Về việc thầy Lê Trung Đ., Phó hiệu trưởng trường chuyên Phạm Ngọc Hiển (Cà Mau), bắt học sinh ăn thức ăn lấy từ thùng rác, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã thành lập tổ xác minh, làm việc với học sinh, giáo viên chủ nhiệm và đoàn thanh niên nhà trường.
Tổ xác minh xác nhận thầy Đ. có sai phạm, nên thời gian tới, hội đồng kỷ luật của Sở sẽ họp để thống nhất đề xuất hình thức kỷ luật đối với thầy Đ..
|
Bức ảnh từ mạng xã hội, được cho là chụp lại lúc xảy ra vụ việc |
Vụ việc xảy ra khi thầy hiệu phó cùng giám thị nhà trường đi kiểm tra các lớp, phát hiện có 6 học sinh lớp 12 (4 nữ và 2 nam) mang thức ăn vào lớp để ăn sáng. Theo quy định của nhà trường, học sinh không được ăn trong lớp nên thầy Đ. đề nghị các học sinh ra ghế đá sân trường ngồi ăn. Hai nam sinh sau đó đã bỏ thức ăn vào thùng rác. Khi thầy quay lại, thấy hai em không có thức ăn trong tay, đã yêu cầu “để ở đâu thì lấy lại ăn”.
Theo dõi vụ việc, tôi rất đau xót và buồn khi môi trường sư phạm lần nữa bị vấy bẩn, càng buồn hơn khi các học sinh răm rắp thực hiện theo thầy mà không phản ứng lại. Các em hoàn toàn có thể trình bày với thầy về vụ việc, có quyền phản đối khi bị ép buộc làm điều không đúng.
Các học sinh trong vụ việc đã học lớp 12, nghĩa là bước sang tuổi 18, biết rõ việc nên làm và không nên làm, có quyền phản biện khi bị thầy cô (và cả người lớn) ép buộc làm điều sai trái. Tiếc thay, các em đã không phản biện.
Theo nội quy của nhà trường, học sinh không được mang thức ăn vào lớp, các em vi phạm tức là sai. Thầy yêu cầu các em ra sân trường ngồi ăn, việc này không sai. Có lẽ hai nam sinh cảm thấy ngồi ăn giữa sân trường, trước sự giám sát của thầy là không thoải mái nên đã vứt bỏ thức ăn. Hành động này của các em đáng được thông cảm, lẽ ra thầy chỉ nên nhắc nhở và nếu chỉ như thế, sự việc đã không bị đẩy đi quá xa.
Con gái tôi đang học lớp 8, nhiều hôm con dậy trễ nên cập rập ôm bụng đói đi học. Nhiều bữa, con cũng mang thức ăn vào lớp rồi ăn vội ăn vàng. Giáo viên vào lớp, con liền giấu hộp thức ăn vào ngăn bàn. Tôi hỏi con cảm giác ra sao khi ngồi học mà mùi thức ăn nồng nặc, rồi kiến bu, ruồi đậu… chưa kể bụng đang đói nên chẳng thể tập trung vào việc học. Con biết sai nên cố gắng dậy sớm hơn.
Chuyện mang thức ăn vào lớp ở lớp con tôi không hiếm, vì muôn vàn lý do, nhưng chung quy cũng vì các em dậy muộn. Tôi tin khắc phục lỗi này không khó. Và giáo viên khi phát hiện vụ việc cũng nên xử lý sao cho nhân văn.
Trong môi trường sư phạm, mọi việc không phải lúc nào cũng đúng, thầy cô không phải lúc nào cũng đủ bình tĩnh để xử phạt những lỗi lầm của con trẻ một cách bao dung. Trước đây, từng có vụ việc giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng. Bắt học sinh cả lớp tát vào mặt bạn phạm lỗi, tát nhẹ còn phải tát lại cho đau…
Hình phạt đó đã xâm phạm thân thể, nhân phẩm, quyền và nghĩa vụ của học sinh. Các em có quyền phản đối, không thực hiện. Tiếc thay, thói quen phản biện không được cha mẹ và thầy cô quan tâm rèn giũa, cộng thêm bản tính nhút nhát, không kiên định khiến các em không dám phản kháng.
Tôi vẫn thường dạy con gái ở bất cứ môi trường nào cũng vậy, bảo vệ bản thân, bảo vệ danh dự, tôn nghiêm của một con người là quan trọng nhất. Không nên mù quáng răm rắp nghe lời người lớn nếu con biết việc đó là sai trái. Con có thể phản biện lại bằng cách trình bày lý do, hoặc nhờ người khác giúp đỡ. Phản biện bằng thái độ lễ phép, cầu thị, đúng lẽ phải, tôi tin con sẽ được thấu hiểu.
Quay trở lại vụ việc các học sinh ở Cà Mau, các em có thể trình bày với thầy hiệu phó thức ăn đã bẩn và nhất quyết không ăn. Tôi không tin với tư cách thầy giáo, tư cách làm người, với cái tâm của người thầy yêu trò, yêu nghề, thầy có thể vô cảm tới mức vẫn bắt các em ăn. Nếu sự việc bị đẩy đi quá xa, các em có thể nhờ giáo viên chủ nhiệm, thầy hiệu trưởng giúp đỡ.
Sự việc đã được giải quyết, lỗi lầm của thầy sẽ được xem xét thỏa đáng, nhưng câu chuyện sẽ trở thành dấu ấn buồn trong hành trình sau này khi các em lớn khôn. Mang vết sẹo ấy trong lòng, hẳn những hồi ức về tuổi học trò tươi đẹp đã thành nặng nề. Liệu có đáng không?
Đâu đó thỉnh thoảng lại xảy ra những việc đáng buồn, khiến phụ huynh và cả xã hội đau lòng. Ai sẽ bảo vệ con em chúng ta trong môi trường sư phạm? Trước hết, các em phải biết bảo vệ chính mình bằng cách rèn khả năng phản biện, nhận biết việc nên và không nên để tranh đấu, bảo vệ bản thân đến cùng trong những trường hợp cần thiết.
Đức Phương (Đồng Tháp)