Từ vụ bé gái 8 tuổi nghi bị “mẹ kế” sát hại: Cần lắm những hàng xóm “nhiều chuyện”

28/12/2021 - 10:12

PNO - Những đứa trẻ bị bạo hành vì “mẹ kế” “cha dượng” cần lắm những người hàng xóm xung quanh “nhiều chuyện” để can thiệp kịp thời khi "người thân" vô cảm.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin về vụ việc bé V.A nghi bị “dì ghẻ” V.N.Q.T. (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) hành hạ, đánh đập dẫn đến tử vong. Điều đáng nói theo nhiều nguồn tin, việc bé V.A bị bạo hành đã diễn ra gần 1 năm, các gia đình xung quanh có can thiệp và phản ánh lên ban quản lý chung cư, nhưng không được giải quyết.

Cách đây không lâu, vào tháng 8/2021, bé trai P.A (5 tuổi) ở Bình Dương bị bố dượng là Lê Hoài Nam đánh đập dã man. Hàng xóm nhiều lần can ngăn dù bị đối tượng Nam hăm dọa.

Sau đó, họ đã quay lại tung lên mạng xã hội với mong muốn chính quyền vào cuộc giải cứu cháu bé. Nhờ thông tin trên, cơ quan công an bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự người cha dượng để điều tra làm rõ hành vi bạo hành trẻ em. 

Hình ảnh bé  P.A (5 tuổi) ở Bình Dương bị bố dượng là Lê Hoài Nam đánh đập dã man.
Hình ảnh bé P.A (5 tuổi) ở Bình Dương bị bố dượng là Lê Hoài Nam đánh đập dã man được hàng xóm quay lại đưa lên mạng xã hội để giải cứu bé. Ảnh cắt từ clip.

Giá như trong vụ việc của V.A những người sống xung quanh có trách nhiệm như thế, có thể mọi chuyện sẽ khác. Tuy nhiên tâm lý của bất kì ai cũng vậy, không muốn can thiệp vào chuyện nhà người khác. Chính suy nghĩ đó đã tiếp tay cho những vụ bạo hành đau lòng mà nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em.

Những đứa trẻ không biết bấu víu vào đâu khi bị chính "người thân” sống chung đánh đập. Trong nhiều trường hợp, nhờ những người “hàng xóm” nhiều chuyện mà đứa trẻ được giải cứu. Nhiều chuyện ở đây không có nghĩa là ngồi lê đôi mách, bàn tán chuyện nhà người khác mà quyết tâm tìm mọi cách để làm sáng tỏ khi thấy sự việc có dấu hiệu bất thường.

Tiếc rằng, cuộc sống hiện đại làm người ta sống khép kín, nếu không phải việc của mình thì không can thiệp. Người nào cũng sợ mang rắc rối vào mình khi xen vào chuyện người khác. Thậm chí, nhà hàng xóm có xảy ra chuyện gì cũng nhắm mắt làm ngơ.

Từng sống trong cảnh “dì ghẻ, con chồng”, tôi cảm thấy mình may mắn khi gặp được những người hàng xóm tốt bụng. Ba mẹ tôi ly hôn khi tôi mới 7 tuổi, mẹ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nên tôi sống với bố. Nửa năm sau, bố đi bước nữa với người phụ nữ đã xen vào gia đình tôi trước đó.

Bố đi buôn bán ở biên giới, thỉnh thoảng mới về nhà, tôi ở với dì ghẻ. Tôi không thích dì ngay từ đầu. Bố tôi biết điều đó nhưng lại nghĩ dì thương yêu tôi như con ruột nên không chấp trách. Dì không ưa gì tôi nhưng trước mặt bố vẫn tỏ ra quan tâm chăm sóc tôi hết mực. Chỉ khi bố đi làm, dì mới đánh đập, hành hạ tôi đủ việc.

Tôi nhớ, những ngày mùa đông rét mướt, nửa đêm dì còn bắt tôi phụ giặt áo quần, dì đeo bao tay còn tôi thì không. Đôi tay đỏ ửng vì lạnh, đến lớp không viết bài được. Dì lấy cớ tôi lười học để đánh tôi.

nhiều người dân tại chung cư cũng có mặt để thắp nhang, cầu nguyện cho cháu bé.
Nhiều người dân tại chung cư bé V.A sinh sống đã thắp nhang, cầu nguyện cho cháu bé.

Tất cả những chuyện đó, tôi kể với bố, nhưng ông không tin, cho rằng tôi bịa chuyện vì ghét dì. Tôi chẳng biết bấu víu vào đâu, ngày đó điện thoại không có, nhà nội ngoại đều ở xa.

Lúc đầu, dì đánh tôi còn có lý do, nhưng về sau, hễ tức lên là đánh. Trong nhà chỉ có dì với tôi, tôi trốn ở đâu dì cũng lôi ra được. Về sau, tôi rút được kinh nghiệm, cứ hễ thấy dì tức giận đuổi đánh là chạy ra đường, gặp ai cũng ôm lấy để tránh đòn.

Những người hàng xóm nhiều lần chứng kiến tôi bị đánh đã lớn tiếng nên về sau dì dè dặt hơn. Đặc biệt có nhà bác Lê làm nghề bán thịt heo, nếu ngoài đường không có ai, tôi hay chạy vào nhà bác để trốn.

Nhiều lần, bác cho tôi ăn cơm, ngủ qua đêm khi không dám về nhà. Nhà bác Lê không chỉ giúp tôi tránh đòn của dì mà chính bác đã lên tiếng để bố hiểu rõ mọi chuyện.

Ba năm sau, mẹ tôi về nước, tôi được giải thoát hoàn toàn khỏi cảnh sống cùng dì ghẻ. Giờ đã có gia đình riêng, nhưng mỗi lần nhớ lại khoảng thời gian đó, tôi luôn rùng mình. Bố và dì sống với nhau mấy năm, không có con chung nên cũng chia tay. Thỉnh thoảng về thăm bố, tôi luôn ghé nhà bác Lê chơi, nhờ có bác những năm tháng tuổi thơ của tôi đỡ u ám hơn.

Trở lại vụ việc những đứa trẻ bị bạo hành vì những “mẹ kế” “cha dượng” cần lắm những người hàng xóm xung quanh “nhiều chuyện” để can thiệp kịp thời khi những “người thân” đã vô trách nhiệm với chính sinh linh mà mình tạo ra. Trong vụ việc của bé V.A, kẻ thủ ác sẽ phải đền tội, nhưng nỗi đau đớn ân hận sẽ còn mãi với những ai biết chuyện mà không đủ trách nhiệm và dũng cảm để đi đến tận cùng.

Mỹ Anh (Quảng Trị)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI