Từ vụ học sinh vây nhốt cô giáo ở Tuyên Quang: Lũ trẻ hôm qua là một gờ giảm tốc

09/12/2023 - 06:29

PNO - Tôi biết nhiều cha mẹ, thầy cô hôm qua sốc lắm khi chứng kiến những đứa trẻ nổi loạn tấn công cô giáo ở Tuyên Quang.


Nhưng hôm nay, sau những đau lòng, chúng ta học được gì mới quan trọng. Có trưởng thành nào mà không phải trải qua đôi phen đau đớn kia chứ.

Tôi gọi câu chuyện hôm qua như một gờ giảm tốc. Những chiếc gờ giảm tốc buộc ta giảm tốc độ, bởi phía sau đó có thể là ngã rẽ với nhiều phương tiện giao thông đan xen hay đoạn đường nguy hiểm. Cả khi trên quốc lộ, những gờ giảm tốc cũng giúp chúng ta… tỉnh ngủ. Nên câu chuyện hôm qua thức tỉnh chúng ta rất nhiều. Về lũ trẻ của hôm nay.

Lũ trẻ của hôm nay rất “láo”. Nhiều thầy cô và cha mẹ đồng tình nói vậy sau khi xem đoạn clip kia. Cái sai không thể chấp nhận được ở đây là trò đánh thầy. Nhưng ở chiều ngược lại, với một nền giáo dục văn minh cũng không chấp nhận việc thầy cô được quyền dùng bạo lực với học trò. Vì vậy, nếu chúng ta không hiểu rõ bản chất của vấn đề thì thứ ta làm e chỉ là giải quyết phần ngọn. 

Đúng! Giáo viên tệ đến đâu, lũ trẻ kia làm vậy cũng là sai. Dù trẻ có những quyền nhất định, như quyền được phản kháng, nhưng dứt khoát trẻ phải chọn bày tỏ sự phản kháng một cách văn minh, đúng mực. Phản ứng đúng mực cũng là kỹ năng cha mẹ cần có và cần trao lại cho con em. Đừng đổ dầu vào lửa bằng việc bênh con bất chấp lý lẽ. 

Có nhiều vụ việc, cha mẹ chỉ nghe thông tin một chiều là đã có hành vi khiếm nhã với thầy cô để rồi gây hệ lụy không phải cho mình mà cho cả những đứa trẻ. Chỉ vì thiếu bình tĩnh, không ít cha mẹ đã gây cản trở trong việc kết hợp với nhà trường giáo dục học sinh.

Với lứa tuổi đang định hình và phát triển tâm lý, có những lúc các em chưa nhận thức được hành động, lời nói của mình. Vì vậy, rất cần cha mẹ, thầy cô trò chuyện, tư vấn để kịp thời uốn nắn. Và nhiệm vụ của người lớn chúng ta là hướng dẫn bọn trẻ cách ứng xử thế nào cho đúng.

Khi bất đồng, xung đột xảy ra, nếu không thể xử lý êm thấm, hãy hướng dẫn trẻ tìm đến ban giám hiệu, hội cha mẹ học sinh, nhân viên tư vấn học đường... Hãy để các em biết rằng, luôn có người sẵn sàng lắng nghe và cùng các em giải quyết, thay vì các em hành động một cách tự phát, sai trái như những gì đã xảy ra.

Ai trong chúng ta muốn con mình bị bạo lực, bạo hành nhưng nuốt vào trong, cam chịu rồi đến một ngày nó chọn cái chết như sự giải thoát, hoặc như những đứa trẻ “láo” hôm qua, nổi loạn? Nhưng hãy dùng chính câu chuyện hôm qua để giúp con biết cách xử trí phù hợp khi gặp tình huống tương tự.

Câu chuyện cô giáo và học sinh cùng náo loạn lớp học ở Tuyên Quang hôm qua giúp chúng ta chậm lại, nghĩ về cách làm cha, làm mẹ, làm thầy, làm cô. Không ai muốn con cái, học trò mình hư. Nhưng việc con hư hay ngoan có trách nhiệm không nhỏ của cha mẹ, gia đình và cả nhà trường. 

Cô giáo H. cho biết bị học sinh quả ném tạ cát và dép trúng đầu khiến cô ngât đi - ảnh cắt từ clip
Cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh ném quả tạ cát và dép trúng đầu khiến cô ngất đi - Ảnh cắt từ clip

Các nhà xã hội học đã nhiều lần cảnh báo, sự thiếu quan tâm của cha mẹ với con cái có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực trong mối liên hệ tình cảm gia đình cũng như nguy cơ tăng thêm các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống.

Hãy cùng nhau xây dựng lại sau những đổ nát của hôm qua. Và cũng đừng quá bi quan bởi hình ảnh làm chúng ta đau lòng không đại diện cho 22 triệu học sinh trên khắp miền đất nước. Đó là hình ảnh hiếm hoi nhưng mang tính cảnh báo, để chúng ta nhìn lại, hành xử cho đúng lương tâm và trách nhiệm. 

Hoàng Anh Tú

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI