Tử vong vì bỏ tái khám, “né” bệnh viện mùa dịch

31/03/2020 - 10:00

PNO - Liên tiếp ba ngày qua, Bệnh viện Đại học Y Dược Hà Nội tiếp nhận ba bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Trong đó, hai bệnh nhân có dấu hiệu bệnh nhưng vì ngại đến bệnh viện trong mùa dịch COVID-19, nên khi gia đình đưa vào cấp cứu thì đã muộn.

Hết thuốc vẫn không tái khám

Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược Hà Nội, cho biết, trường hợp đầu tiên là bệnh nhân đã có tiền sử tim mạch, đái tháo đường, đang uống thuốc mỗi ngày tại một cơ sở y tế. Nhưng người bệnh hết thuốc một tuần, không đi tái khám vì sợ bị lây nhiễm vi-rút Corona. Đến khi bệnh nhân mệt và gia đình đưa vào BV Đại học Y Dược Hà Nội thì đã rơi vào tình trạng sốc tim nặng nên đã tử vong.

Bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khám cho một bệnh nhân bị biến cố về tim mạch
Bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khám cho một bệnh nhân bị biến cố về tim mạch

Còn ông H., 58 tuổi, đang khỏe mạnh bỗng xuất hiện những cơn đau ngực. Dù biết là những cơn đau bất thường nhưng ông H. ráng chịu đựng và nhất định không đi khám vì không muốn đến BV thời điểm này. Đến khuya, cơn đau xuất hiện dữ dội hơn, nhưng gia đình vẫn chần chừ đến sáng mới đưa vào BV.

“Khi bệnh nhân vừa nằm lên cáng của phòng cấp cứu thì xuất hiện rung thất. Các bác sĩ tiến hành ép tim, sốc điện… trong suốt hai giờ nhưng trái tim ông H. mãi mãi ngừng đập”, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Bệnh nhân thứ ba cũng bỗng dưng xuất hiện cơn đau ngực. Gia đình bàn tính “đi hay không đi” BV? Vài tiếng sau, gia đình quyết định đưa bệnh nhân nhập viện. Khi vừa đến BV ĐH Y Dược Hà Nội, bệnh nhân rơi vào tình trạng phù phổi cấp huyết động. Bệnh nhân được đặt nội khí quản và can thiệp ngay trong đêm. Sáng hôm sau, ngày 25/3, khi Bác sĩ Hiếu vào thăm thì bệnh nhân đã được bỏ thuốc vận mạch và có dấu hiệu hồi phục. 

Né BV, bỏ tái khám là thực trạng đang diễn ra khắp nơi. Thông tin từ các cơ sở y tế cho thấy, số lượng bệnh nhân đến khám mới và tái khám đều sụt giảm. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã nhiều lần nhắc nhở, kêu gọi bệnh nhân khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải được khám bệnh để tránh nguy hiểm cho bản thân. Đặc biệt, không được bỏ ngang khi đến đợt tái khám.  

Đừng để chưa nguy vì COVID-19 đã chết vì bệnh

Ngại đến BV trong thời dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là có thể hiểu được. Tuy nhiên, có bệnh mà vẫn không đi khám hay hết thuốc vẫn kiên quyết không đi tái khám là điều mà Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy cho là rất nguy hiểm.

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc BV Đại học Y Dược TP.HCM - Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV Đại học Y Dược TP.HCM, ở người trên 60 tuổi, cứ hai người thì có một người bị tăng huyết áp, tỷ lệ chiếm hơn 50%. Ở người trưởng thành, tỷ lệ bị tăng huyết áp là hơn 25%. Bệnh đái tháo thường cũng tăng nhanh, chiếm 8%. Bên cạnh đó, tỷ lệ rối loạn mỡ máu còn cao hơn tỷ lệ bị đái tháo đường. Đây là những bệnh có tỷ lệ mắc ngày càng cao trong cộng đồng. Khi mắc phải những bệnh tim mạch chuyển hóa này, người bệnh dễ gặp phải biến cố như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… 

Hiện nay, ngoài hình thức khám bệnh phải đến BV thì còn những hình thức khám bệnh, tư vấn qua điện thoại, dịch vụ bác sĩ gia đình… 

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cũng cho biết, hiện nay, bảo hiểm xã hội đã có phản ứng rất hợp lý là cho phép bác sĩ cấp thuốc bảo hiểm y tế hai tháng liền (trước đây chỉ cấp thuốc một tháng). Bên cạnh đó, BV nào cũng mở rộng hệ thống tư vấn trực tuyến…

“Hãy giúp chúng tôi, hãy giúp người thân trong gia đình mình và hãy giúp chính mình tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Khi hết thuốc, khi có dấu hiệu bệnh tái phát hay khi có những triệu chứng khác thường, hãy liên hệ ngay với hệ thống y tế”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI