Từ vụ chồng đánh vợ đến nguy cơ mù mắt: Ly hôn ngay hay chịu đòn chờ con lớn?

12/03/2023 - 13:22

PNO - Chấp nhận bạo hành và chờ người chồng thay đổi, tới khi con lớn thì ly hôn? Hay nên ly hôn ngay để bảo vệ thân thể và tính mạng của mình?

Vài ngày nay, cộng đồng mạng dậy sóng dữ dội trước những câu chuyện về bạo hành trong gia đình.

Một cô con gái ở tuổi trưởng thành đã tố người cha nổi tiếng, rằng ông là kẻ bạo lực, tấn công vợ và con gái suốt nhiều năm. Khác với những gì truyền thông biết đến như một hình ảnh soái ca, ông ta là kẻ đã nắm tóc, quật vợ mình ra sàn, chọi con dao bếp thẳng về phía vợ, sượt qua đầu và cắm một vết nứt trên tủ bếp, nằm chơi game online khi vợ đi đẻ…

Đến khi cô con gái hai mấy tuổi, vợ chồng mới ly hôn. Trước đó thì ông bố đã có người tình bên ngoài. Trưởng thành, nhưng cô con gái phải đằng đẵng đi trị liệu tâm lý, bóc gỡ từng nỗi đau trong quá khứ như những lần bị bố bạo hành, úp thẳng bát sứ vào mặt chỉ vì vu vơ hát bài thánh ca giữa bữa cơm.

Một đoạn trong câu chuyện con gái bóc trần bộ mặt của người bố nổi tiếng.
Một đoạn viết trong câu chuyện con gái "bóc trần" bộ mặt của người cha nổi tiếng

Trong câu chuyện ồn ào khác ở Bình Dương, người vợ trẻ đã ném đứa con từ gác xép xuống đất. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người vợ bị chồng đánh đập tàn nhẫn, cô phẫn uất đến phát điên và hành động bạo lực với con.

Tạm chưa bàn đến tội lỗi của mẹ, hàng xóm cho biết, người vợ nghèo khổ này đã chịu bạo hành trong nhiều năm. Vợ chồng có với nhau 3 mặt con, luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Anh chồng vừa nghèo vừa mê rượu chè, lười biếng, anh ta đánh từ vợ cho đến mẹ vợ. Có những lần anh ta túm tóc vợ ụp lên ụp xuống chậu nước, ngồi lên bụng vợ đánh thùm thụp. Vợ sắp sinh hay vừa sinh con xong, anh ta cũng không tha. 

Sau hàng chục ngàn lượt share câu chuyện này, dân mạng nhất loạt thể hiện sự phẫn nộ và đặt câu hỏi: “Chồng như thế thì tiếc làm gì!”.

Tài khoản T.P bình luận: “Phụ nữ lúc nào cũng bao che cho ác quỷ mà chúng nó có coi mình ra gì đâu. Buông tay đi!”. Những bình luận khác đều chung nội dung: “Bỏ đi em ơi! Chồng vậy ở chi cho khổ, ly hôn giải thoát cho bản thân mình đi. Mất hết nhân tính rồi”.

Nhưng cũng có những người cho rằng phải ở trong hoàn cảnh ấy mới biết được thế khó của người mẹ: “Chồng đánh vợ nghe thì đơn giản nhưng ai gặp hoàn cảnh mới biết đau đớn như thế nào. Bỏ thì con nhỏ, thương con. Không bỏ thì ngày đêm nó hành hạ thể xác đau đớn vô cùng”.

Trong đôi mắt đỏ màu máu cùng nguy cơ mù loà do bị chồng đánh, người phụ nữ này vẫn nói: “Chồng em chỉ “không biết gì” khi có rượu, mà ảnh nghiện rồi, ngày nào cũng uống, một mình cũng uống, khi không say thì rất hiền. Mấy đứa con em cũng quấn cha, nên em không nỡ. Lúc mẹ mang bầu em 7 tháng thì cha em mất, em không biết tình cha là thế nào cho đến khi em sinh con, thấy anh Sang thương con…” 

Người vợ trẻ với đôi mắt đỏ ngầu màu máu, nguy cơ mù lòa vì bị chồng đánh.
Người vợ trẻ ở Bình Dương với đôi mắt có nguy cơ mù lòa do bị chồng đánh

2 câu chuyện bạo hành gia đình, tuy khác nhau về hoàn cảnh, một ở giới trí thức, một ở giữa xóm lao động nghèo, nhưng có nhiều điểm giống nhau. Nạn nhân đều là những người phụ nữ chịu đựng, cố gắng vì một mái nhà đủ cha cho con, họ chọn không ly hôn, hoặc đợi con lớn rồi mới ly hôn.

Người vợ trong câu chuyện đầu câm nín chịu đựng tất cả để nuôi con cho ngày con lớn. Và cô con gái, sau khi “bóc phốt” cha, cũng thấu hiểu cho lựa chọn của mẹ. Cô để lại bình luận dưới bài đăng: “Mình tập nghĩ bao dung hơn, là mẹ mình làm điều tốt nhất mà mẹ nghĩ là an toàn nhất trong thời điểm đó và một phần rất lớn chính là vì nghĩ cho con cái”.

Lý do “vì nghĩ cho con cái” luôn cũ, nhưng vẫn luôn đủ thuyết phục khi giải thích cho những trường hợp chấp nhận sống trong địa ngục mà không ly hôn hay tìm sự trợ giúp về mặt pháp luật.

Có người nói phụ nữ đừng cam chịu, cần ly hôn ngay khi nhìn thấy dấu hiệu bị bạo hành. Có người lại cho rằng đã làm mẹ rồi thì nên hy sinh vì con, thậm chí họ còn lên án những người phụ nữ ly hôn tìm tự do cho riêng mình vì câu chuyện chồng đánh là... bình thường.

Tôi nhớ đến câu chuyện của một phụ nữ. Chị kết hôn với mối tình đầu. Khi ở đỉnh của sự thành đạt thì anh chồng “biến chất”, anh ngoại tình và về nhà đánh vợ để ép chị ly hôn. Chị vợ im lặng chịu đựng, bám chấp vào cái danh của gia đình, và nghe cha mẹ khuyên nên ở lại.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Cho đến ngày, người chồng cầm dao đe đoạ, bắt chị phải ký vào tờ đơn ly hôn. Lúc đó, chị mới thực sự tỉnh ngộ và buông tay. Chị làm lại mọi thứ từ bàn tay trắng, xây nên sự nghiệp kinh doanh thời trang lẫy lừng và nói rằng “ngày ly hôn là khi chị được khai sinh một lần nữa”.

T. H (37 tuổi, kế toán viên tại quận 2, TPHCM) kể lại trải nghiệm: “Phụ nữ cần phải tỉnh táo để nhận biết anh nào có xu hướng bạo lực mà né. Ngày xưa, tôi có mái tóc dài, anh người yêu rất thích. Anh cấm tôi không được cắt tóc ngắn, nhưng tôi lại muốn một lần thử cắt xem sao. Tôi cắt tóc xong, đến gặp anh thì bị anh bạt tai vì “không nghe lời”. Tôi sốc và quyết định chia tay, mặc gia đình can ngăn”.

Người cứng rắn như chị H. sẽ đặt ra một giới hạn không cho ai xâm phạm cơ thể của mình, nhưng có những phụ nữ lại đặt giới hạn xa hơn như cho phép 2 - 3 lần bạt tai; hay có người tha thứ đến 4 - 5 lần bạo hành thì mới ly hôn. Thậm chí có người dù suốt cả 10 năm, 20 năm sống trong bạo hành rồi đến lúc thành quen và luôn viện lẽ: “tính ảnh vậy!”.

Có ai đó đã nói, thất bại trong hôn nhân không phải là chuyện ly hôn, mà là cảm giác phải thức dậy với người mình căm ghét - bố của con mình. Khi không có con, mọi chuyện đều dễ nói, “xé nháp” làm lại, cùng lắm chỉ hai người chịu tổn thương về tinh thần. Nhưng có con rồi lại là thêm những gánh hệ luỵ, những cuộc đời cha mẹ phải chịu trách nhiệm, tính toán sao cho toàn vẹn nhất…

Trước vấn đề ly hôn ngay hay chấp nhận im lặng, một tài khoản Facebook bình luận: "Vì giữ thể diện cho gia đình mà những câu chuyện bạo lực gia đình luôn bị ém đi. Gia đình dù bạo lực vẫn được nhận thưởng "gia đình văn hóa". Hy vọng rằng trong một xã hội mới, sẽ có nhiều người dũng cảm chia sẻ câu chuyện bạo lực gia đình, để chúng ta cùng định nghĩa lại mái ấm gia đình là một nơi an toàn cho mọi thành viên".

Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về việc này? Chấp nhận bạo hành và chờ người chồng thay đổi, tới khi con lớn thì ly hôn, hay phải ly hôn ngay để bảo vệ thân thể và tính mạng của mình? Nếu ly hôn thì tính toán ra sao để không bị trả thù, con cái đỡ tổn thương, mời bạn chia sẻ những trải nghiệm, những câu chuyện thực tế cùng chúng tôi.

P.V

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Jennynguyen 16-03-2023 11:28:27

    Phụ nữ cần tỉnh táo khi yêu và quyết định kết hôn.Vì hôn nhân không phải là chuyện giữa 2 người, mà còn con cái sau đó. Tốt nhất giữ đừng có thai ngoài ý muốn. Cười vì có thai là đánh một canh bạc mà phần thua thường thuộc về phụ nữ. Cưới rồi cũng đừng có thai ngay. Sống chung 3 năm là biết 2 người có thực sự hợp nhau không. Nếu phù hợp thì tiếp tục. Còn không thì chia tay, không gây hậu quả cho nhưng đứa con lỡ sinh

  • luu 12-03-2023 21:36:31

    Nếu k còn yêu thì chia tay sớm bớt đau khổ

  • luu 12-03-2023 21:35:17

    Xem lại lý do đánh vợ..., có thường xuyên không; xem người trong cuộc còn tình cảm không, Nếu không ổn thì ly hôn. Nếu sống tiếp thì cấm 0 được đánh (bạo lực) dưới mọi hình thức, phải cương chiều chuộc lỗi. Ly hôn thì con bạn vẫn sống tốt hơn khi chứng kiến bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng đứa trẻ tâm lý không tốt sau này....

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI