Điều này khiến dư luận có quyền đặt vấn đề về các tổ chức xã hội có nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan.
|
Dư luận cho rằng, vai trò của các hội bảo vệ người tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam khá mờ nhạt, thậm chí còn phát sinh tiêu cực (ảnh mang tính minh họa) |
Dẫu biết rằng, trước tiên, phải xét đến vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, trong bối cảnh Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực thực thi từ ngày 1/7/2011 (mà theo đánh giá của số đông, người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ thực sự trong suốt hơn 5 năm qua).
Thứ đến, dư luận cho rằng, vai trò của các hội bảo vệ người tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam khá mờ nhạt, thậm chí còn phát sinh tiêu cực. Ngoài vụ “nước mắm chứa asen”, trong không ít vụ, các hội chỉ đứng ra làm “trung gian hòa giải” khi có khiếu nại của người dân, với động tác chính là làm cho doanh nghiệp “sợ” mà xử lý cho… vuông.
Các hội gọi là bảo vệ người tiêu dùng được hiểu như là những tổ chức xã hội dân sự. Trong ý nghĩa đó, nó hiện chưa đủ mạnh để có thể làm được hai nhiệm vụ: kiểm soát quá trình quản lý nhà nước đôi khi quan liêu, duy ý chí và dung hòa tính “rừng rú” của thị trường.
Thực tế đó được xác nhận khi vừa qua, có đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn lên tiếng đề nghị giải thể các hội này. Bàn về vấn đề có nên để các hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc những tổ chức xã hội tương tự tồn tại hay không, các chuyên gia cho rằng, giải pháp vẫn không có gì khác hơn là cơ chế độc lập thực sự, để tôn chỉ, mục đích và quyền lợi của các hội được gắn liền với đối tượng thụ hưởng nó.
Cao hơn, để các hội còn có thể làm được các sứ mệnh lớn lao hơn trong tương lai: cung cấp dịch vụ giáo dục, phát triển và hỗ trợ khách hàng; cung cấp các chương trình giáo dục, đào tạo sáng tạo cho doanh nghiệp nhằm phục vụ khách hàng; cung cấp các chương trình phản hồi và khảo sát khách hàng; cung cấp các sản phẩm hỗ trợ dịch vụ khách hàng nhằm trưng bày và quảng bá các mô hình tận tâm của doanh nghiệp đối với khách hàng…
Ông Trần Nhật Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam (VUSTA):
Hội chỉ có thể bảo vệ đối tượng nào trả tiền “nuôi” hội
Có thể thấy, trong vụ Khải Silk vừa qua, không khó để cơ quan ngôn luận của các hội vào cuộc mạnh nhằm đưa ra các kiến nghị, yêu cầu và giám sát cơ quan chức năng thực thi pháp luật, là cơ hội tốt để họ thể hiện vai trò sau vụ khủng hoảng nước mắm.
Trách nhiệm đầu tiên là quản lý nhà nước
Trước nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua, cần phải xem lại trách nhiệm ở khâu quản lý thị trường của cơ quan nhà nước, cụ thể là của lực lượng quản lý thị trường. Đặc biệt, như hành vi gian lận thương mại trong vụ Khải Silk thì phải xét trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường nơi đơn vị này kinh doanh, gồm trụ sở, điểm bán hàng… Các hội bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ chất lượng hàng hóa, sản phẩm chỉ có thể lên tiếng, phản ánh khi có kiến nghị, khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà thôi, họ không có thẩm quyền xộc vô cửa hàng kiểm tra chất lượng được.
Kế đến, trách nhiệm còn thuộc về các cơ quan hải quan, cơ quan thuế. Đã kinh doanh, nhập hàng hóa vào Việt Nam thì phải có đầu vào, đầu ra. Vậy thì, cơ quan quản lý kinh doanh, quản lý thuế nhà nước, hải quan… có kiểm tra, giám sát hay không, mà lại để xảy ra chuyện gian lận kéo dài như vụ Khải Silk?
Luật sư Nguyễn Minh Tường - Công ty luật Phan Nguyễn, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
Thế nhưng… qua nhiều vụ việc và thực tế, các hội bảo vệ người tiêu dùng đã không bảo đảm vai trò và chức năng được đặt ra. Có nhiều nguyên nhân, từ thể chế đến kinh tế, năng lực và các nguyên nhân khác, cần phải có nghiên cứu, đánh giá thì mới trả lời được.
Ở góc nhìn của tôi, hiện nay các hội chưa được như thế. Một tổ chức xã hội đúng nghĩa không những phải thực sự bảo vệ đối tượng thành viên mà còn đặt ra sứ mệnh tồn tại của mình và ra sức bảo vệ sứ mệnh đã đề ra ấy. Họ bảo vệ ngay cả đối tượng không phải là thành viên theo nghĩa đã đăng ký.
Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, có một nguyên nhân cơ bản là, các hội chưa thực sự đồng lợi ích với hội viên, ở đây là người tiêu dùng nói chung. Chỉ khi nào họ đồng lợi ích với người tiêu dùng thì lúc đấy, đương nhiên họ phải bảo vệ lợi ích của hội viên, vì đó cũng chính là lợi ích của mình.
Về giải pháp để nâng cao vai trò, chức năng của các hội, cũng cần phải có nghiên cứu mới có được giải pháp tổng thể. Thế nhưng, tôi chắc chắn có một giải pháp tiên quyết, đó là phải cắt ngân sách của các tổ chức xã hội này. Phải để họ “tự sống” và họ phải thực sự là một tổ chức của xã hội nhân dân, của chính những người có nhu cầu về sự tồn tại của họ.
Cơ bản là hội sẽ bị chi phối bởi những ai trả tiền cho họ, nên làm sao để cho chính đối tượng thụ hưởng trả tiền là tốt nhất. Khi nào các đối tượng này “nuôi” các hội, thì các hội mới chịu bảo vệ, chứ còn bây giờ, họ ăn lương của nơi khác thì làm sao bảo vệ người tiêu dùng được.
Nhóm doanh nhân của các doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM: Giữ để làm gì khi hiệp hội không chứng tỏ được vai trò?
Chúng tôi không biết “Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam” có vai trò ra sao, cũng không biết kêu ai khi chúng tôi rất khổ sở mất thời gian, tiền bạc, công sức để đối diện với tình trạng hàng gian, hàng nhái, hàng giả. Những kêu ca tới các cơ quan chức năng như ném đá ao bèo, con kiến đi kiện củ khoai khiến chúng tôi nản, đành chấp nhận phải sống chung với thực trạng này.
Trước khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu rất kỹ môi trường kinh doanh, đặc biệt là cơ cấu ngang dọc, các cơ quan hành chính, chức năng của địa phương. Nhưng, rất nhiều doanh nghiệp không biết về “Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam” cho đến khi thấy họ cáo lỗi về vụ nước mắm. Còn sau sự kiện này, doanh nghiệp biết đến nhưng lại không tin, vì hiệp hội đã mất uy tín. Thông thường, các hiệp hội do doanh nghiệp lập ra, nếu hoạt động không hiệu quả, sẽ dẹp luôn. Còn với hiệp hội này, chúng tôi không biết do ai lập ra và có vai trò, chức năng ra sao.
Trong khi đó, hiệp hội này nên là cầu nối của cơ quan chức năng - người tiêu dùng - doanh nghiệp - nhà bán lẻ, không đứng nghiêng về bất cứ đối tượng nào mà chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Song, không chỉ riêng doanh nghiệp mà phần lớn người tiêu dùng, nhà bán lẻ và ngay cả nhiều cơ quan chức năng cũng không biết vai trò của hiệp hội này. Đây không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà đó là vì trong nhiều tình huống bất cập cho người tiêu dùng, mọi người không thấy vai trò của hiệp hội này ở đâu.
Khi gặp các vấn đề hàng hóa gian lận, chúng tôi liên hệ trực tiếp với cơ quan quản lý thị trường và chủ yếu sự phối hợp này chỉ mang tính hợp thức hóa. Bởi, cơ quan này cũng chưa thật sự chủ động trong vai trò của mình. Để tự bảo vệ, doanh nghiệp chúng tôi phải thành lập một đội chuyên điều tra, phát hiện hàng gian, hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu sản phẩm của công ty đang được bày bán tràn lan.
Khi mọi thứ gần như được chuẩn bị đầy đủ, chúng tôi mới làm việc với cơ quan quản lý thị trường, phối hợp các cấp từ quận (huyện) lên thành phố. Đặc biệt, khi nào chúng tôi có đủ kinh phí, mới “phủ đều” các cấp, còn nếu không thì chỉ cấp quận (huyện) để các anh... lập công và chúng tôi nhẹ bớt gánh nặng.
Luật pháp và các cơ quan chức năng của Việt Nam hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, nhưng thực tế lại chưa thực hiện triệt để. Không khó để phát hiện hàng gian, hàng nhái, hàng giả, vấn đề là các cơ quan chức năng có thật sự muốn làm hay không.
Thông thường, hàng hóa sẽ tuồn về các điểm đầu mối, nếu các cơ quan chức năng quản lý kiểm tra, sẽ dễ dàng phát hiện hàng gian lận, bởi số lượng các điểm đầu mối đó rất ít, đối với hàng tiêu dùng thì tại TP.HCM chỉ có khoảng 10 chợ. Không chỉ thiếu sự chủ động, luật pháp Việt Nam còn thiếu tính răn đe. Mức phạt dành cho những trường hợp vi phạm hàng gian, hàng nhái, hàng giả đều quá thấp so với lợi nhuận mà họ thu về.
Doanh nghiệp nào cũng muốn kinh doanh trong môi trường công bằng và rất ủng hộ các hiệp hội chủ động khảo sát, lắng nghe động thái của thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng; hỗ trợ và triển khai những chương trình, chính sách có ích cho hội viên. Những hiệp hội như mía đường, hàng Việt Nam chất lượng cao phần nào đã làm được điều đó.
Quốc Ngọc