Vụ hỏa hoạn ở Đà Lạt làm 3 đứa trẻ tử vong khiến những người mẹ nuôi con nhỏ như tôi giật mình. Ai cũng có thể hiểu được lý do người mẹ ở Đà Lạt lại bất cẩn như thế. Trong những tai nạn đau lòng của trẻ em, lỗi của người mẹ luôn nhiều nhất, cũng vì mẹ luôn là người phải trông con nhiều nhất.
Những người mẹ con mọn thường phải vừa tranh thủ làm thêm việc này, việc kia, phân tán sự tập trung.
Với người mẹ trong câu chuyện trên, tôi cho rằng chị đã nghĩ rằng sẽ khóa cửa, chạy đi thật nhanh để mua đồ cho con, cũng vì là muốn đảm bảo an toàn cho con. Nhưng hẳn là chị đã quá vội vàng mà không dừng vài phút để phân tích tình thế trong nhà, để tắt cái bếp gas đang đỏ lửa. Hậu quả chẳng thể cứu vãn. Nỗi đau, sự dằn vặt sẽ đi theo cả đời người.
Nhưng từ sự đồng cảm, những người mẹ đang chăm con nhỏ khác sẽ học được bài học gì? Liệu có cách nào để cẩn thận hơn trong các tình thế bắt buộc phải rời con đi trong chốc lát?
|
Bà ngoại của 3 bé sốc nặng, đi không nổi (Ảnh: Người lao động) |
Tôi là mẹ của 4 đứa trẻ, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi và tôi nghỉ việc ở nhà đến nay đã 9 năm. Không ít lần tôi phải tự dằn vặt vì lỗi của mình với con.
Có lần, tôi đang bật nước ấm cho con tắm thì phải chạy ra trông món nấu trên bếp. Nghe tiếng la hét của con, tôi chạy vội vào thì thấy con đã chuyển vòi nước sang mức nóng nhất và bị bỏng. Có lần, tôi phải để đứa bé nhất ở nhà ngủ, khóa trái cửa chạy vội để đưa đứa lớn đi học, khi về thì con đang đập cửa, khóc lóc hốt hoảng…
Mỗi lần xảy ra chuyện, tôi thường cố biện minh là làm mẹ nên mệt mỏi, nhiều việc quá và "não cá vàng". Nhưng thẳm sâu trong lòng, tôi luôn cảm thấy lo lắng, vì những lúc bất cẩn, nhỡ có chuyện gì tệ hơn xảy ra, tôi sống sao cho nổi? Tôi chỉ biết mong cho con nhanh lớn để thoát khỏi cảnh đèo bồng, để đi đâu cũng tự do thay vì làm gì cũng có một đứa đứng níu áo.
Cho đến một lần, tôi đọc được một phân tích chỉ ra rằng: Chúng ta quên không phải vì trí nhớ của ta không tốt mà là do khi làm một việc, ta không đặt tâm trí vào đó. Ví dụ, chúng ta thường quên chìa khóa xe để đâu vì lúc cất chìa khóa xe, chúng ta làm mọi việc theo bản năng, vứt tạm chỗ nào đó và rồi quên mất. Hoặc có những khi chở con đến trường, trên đường vừa đi vừa nghĩ ngợi lung tung thì bỗng quên luôn đường, lại chở nhầm con đến chỗ làm của mẹ…
|
Mẹ của 3 cháu nhỏ xấu số sốc nặng, phải điều trị ở trạm y tế (Ảnh: Công an nhân dân) |
Khi vỡ ra điều này, tôi đã nghĩ lại. Đúng là không phải mỗi các mẹ tự trách mình hay quên mà các anh chồng hay những người xung quanh cũng thường tự vỗ đầu rồi than vãn: “Tôi già rồi nên hay quên quá!” hoặc là: “Dạo này trí nhớ tôi có vấn đề!”.
Dù là ai đi nữa thì cũng sẽ có lúc đoảng, lúc quên và không cần thiết phải được gắn nhãn bằng việc "sau sinh", "đang nuôi con nhỏ" hay "già rồi"... Trí nhớ hay sự cẩn thận là hoàn toàn có thể luyện tập được bằng một sự chậm rãi, tỉnh táo hơn. Nói cách khác, khi làm điều gì cũng cần chú tâm vào đó thay vì ôm đồm.
Lần buộc phải khóa cửa, để đứa bé đang ngủ ở trong nhà để đưa đứa lớn đi học, tôi phải nhìn tất cả các thiết bị trong nhà, những thứ có thể gây nguy hiểm nếu con thức dậy và quờ quạng. Như là bếp phải tắt, ổ điện phải được bịt kín, dây rèm phải được vắt lên thật cao, cửa cũng không được đóng kín mít mà chỉ khóa cửa sắt ở ngoài… Nếu đi lâu hơn 15 phút, bắt buộc tôi phải nhờ gửi chìa khóa cho nhà hàng xóm.
Thực tế, có rất nhiều người mẹ dù vừa phải làm việc ở nhà vừa trông con nhỏ nhưng lại có cách quy hoạch mọi việc rất tốt. Như cô bạn tôi từng tâm sự: “Con tôi mới 15 tháng thôi, bám mẹ lắm, tôi cũng không đi gửi hàng cho khách được. Nên để gửi hàng, tôi thường đóng hàng vào buổi tối. Rồi đến sáng sớm, chồng đi làm thì tôi nhờ anh đưa xuống điểm giao dịch để gửi đi. Thời gian còn lại thì tập trung nấu nướng, cho con ăn và chơi với con. Giờ nào việc nấy thôi”.
Dẫu biết là mỗi người mẹ đều có nhiều nỗi lo vây quanh, không ít lần phải tự nhủ với mình là “một chút mà, không sao đâu”, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra là điều chẳng ai chắc chắn được. Vậy nên nếu trong trường hợp không có người trông con hộ, bắt buộc các bà mẹ phải chú tâm hơn trong từng việc mình làm. Sự an toàn của con luôn cần được đặt lên hàng đầu.
Dậy sớm hơn 1-2 tiếng để có thời gian chuẩn bị cho ngày mới, ghi danh sách những thứ cần mua cho lần đi ra ngoài tới, có phương án để phòng trừ, làm việc gì cũng phải cố gắng ghi nhớ, nếu thấy suy nghĩ của mình đang chạy vẩn vơ thì lập tức phải kéo lại trạng thái tập trung… Có những khi cũng rất cần thiết phải mở lời nhờ sự trợ giúp từ gia đình, hàng xóm.
Làm một người mẹ, chúng ta phải xác định rằng sự cảm thông, sự giúp đỡ từ người khác vốn là điều mình không thể kiểm soát, nhưng nỗ lực của mỗi người mẹ để đảm bảo an toàn cho con lại thuộc về trách nhiệm và khả năng của mình. Vậy nên hãy cùng cố gắng kiểm soát rủi ro để tương lai không phải nuối tiếc hay nói giá như.
Linh Nguyễn