Từ vụ cháu bé tử vong trên xe bus trường Gateway: Góc bảng nay có còn ghi sĩ số?

07/08/2019 - 09:09

PNO - Một đứa trẻ chào cha mẹ đến trường, nhưng em không được vào lớp mà đến thẳng thế giới khác. Em ở đâu trong sĩ số lớp suốt một ngày trời? Đến bao giờ bệnh vô cảm mới được xóa bỏ?

Thời tôi, và đến tận bây giờ khi đi họp phụ huynh cho con, tôi vẫn thấy ở góc bảng có ghi: Sĩ số, vắng.

Có thể ngày nay người ta xài bảng điện tử mấy chục triệu một cái, được mua bằng tiền của phụ huynh với tên gọi rất hoa mỹ để lấp liếm cách "bổ đầu người" mà thu mỗi đầu năm học. Nhưng sỹ số lớp bao nhiêu, vắng bao nhiêu vẫn được ghi chép ở đâu đó, trong cuốn sổ nào đó...

Cô giáo chủ nhiệm vào lớp, các bé lớp Một thì không thể có ngay nền nếp, sẽ nhốn nháo, cô sẽ phải lập lại trật tự, cứ cho là cô không đếm lớp có bao nhiêu cháu vì việc này đã có bộ phận khác lo vì đây là trường quốc tế, thì cô cũng phải thấy có một chỗ ngồi đang để trống chứ? 

Tu vu chau be tu vong tren xe bus truong Gateway: Goc bang nay co con ghi si so?
Sáng nay, nhiều phụ huynh  cho biết họ đưa con lên xe Trường Gateway mà run rẩy sợ hãi. Ám ảnh tai nạn của cậu bé lớp Một khiến nhiều phụ huynh đêm qua không ngủ nổi.

Lúc ấy vì đã vào tiết, nhưng bất cứ lúc nào cô cũng có thể hỏi những người liên quan về sự vắng mặt của học trò. Và nếu câu hỏi sớm sủa, bất hạnh có thể sẽ chẳng xảy ra. Chỗ ngồi của đứa trẻ ấy sẽ chẳng để trống, chẳng ám ảnh mãi cho đến nhiều ngày sau. Chẳng dám mong cô là mẹ hiền, nhưng cô có phải cái máy khi bước vào lớp và chỉ dạy theo giáo án để lấy thành tích 100% học sinh giỏi cuối năm?

Và cô giáo - người đón bé từ tay bố mẹ cháu buổi sáng, lúc nhận cháu từ tay bố mẹ, hẳn cô có sổ sách theo dõi, nhưng khi xuống xe, cô đã không thử kiểm tra trên xe còn gì, có ai quên gì không. Chỉ cần một chút ý thức và vài bước chân, một mạng người sẽ không tức tưởi mà mất đi.

Học trò tiểu học là đám con nít còn mê ngủ, các cháu mới đến trường ngày thứ hai trong đời học sinh của mình. Có bao nhiêu thứ sẽ bị bỏ quên, và cô cùng tài xế, phụ xe đã bỏ quên hẳn một đứa trẻ.

Tu vu chau be tu vong tren xe bus truong Gateway: Goc bang nay co con ghi si so?
Đứa trẻ bị “bỏ quên” đã tử vong

Đi xe đưa rước, trẻ sẽ phải dậy sớm hơn bình thường. Ở cái tuổi có khi cơm còn phải đút, lại chưa quen với nếp sinh hoạt này, hoặc đơn giản là say xe. Em hẳn đã ngủ quên, và cô giáo cùng những người khác đã bỏ quên em trong cái xe buýt bị đóng kín suốt một ngày dài. Em có thức dậy, có kêu cứu, hay cứ thế trong giấc ngủ, em đi?

Có nỗi đau nào lớn hơn khi buổi sáng cha mẹ dắt tay, vui vẻ giao con cho cô giáo, nhưng chiều đón xác con về. Cha mẹ đã chọn cho con trường quốc tế học phí hơn một trăm triệu một năm, hẳn họ yên tâm vì đã cho con mình dịch vụ giáo dục tốt. Họ đã nghĩ chọn xe đưa rước thì em khỏi nắng mưa, kẹt xe muộn học. Họ không bao giờ nghĩ, chuyến xe của em mãi mãi kẹt lại giữa cuộc hành trình.

Trong một đất nước mà ông bộ trưởng hồn nhiên phát biểu "học phí thấp khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao" thì bao nhiêu phần trăm học phí được dùng cho việc dạy và học, bao nhiêu dành cho sự đánh bóng tên tuổi và những hoạt động xoay quanh chữ "quốc tế"?

Một đứa trẻ ngày thứ hai đến trường, nhưng em không được đến trường mà đến thẳng thế giới khác, cơ quan điều tra vào cuộc, cả xã hội tiếc thương và sự hối hận. Nhưng làm sao quay lại buổi sáng ấy khi đám trẻ xuống xe? Làm sao đau đớn thay cha mẹ đứa trẻ ấy? Chỗ ngồi của em rất nhanh sẽ có một đứa trẻ khác bằng tuổi em ngồi vào, nhưng chỗ trống trong tim cha mẹ em lấy gì bù đắp. Nỗi đau này sẽ theo cha mẹ em đến suốt đời cùng những dày vò ân hận. 

Tu vu chau be tu vong tren xe bus truong Gateway: Goc bang nay co con ghi si so?
Một phụ huynh chia sẻ việc liên lạc qua hotline rất bất tiện của trường Gateway.

Theo quy định, con nghỉ thì phụ huynh phải báo cho trường, chứ không có chuyện ở chiều ngược lại, là trường gọi phụ huynh để hỏi. Máy móc là vật chết, nhưng ở môi trường giáo dục toàn là những con người, sao có thể hoạt động như cái máy? Nói đến đóng góp thì hô hào nhà trường và phụ huynh chung tay, xã hội hóa giáo dục... Nhưng một cú điện thoại gọi cho phụ huynh hỏi thăm vì sao cháu vắng mặt cũng phải đúng quy trình là chuyển xuống cho người trực hotline. 

Thậm chí, khi sự việc đau lòng đã xảy ra, người ta còn quanh co né tránh trách nhiệm. Em đã chết nhưng người ta thay thế bằng từ "bất tỉnh", một sự dối trá đúng quy trình của những người điều hành ngôi trường này.

Sáng ấy phụ huynh bận đưa con đi viện khi cháu ốm, hay vì công việc mà quên không ghé trường đưa giấy xin phép là lỗi của phụ huynh. Hôm ấy người trực hotline có việc vắng mặt thì sự việc cứ như viên sỏi rơi tõm vào hồ nước...

Nên đừng ngạc nhiên vì sao đang giờ học mà các quán net vẫn có những vị khách mặc đồng phục, những quán cà phê vẫn có những vòng khói thuốc của những vị khách mang bảng tên...

Tu vu chau be tu vong tren xe bus truong Gateway: Goc bang nay co con ghi si so?
Đến bao giờ bệnh thành tích, sự vô cảm, làm việc theo quy trình mới được xóa bỏ, và người ta đối xử với nhau bằng trách nhiệm và tình thương? Ảnh minh họa

Nếu ngày nay, ở góc bảng đen ấy có một ô vuông để ghi sĩ số, thì em học sinh bị bỏ quên ở đâu, trong sĩ số hay trong số vắng mặt? Đến bao giờ bệnh thành tích, sự vô cảm, làm việc theo quy trình mới được xóa bỏ, và người ta đối xử với nhau bằng trách nhiệm và tình thương?

Thanh Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI