Từ vụ chồng võ sư tung đòn đánh vợ: Im lặng là chết

27/08/2019 - 19:17

PNO - Người chồng nói nhẹ như không: “Tôi có tát cô ấy vài cái, chuyện vợ chồng cãi nhau là bình thường chứ có gì đâu”. Nếu xã hội không quyết liệt, nếu luật không đủ nghiêm, sẽ có nhiều người vợ chết dưới tay chồng.

Những vụ đánh đập phụ nữ dã man xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đang làm cộng đồng phẫn nộ. Nạn nhân là vợ, hung thủ là chồng. Nhưng xem những hình ảnh, những đoạn clip đang được chia sẻ trên mạng, thấy họ không còn là chồng vợ nữa.

Cứ nhìn những nắm đấm vung thẳng vào đầu vào mặt, những cái tát chí mạng, những đòn đánh “có nghề”, những vết thương gãy tay, vỡ nền sọ, chấn thương bầm dập rách nát trên cơ thể nạn nhân, thấy kẻ đánh hình như đã mất hẳn nhân tính, sự dã man tàn bạo bị đẩy quá giới hạn, thành thú tính.

Họ hình như không hề quan tâm đến việc có thể giết chết nạn nhân, chỉ là dồn tất cả căm giận vào đòn đánh, cho hả cơn, thẳng tay, chết thì thôi, kệ mày!

Tu vu chong vo su tung don danh vo: Im lang la chet
Người chồng là võ sư đấm đá vợ liên tục khi chị đang bế con nhỏ. Hình minh họa

Một người vợ mới sinh con 2 tháng, một người vợ khác đang có thai 26 tuần, họ đều phải nhập viện vì bị chồng đánh. Trong khi đó, người chồng bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, nói nhẹ như không: “Tôi có tát cô ấy vài cái, chuyện vợ chồng cãi nhau là bình thường chứ có gì đâu”! Nghe thì biết, chuyện đánh đập trong nhà đã là chuyện bình thường, xảy ra nhiều lần, vết thương cũ chưa lành, trận đòn mới đã dập đến. Đã có những trường hợp vợ bị chồng đánh đến chết.

Câu hỏi vì sao bạo hành, cũng đã trả lời nhiều lần rồi. Câu hỏi cách nào để tránh bớt bạo hành, cũng đã trả lời nhiều lần rồi. Có cả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã ra đời, có hiệu lực đến nay đã tròn 11 năm 1 tháng. Đầu tháng 8 năm nay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới hướng dẫn triển khai tháng hành động năm 2019, với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Câu hỏi bây giờ phải là bao nhiêu kẻ đánh vợ đã bị nghiêm trị? Bao nhiêu kẻ thủ ác trong các vụ bạo hành gia đình bị đưa ra trước pháp luật, thu hút sự chú ý của xã hội như những vụ chồng đánh vợ trên đây? Cứ thử tìm trên các phương tiện truyền thông đại chúng đi, sẽ thấy rằng không có mấy. Có lẽ, đó cũng là trả lời cho câu hỏi tại sao những vụ việc bạo hành xảy ra càng ngày càng nhiều, càng ngày càng dày đặc, mức độ càng dã man hơn, đến vậy.

Có lẽ, xã hội vẫn làm chưa đủ, chưa quyết liệt, chưa triệt để. Nhưng còn khía cạnh thứ hai: sự im lặng của những nạn nhân, họ đã chịu đựng từ nhẹ đến nặng, mà không ý thức được rằng im lặng nghĩa là chết, sớm muộn thôi, bởi không ai biết điều xảy ra sau cánh cửa để cứu giúp mình.

Tu vu chong vo su tung don danh vo: Im lang la chet
Chị L. không hề tố giác chồng, đoạn clip chị bị chồng đánh cũng do người chị gái của L. đưa lên mạng xã hội.

Những đoạn clip đưa lên mạng, những lần can ngăn kẻ đánh người dã man, phần lớn đều được thực hiện bởi người khác. Các nạn nhân thường im lặng. Nhìn vào thực tế đó, khó mà hy vọng sự can thiệp của xã hội, của luật pháp sẽ hiệu lực, bởi những người phụ nữ nạn nhân chưa thoát ra khỏi sự im lặng của mình.

Khi bạo hành đã xảy ra trong gia đình, nó sẽ trở thành một vòng xoắn trôn ốc với mức độ ngày càng nặng hơn. Vòng xoắn ấy, với phụ nữ, là im lặng chịu đựng và im lặng chết. Cái chết thể xác có thể đến chậm, nhưng cái chết về tinh thần, cái chết nhân phẩm của con người, đã thực sự xảy ra khi một người cúi mặt để cho người khác đánh mình như đánh một bao cát, đánh một con vật.

Cũng chẳng phải họ đã không hề lên tiếng, nhưng sự lên tiếng của họ không đúng lúc. Đối trọng với bạo lực, không phải là mấy lời chửi lại, cãi vã xoe xóe trong cơn giận, chỉ càng chọc kẻ thượng cẳng tay hạ cẳng chân trở nên điên giận hơn. Đối trọng với bạo lực phi lý phải là sự nghiêm trị của hệ thống pháp luật. Những người đàn bà cần nhận ra dấu hiệu của bạo lực, và lên tiếng kêu gọi luật pháp giúp mình. Khi đòn đánh giáng xuống đầu thì đã muộn. Kênh cảnh báo sớm, biện pháp ngăn chặn sớm nếu được thực thi quyết liệt hơn, có lẽ sẽ ngăn chặn được những trận đòn dã man ấy.

Tu vu chong vo su tung don danh vo: Im lang la chet
Hình ảnh người vợ cúi đầu trước chồng đại diện cho rất nhiều bà vợ ngày đêm chịu bạo hành từ chồng

Còn nhớ, những ngôi nhà tạm lánh dành cho phụ nữ đã thành một cánh cửa, một lối thoát khi bạo lực xảy ra. Mở những kênh cảnh báo, thiết lập những đường dây báo động cho phụ nữ để tránh bạo lực đang là những lối thoát cần thiết. Song song, xin hãy quyết liệt thẳng tay áp dụng luật với những kẻ bạo hành, cần phổ biến rộng rãi những biện pháp mà pháp luật đã áp dụng, đó cũng là một loại cảnh cáo cho những kẻ lăm le ra tay đánh vợ.

Sự im lặng không dám kêu cứu là đáng trách đáng thương, nhưng sự im lặng khi tiếng kêu cứu vang lên mới là đáng sợ hơn nhiều.

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI