Vụ việc bé Lê Thị Nhật Linh, 9 tuổi, người Việt Nam, bị bắt cóc và sát hại tại Nhật Bản làm dư luận Nhật Bản bàng hoàng, và người đọc trong nước hoang mang.
Rất nhiều người tại Việt Nam thắc mắc về việc tại sao phụ huynh tại Nhật không đưa con đi học, mà để các em học sinh tiểu học như bé Nhật Linh, tự đi tới trường.
Nhiều người khác bày tỏ quan ngại về an ninh tại một đất nước nổi tiếng là bình yên như Nhật Bản.
Từ Nhật Bản, chị Phạm Lan Anh chia sẻ với báo Phụ Nữ Online về câu chuyện các bé gái bị bắt cóc tại quốc gia này, cũng như việc đảm bảo an toàn cho các học sinh tại Nhật Bản tới trường.
Dưới đây là nội dung mà chị Lan Anh chia sẻ:
Khi có tin về vụ bé Nhật Linh bị sát hại, tôi đã đọc được không ít những lời bình luận đăng trên mạng xã hội.
|
Cảnh sát lục soát khu vực mương thoát nước, nơi tìm thấy thi thể bé Lê Thị Nhật Linh. Ảnh: Japan Times |
Ví dụ như “Nhật Bản mà cũng có vụ như vậy sao?” hoặc “Nhật Bản ngày càng không an toàn!”…
Sau đó là một loại các loại bài viết về cách làm sao để cho con đi học được an toàn, nếu chẳng may gặp phải kẻ xấu thì phải đối phó như thế nào.
Điều này gây nên ấn tượng cho rằng xã hội Nhật Bản hiện nay đang đầy rẫy những mối nguy hiểm rình rập.
Vụ án lần này gây rúng động với cộng đồng người Việt Nam là vì lần đầu tiên nạn nhân là bé gái người Việt Nam, xảy ra trên đất Nhật, trong bối cảnh những vụ ấu dâm xảy ra trong nước thu hút sự chú ý rất lớn của độc giả, gây bức xúc cho toàn thể xã hội.
Tại Nhật Bản, những vụ án tương tự với các bé gái có xảy ra, nhưng khá thưa thớt trong khoảng thời gian dài.
Cách đây khoảng 28 năm, xã hội Nhật Bản rúng động khi xảy ra một vụ án bắt có sát hại 4 em gái tuổi từ 4 tới 7 tuổi.
Trong một thời gian khá dài, cảnh sát dù đã hết sức nỗ lực nhưng vẫn không tìm ra thủ phạm.
Phải tới lần gây án thứ 4, cảnh sát mới có manh mối để tìm ra thủ phạm. Hung thủ đã nhận bản án thích đáng cho hành động dã man của hắn.
Hơn một chục năm sau, người dân Nhật Bản một lần nữa lại bàng hoàng bởi vụ một bé gái học sinh lớp 1 tiểu học ở thành phố Nara bị bắt cóc trên đường đi học về, và sau đó đã bị sát hại.
Sau khi hung thủ bị bắt, cảnh sát phát hiện ra nhiều bằng chứng cho thấy, thủ phạm là một kẻ ái nhi.
|
Truyền hình Nhật đưa tin về bé Lê Thị Nhật Linh. |
Một năm sau, tại tỉnh Tochigi cũng xảy ra một vụ một bé gái học sinh lớp 1 tiểu học bị mất tích khi đang trên đường về nhà.
Người ta phát hiện ra thi thể của em bị bỏ ở một nơi cách xa nhà, khoảng 60 cây số.
Sau một thời gian dài điều tra mà không có kết quả, tận tới năm 2014, cảnh sát mới bắt được hung thủ, dựa trên những lời khai của chính hắn.
Trên thực tế, từ trước tới nay dù xảy ra những vụ bắt cóc/sát hại đối với trẻ em, hoặc thậm chí với người lớn, xã hội Nhật Bản vẫn được coi là an toàn.
Các vụ án xảy ra với trẻ em trong độ tuổi tiểu học không nhiều, so với tổng số các vụ án có liên quan tới tội phạm bắt cóc-sát hại.
An ninh xã hội, an toàn cho học sinh là một trong những lĩnh vực luôn được chính phủ Nhật Bản và các cơ quan chức năng coi trọng.
Đa phần học sinh tại Nhật Bản, từ cấp tiểu học, đều tự đi tới trường mà không có cha mẹ đi kèm.
Phần lớn các trường tiểu học ở Nhật Bản đều áp dụng hình thức đi học và về học theo nhóm.
Khi tan học, nhà trường sẽ quy định một tuần một ngày nào đó nhất định, cho cả trường về theo nhóm. Tất cả những kế hoạch này đều được lên lịch sẵn để cha mẹ biết.
Nhưng cũng có một số nơi không áp dụng hình thức này, mà để các em đi học và về nhà tự do, trong đó có trường học ở thành phố Matsudo, nơi bé Lê Thị Nhật Linh sinh sống và theo học.
Tại các tuyến đường đến trường, hội phụ huynh kết hợp với những thành viên tình nguyện ở địa phương, luôn bố trí người đứng ở những vị trí hay có nhiều xe cộ đi qua, để hướng dẫn cho các em đi học và tan học an toàn.
Thật đáng tiếc là đoạn đường mà bé Linh hay dùng để đến trường và người ta cho rằng có khả năng bé Linh bị bắt cóc ở đó, lại là một đoạn đường đi qua một vườn cây ăn quả, không có nhà dân và không có ai đứng gác ở thời điểm đó cả.
|
Cảnh sát lục soát khu vực mương thoát nước, nơi tìm thấy thi thể bé Lê Thị Nhật Linh. Ảnh: Japan Times |
Trường học ở Nhật Bản có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn và an ninh cho học sinh bằng cách kết hợp chặt chẽ giữa cha mẹ và nhà trường, giữa nhà trường với các tổ chức tình nguyện địa phương, để đảm bảo cho các em đi học và tan học an toàn như trên, cùng với nhiều biện pháp an ninh khác.
Ví dụ, gắn thẻ IC vào cặp cho các em. Khi các em ra khỏi cổng trường, máy sẽ tự động gửi thư điện tử cho cha mẹ biết con họ đã ra khỏi trường; hoặc cho các em một thiết bị báo động ở cặp sách, khi có nguy hiểm thì kéo dây cho phát tiếng còi báo động; hoặc bố trí một số nhà dọc đường đi học, gắn biển thông báo để học sinh biết đó là nơi có thể chạy vào nếu gặp nguy hiểm.
Ngay sau khi xác nhận được thi thể của bé Linh, cảnh sát thành phố Matsudo đã họp báo và cho biết đã thành lập một ban điều tra gồm khoảng 100 người.
Uỷ ban giáo dục thành phố cũng họp báo bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của Linh, và ra chỉ thị cho các trường học trong thành phố xem xét lại những vấn đề liên quan tới sự an toàn của học sinh.
Trường học của bé Linh đã tổ chức họp báo và họp phụ huynh khẩn cấp, bố trí nhân viên tư vấn tâm lý để giúp các em học sinh ổn định tâm lý.
Trường cho biết sẽ rà soát những đoạn đường mà các em học sinh đến trường, tìm ra những vị trí được coi là có “góc chết”, tức là những đoạn khó quan sát, vắng vẻ… để bố trí lại đường đi học cho học sinh.
Tuy vậy, “giữ người ngay chứ không ai giữ được kẻ gian”.
Dù cho nhà trường, xã hội đều hết sức nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn và an ninh cho các cháu, và cha mẹ ai cũng cố gắng hướng dẫn cho con cái những điều cần thiết để tự vệ trong cuộc sống, nhưng không ai dám nói chắc chắn rằng sẽ không còn có một vụ nào tương tự nào xảy ra trong tương lai.
Bởi trên thế giới này, không có một xã hội nào là tuyệt đối hoàn hảo.
Phạm Lan Anh (từ Nhật Bản)