Hãi hùng người giúp việc bế xốc, tung bé gần 2 tháng tuổi lên cao nhiều lần
Tối ngày 22/11, mạng xã hội dậy sóng bất bình và phẫn nộ khi một bà mẹ trẻ trích xuất những clip từ camera. Theo đoạn clip trên phản ánh, 1 người phụ nữ đang liên tục dùng tay đánh đập, tát vào đầu, xốc mạnh và thậm chí là...tung hứng 1 bé gái còn đỏ hỏn.
Đăng kèm với đoạn clip trên là giãi bày của chính mẹ của cháu bé bị người giúp việc bạo hành này: "Xem trên mạng nhiều mình không thể tin nổi! Nhưng hôm nay đây, rơi vào chính gia đình mình! Bé nhà mình vừa sinh được 1 tháng 17 ngày. Cứ khi nào mình ra khỏi nhà là bà ấy tra tấn con mình. Mình mới chỉ quay lại tạm đoạn clip này. Và còn rất nhiều video khác mình sẽ đăng sau. Đau lòng, xót xa quá!".
Theo đoạn clip trên phản ánh, 1 người phụ nữ đang liên tục dùng tay đánh đập, tát vào đầu, xốc mạnh và thậm chí là...tung hứng 1 bé gái còn đỏ hỏn.
|
Được biết, khi bé 1 tháng 17 ngày tuổi của bà mẹ đang nằm trên giường khóc thì bị người phụ nữ (áo tím) đi lại "dỗ" bằng cách dùng tay liên tiếp đánh vào mông, lưng bé. Sau đó, người này còn kéo cổ, bế xốc bé lên rất mạnh, tung bé lên cao nhiều lần.
Thậm chí, thấy bé chưa hết khóc, người giúp việc này còn đặt bé xuống giường rồi mắng chửi, tiếp tục đánh nhiều cái vào người, vào đầu bé. Có lúc, bà giúp việc còn bế xốc nách bé lên, để bé ngồi trên đùi rồi đánh liên tiếp nhiều cái vào đầu rất dã man.
Sau khi đoạn clip trên được đăng tải, chứng kiến cảnh tượng này, không một ai không khỏi giật mình. Ai cũng vừa sợ hãi, vừa phẫn nộ.
Theo chị N.P (Phủ Lý, Hà Nam) – mẹ của bé gái 1 tháng 17 ngày tuổi trên chia sẻ thì sự việc trên hoàn toàn mới xảy ra ở gia đình chị. Và chị phát hiện con gái bị giúp việc bạo hành dã man vào khoảng 5h30 chiều ngày 22/11.
Thời điểm này, chị P và chồng đi đón con lớn đi học về. Trong lúc chờ đợi chồng tôi tranh thủ mở điện thoại ra xem camera ở nhà thì phát hiện sự việc trên.
Được biết, người giúp việc này cũng chỉ mới làm việc cho gia đình chị được khoảng gần 2 tháng. Liên quan đến vụ việc trên, chiều ngày 23/11, công an thành phố Hà Nam cho biết đã mời bảo mẫu lên làm việc.
Chân dung giúp việc máu lạnh đánh bé gần 2 tháng tuổi
|
Từ clip giúp việc “tung hứng” con gần 2 tháng tuổi: Là bố mẹ, đừng chủ quan khi gửi con cho người lạ
Vụ mở camera theo dõi ra xem, người mẹ bàng hoàng phát hiện con hơn 1 tháng tuổi bị giúp việc tung hứng dã man không phải là vụ việc trẻ còn nhỏ mà đã bị giúp việc bạo hành duy nhất. Trước đó, có nhiều những clip những giúp việc đánh trẻ chỉ vài tháng tuổi cũng tràn lan trên mạng xã hội khiến ai cũng lên án hành động không còn tính người của các bảo mẫu, giúp việc trên.
Trước các vụ việc kinh hãi như vậy, nhiều bà mẹ trẻ như chị Nguyễn Thanh Tâm, 35 tuổi ở Hà Nội cho rằng, hãy khoan bàn về tội lỗi các giúp việc trên đã gây ra mà ngược lại, là phụ huynh cũng có lỗi trong chuyện này khi đã gửi con cho người lạ quá dễ dàng khi giúp việc trên mới chỉ làm việc tại gia đình họ có 1 vài tháng.
Theo chị Tâm chia sẻ, nhà chị cũng có con nhỏ và phải thuê giúp việc. Giúp việc nhà chị cũng cùng chị chăm con từ khi con 1 tháng tuổi. Dù giúp việc là người cùng quê với chị nhưng mỗi khi gửi con cho giúp việc hay đón con từ tay giúp việc về, chị thường khá cảnh giác quan sát cũng như hỏi giúp việc để nắm qua một ngày của con.
“Dù là đưa con cho giúp việc trong nhà giữ và chăm sóc hàng ngày nhưng tôi chưa bao giờ phó mặc mọi thứ cho giúp việc hay đinh ninh tôi đã tìm được giúp việc tốt để an tâm gửi con. Tôi cũng không bao giờ chăm chăm để ý vào cái cân để xem con nặng bao nhiêu mà thường quan tâm tới con từng ly từng tí.
Ngoài bằng cách kiểm tra camera hàng ngày, mỗi khi giao con cho giúp việc xong, tôi đều liếc qua nhà cửa, bảng báo cáo tình hình ăn uống và ngủ nghỉ của con hôm đó. Rồi thay vì hỏi giúp việc hôm ấy, con ăn được bao nhiêu, ngủ được bao lâu, tôi thường hỏi giúp việc, hôm nay con đã làm những gì, có vui không, có ngoan không. Và có một câu tôi luôn hỏi con khi con đã biết nói rằng, “Con có thích ở nhà với bác giúp việc không?””, phụ huynh này chia sẻ.
Chia sẻ những điều này, bà mẹ trẻ này muốn nhắn nhủ các phụ huynh khác, đừng vô tâm khi giao con cho giúp việc. Đừng bao giờ để sự bận bịu của mình đến nỗi không thể dành một vài phút trước khi đi ngủ để hỏi con những chuyện mà con đã làm ở nhà, ở lớp ngày hôm nay.
Nhất là khi con của mình có dấu hiệu bất thường, tỏ ra sợ sệt thì phụ huynh cần phải theo dõi diễn biến tâm lý của con: “Thực tế, nếu những vết bầm, vết xước trên cơ thể trẻ sẽ dễ dàng nhìn thấy. Nhưng những tổn thương về tinh thần mà con trẻ phải gánh chịu, nếu không để ý hoặc thờ ơ, dễ dãi, ba mẹ sẽ khó có thể thấy được. Hãy chịu khó nhìn ánh mắt của con và lắng nghe con trẻ nói những lời non nớt, ông bố bà mẹ nào cũng biết được những khác thường của con”.
Cũng theo người mẹ trẻ này, nếu như khi gửi con cho giúp việc hay bảo mẫu mà phụ huynh chưa cảm thấy yên tâm và thường xuyên phải mở camera ra xem họ đối xử với con mình như thế nào thì tốt nhất nên thu xếp 1 người ở nhà giữ con còn hơn: “Bởi cảm giác của bố mẹ rất quan trọng để tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Vấn đề không phải là bạn gửi con cho ai mà phải là con đã được người đó chăm sóc và dạy dỗ thế nào. Nhất là làm bố mẹ thì không được vô tâm. Vì làm cha mẹ đâu phải chỉ cho con cơm ăn áo mặc là xong, làm cha mẹ là phải học”.
Là bố mẹ, đừng chủ quan và dễ dãi khi gửi con cho người lạ.
|
Bà mẹ 2 con này cũng chỉ dẫn cho các bà mẹ trẻ khác một số dấu hiệu để nhận biết người giúp việc có tâm để gửi con yên tâm phần nào.
Thứ nhất theo bà mẹ này, để tìm giúp việc tốt, các gia đình trẻ chỉ nên nhờ bạn bè, người thân giới thiệu. Tuyệt đối không qua những trung tâm giúp việc không uy tín để tìm người giúp việc.
Thứ hai, phải tìm giúp việc là người yêu trẻ con và kiên nhẫn dỗ dành, chăm sóc trẻ như con cháu mình. “Để nhận biết được người giúp việc có yêu thương con mình không, phụ huynh có thể chú ý qua những việc giúp việc làm, qua ánh mắt của họ khi chăm sóc con cái mình”, chị Tâm nói.
Thứ ba, nếu tìm được giúp việc đã có kinh nghiệm trông trẻ và làm việc nhà nhanh nhẹn thì càng tốt. Nếu không, các gia đình có thể thêm thời gian hướng dẫn họ tận tình để tránh việc họ làm sai hay hỏng.
Cuối cùng, các gia đình nên phải chú ý tới cách cư xử của người giúp việc: “Người giúp việc sống cùng chủ nhà, lại giúp chăm trẻ nên phải tìm giúp việc có cách cư xử tốt. Chỉ như vậy, bạn mới yên tâm phần nào khi giao con cho giúp việc chăm sóc dạy dỗ. Vì người giúp việc ảnh hưởng nhiều tới tính cách của bé”.
Phương Hà