Từ vụ án bé Nô và nguyên tắc sợi dây

09/07/2017 - 11:35

PNO - Tức là giữa tôi và con như luôn được nối với nhau bằng sợi dây thun vô hình. Có thể co giãn chút xíu nhưng tuyệt đối không được tuột dây, không được ngoài tầm kiểm soát của tôi.

Buổi tối mùa hè hôm ấy, mẹ con tôi vừa xịch dừng xe trước cửa thì ánh chớp đèn flash lóe lên. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã thấy ba người đàn ông lừng lững: "Chị hãy nói anh Thảo chồng chị trả ngay 200 triệu cho anh Trọng. Nếu không, chị và con đừng mong an toàn".

Tôi ú ớ, muốn nói các anh nhầm rồi, tôi không còn là vợ anh Thảo nữa. Thế nhưng, nỗi sợ khiến tôi tê liệt mọi phản xạ. Khi con trai tôi lay lay mẹ hỏi các chú là ai, sao lại chụp hình mẹ con mình, tôi mới bừng tỉnh.

Tu vu an be No va nguyen tac soi day
Không để trẻ đi một mình. Ảnh minh họa

Những ngày sau đó thật kinh hoàng. Tôi luôn có cảm giác ai đấy theo dõi mẹ con mình. Bất cứ chiếc xe máy nào chạy song song là tôi lạnh sống lưng. Hiếm khi nào tôi đủ can đảm liếc chủ nhân, mà thường hoảng loạn phóng nhanh hoặc thắng kít lại. Không thấy người ấy thay đổi tốc độ tôi mới dám đi tiếp, chạy chậm và rà xe sát lề.

Tôi gọi hai con vào phòng, thông báo là ba chúng gặp khó khăn, sẽ ít đón chúng đi chơi cuối tuần như trước nữa và mấy mẹ con sẽ chuyển nhà nhanh chóng. Nhưng trong thời gian tìm nơi ở mới, nơi học mới, tôi cần các con tuyệt đối tuân thủ "nguyên tắc sợi dây". Tức là giữa tôi và chúng như luôn được nối với nhau bằng sợi dây thun vô hình. Có thể co giãn chút xíu nhưng tuyệt đối không được tuột dây, không được ngoài tầm kiểm soát của tôi.

Đặt thằng bé 4 tuổi ngồi ngay ngắn lên ghế cao, tôi hỏi: "Bo,  con nhớ số điện mẹ và dì Mai chưa? Đọc lại cho mẹ xem nào?" Sau đó, tôi dợt lại những điều đã dạy con từ khi bé mới đi mẫu giáo:  Ở nhà, tuyệt đối không được ra khỏi cửa một mình. Ngay trong nhà cũng không được chơi khuất tầm mắt mẹ.

- Khi ra đường luôn nắm tay mẹ.

- Ở trường, không ra cổng hay chơi gần hàng rào.

- Không nói chuyện hay cầm bất cứ quà bánh gì từ người lạ.

Nếu ai nói mẹ nhờ đón con, phải nói người đó gặp cô giáo để cô gọi cho mẹ xác nhận.

- Đi siêu thị hay trung tâm thương mại, công viên, nếu xui xẻo bị lạc mẹ, cứ đứng tại chỗ, không được di chuyển, chạy tìm mẹ. Có thể khóc to để người lớn chú ý. Nếu được người lớn giúp đỡ, lễ phép nhờ họ gọi điện thoại cho con gặp mẹ, phải nghe được tiếng mẹ và theo chỉ dẫn của mẹ.

- Không để ai dắt đi tìm mẹ, đặc biệt là dắt khỏi siêu thị, công viên.

- Con có thể tìm tới gặp các cô chú mặc đồng phục bảo vệ để nhờ họ thông báo tìm mẹ. Tôi giải thích với bé bắt cóc khá đơn giản: nếu không nghe lời mẹ, con sẽ gặp nguy hiểm, sẽ bị kẻ xấu bắt nhốt vào nơi tối. Con tôi rất sợ bóng tối nên cháu chưa khi nào vi phạm những điều này.

Tu vu an be No va nguyen tac soi day
Con luôn trong tầm kiểm soát của mẹ. Ảnh minh họa

Với cô bé lớp 6, tôi dặn con kỹ hơn vì cháu từng đọc bộ sách Kỹ năng thoát hiểm (NXB Trẻ), trong đó có tình huống bị bắt cóc. Tôi còn dặn cháu thêm:

-Nếu có cảm giác ai đó theo dõi mình, hãy ghi nhớ mặt mũi, hình dáng kẻ đó. Nếu kẻ đó đi xe, hãy nhớ biển số xe.

- Không để người lạ chụp ảnh.

- Không đưa hình và thông tin gia đình, thông tin sinh hoạt học tập, vui chơi lên Facebook

-Nếu rủi ro rơi vào tay bọn bắt cóc, tuyệt đối không được chống trả hay bỏ chạy. Cứ xin ăn uống, ngủ nghỉ và xin liên lạc với ba mẹ. Phần còn lại là của ba mẹ. Ba mẹ sẽ cứu con. Con gái tôi hồi 5 tuổi từng bị lạc mẹ hôm khai trương siêu thị Big C Phú Thạnh (Q.Tân Phú) nên cháu và cả tôi đã được một bài học về kỷ luật và cháu tuân thủ tốt các quy tắc mẹ đưa ra.

Thật may, sau hai tuần bị xã hội đen đe dọa, tôi tìm được nơi ở mới an toàn trong một chung cư được bảo vệ nghiêm ngặt, lên xuống thang máy phải có thẻ.

Sau đó vài tháng tôi cũng lo xong nơi học mới của con. Chồng cũ của tôi chỉ được gặp con khi đã chứng minh không còn nợ nần. Tức cả năm sau đó.

Một khoảng thời gian tệ hại, thi thoảng nhớ lại tôi vẫn kinh hồn. Ơn trời đã không có chuyện gì xảy đến với các con tôi.

Khánh Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI