nuôi khi ốm đau, tuổi già, để tránh bị những người thân của cha mẹ nuôi phủ nhận?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Bích Loan cho biết, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc chăm sóc cha mẹ nuôi là bổn phận làm con của con nuôi, cũng như con ruột đối với cha mẹ khi trưởng thành, là vấn đề đạo đức làm người. Trong một số trường hợp có phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng của con nuôi đối với cha mẹ nuôi theo quy định của pháp luật, hoặc theo thực tế cấp dưỡng và chăm sóc, có thể sử dụng làm chứng cứ để chứng minh cho việc chăm sóc cha mẹ nuôi khi ốm đau, tuổi già.

Mai Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI