Từ vụ 42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ: Hệ thống giám sát HIV thụ động vì… thiếu kinh phí!

15/08/2018 - 07:27

PNO - 42 người dân tại xã Kim Thượng (tỉnh Phú Thọ) vừa bị phát hiện nhiễm HIV, trong đó nhiều người mắc bệnh từ lâu và chuyển sang giai đoạn AIDS mà không hề hay biết.

Nếu như phát hiện sớm hơn, con số lây nhiễm có lẽ đã không ở mức cao đến như vậy…

Hệ thống giám sát thiếu hiệu quả?

Hơn một tuần qua, kể từ khi cầm tờ giấy thông báo kết quả xét nghiệm máu với vi-rút HIV, chị P.T.Đ. (xóm Chiềng 3, xã Kim Thượng, H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót. Cả vợ chồng chị và cậu con trai đều bình thường, khỏe mạnh, chỉ duy nhất cô con gái nhỏ H.N.Q. (18 tháng tuổi) bỗng dưng nhận kết quả dương tính với “căn bệnh thế kỷ”. Nhìn cô con gái nhỏ với những nốt lở loét khắp bàn chân và cẳng chân, chị Đ. từng nghĩ rằng, đó chỉ là những vết dị ứng thông thường nên đã mua thuốc bôi, tắm lá hằng ngày mà không thấy có kết quả… 

Tới giờ, khi câu chuyện của 42 người dân xã Kim Thượng bị phát hiện nhiễm HIV rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, các bộ, ngành vào cuộc tìm hiểu… thì gia đình chị vẫn không thể giải tỏa được khúc mắc - con gái mình lây nhiễm HIV từ đâu? Có không ít giả thuyết, nhưng theo thông tin từ địa phương, có chuyện cháu Q. thường xuyên sang nhà hàng xóm chơi. Cả hai vợ chồng này nhiễm HIV nhưng vì không biết, khi cơ thể tróc lở, họ tưởng mình bị vảy nến nên vẫn thoải mái tiếp xúc với những người xung quanh.

Tu vu 42 nguoi nhiem HIV o Phu Tho: He thong giam sat HIV thu dong vi…  thieu kinh phi!
Tới thời điểm hiện tại, gia đình chị Đ. vẫn bàng hoàng không hiểu con gái 18 tháng tuổi nhiễm HIV từ đâu?


Còn theo nhận định của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), mặc dù 42 người dân tại xã Kim Thượng vừa được phát hiện nhiễm HIV, nhưng nhiều người trong số đó đã chuyển sang giai đoạn AIDS, đồng nghĩa với việc, họ đã chung sống nhiều năm với căn bệnh này mà không hay biết, không hề có biện pháp bảo vệ nào tới cộng đồng…

Vấn đề đặt ra là tại sao, tới thời điểm này, một con số nhiễm HIV lớn như vậy tại một xã mới được phát hiện? Trong khi đó, theo số liệu báo cáo năm 2017 trở về trước, số bệnh nhân toàn xã chỉ lác đác trên đầu ngón tay. Phải chăng, công tác sàng lọc, giám sát của địa phương còn quá lỏng lẻo dẫn tới việc phòng ngừa lây nhiễm không đạt hiệu quả? 

Cũng từ câu chuyện này, có thể đặt vấn đề, số người nhiễm HIV tại Việt Nam trên thống kê hiện nay liệu có phản ánh được hoàn toàn thực trạng? Bao nhiêu người đang mắc căn bệnh này vẫn còn trong “bóng tối”?

Chấp nhận hậu quả vì… kinh phí hạn hẹp

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - cho biết, để kiểm soát tình hình HIV/AIDS, Việt Nam có hệ thống giám sát thường xuyên, thực hiện thông qua các cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, hệ thống này tiến hành giám sát với các nhóm có hành vi nguy cơ cao như ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng tính… Khi phát hiện có các vấn đề bất thường ở các điểm sẽ có tiến hành chuyên biệt. 

Theo đó, xã Kim Thượng nằm trong hệ thống giám sát thường xuyên, mỗi năm chỉ phát hiện một vài ca bệnh. Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại xã này là vào năm 2012. Tuy nhiên, năm 2017-2018, con số mắc bệnh có dấu hiệu tăng nhanh và có bệnh nhân tử vong tại bệnh viện. Vì vậy, tỉnh Phú Thọ lên phương án khảo sát, tiến hành nghiên cứu lấy 490 mẫu máu để xét nghiệm và phát hiện 42 người nhiễm HIV. “Vụ việc này không phải ngẫu nhiên mà do giám sát chuyên biệt của tỉnh Phú Thọ. Ở đây là sự vào cuộc chủ động của ngành y tế Phú Thọ, khi họ đã phát hiện bất thường thông qua giám sát thường quy”, tiến sĩ Cảnh chia sẻ. 

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, hệ thống giám sát bệnh nhân nhiễm HIV ở Việt Nam hiện nay mới dừng ở mức thụ động. Tức, khi có bệnh mới báo cáo, sau đó tiến hành điều tra chuyên biệt nên không chủ động phát hiện sớm, bao vây dập tắt dịch… Do đó, ngoài xã Kim Thượng, không loại trừ nguy cơ tiềm ẩn ở các địa phương khác trên cả nước, những ổ dịch chưa được phát hiện…

Lý giải về vấn đề này, theo tiến sĩ Cảnh, có liên quan tới kinh phí: “Hiện nay, vấn đề giám sát thường xuyên dừng lại ở mức độ “không mất tiền”, vận dụng hệ thống sẵn có. Với những nghiên cứu chuyên biệt thì phải có tiền mới thực hiện được. Bởi mỗi nghiên cứu đòi hỏi có bộ công cụ điều tra, phỏng vấn, lấy máu xét nghiệm, phân tích số liệu, báo cáo… Trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp không thể giám sát chủ động nhiều, đành phải chấp nhận những hậu quả như vậy”. Ông Cảnh cũng cho rằng, việc hỗ trợ, tuyên truyền cho đồng bào miền núi hiện nay về mặt chính sách đã có nhưng đầu tư chưa thỏa đáng, dẫn tới hoạt động chưa hiệu quả. 

Sẽ xét nghiệm miễn phí HIV cho người dân xã Kim Thượng
 

Bộ Y tế cho biết, đã chỉ đạo Sở Y tế Phú Thọ phân công chuyên gia tư vấn giỏi để tư vấn cho những người không may bị nhiễm HIV. Từ đó, giúp họ vượt qua trạng thái “sốc”, đặc biệt hiểu rằng, mắc HIV không phải là án tử mà có thể sống khỏe mạnh và dự phòng bằng thuốc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh… 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn thành lập điểm điều trị cho người nhiễm HIV, phát thuốc miễn phí cho người nhiễm ba tháng một lần. Với riêng xã Kim Thượng, nhân viên y tế sẽ về tận cơ sở để phát thuốc, sẵn sàng lực lượng và phương tiện để lấy máu xét nghiệm miễn phí cho người dân. 


Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI