Tử vong sau khi truyền nước điều trị tụt huyết áp

08/04/2019 - 10:07

PNO - Thấy huyết áp tụt, chị N.T.H. (sinh năm 1986, công nhân may) đến phòng khám Kết Châu ở Hà Nội điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân tử vong trong quá trình truyền nước.

Ngày 8/4, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội - cho biết vừa ra quyết định tạm đình chỉ một phòng khám tư nhân sau khi bệnh nhân truyền nước tại đây tử vong.

Trước đó, chiều tối 7/4, chị N.T.H. 33 tuổi, công nhân may, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) bị tụt huyết áp nên đến tại phòng khám Kết Châu (phố Khương Hạ, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) để được bác sĩ thăm khám.

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định truyền nước. Tuy nhiên, trong quá trình truyền nước, bệnh nhân không may tử vong.

Tu vong sau khi truyen nuoc dieu tri tut huyet ap
Bệnh nhân H. tử vong sau khi truyền nước để điều trị tụt huyết áp (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Quang Trung cho biết, ngay trong đêm 7/4, nhận được thông tin, Sở Y tế Hà Nội có mặt tại hiện trường. Khi phát hiện bệnh nhân có các biểu hiện sốc, phòng khám Kết Châu tiến hành xử lý cấp cứu và gọi 115 nhưng bệnh nhân tử vong ngay sau đó.

Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của phòng khám. Bởi theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, phòng khám không được thực hiện tiêm truyền. Việc phòng khám tự ý truyền dịch cho bệnh nhân là vượt phạm vi hoạt động. Lực lượng công an cũng đang thụ lý toàn bộ hồ sơ, giấy phép, trang thiết bị phòng khám để làm rõ sự việc.

"Nguyên nhân ban đầu ghi nhận là sốc phản vệ sau khi truyền đạm. Bác sĩ Lương Văn Kết sinh năm 1955, phụ trách chuyên môn phòng khám thực hiện truyền đạm. Trước đây, bác sĩ Kết làm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp. Bác sĩ Kết đã về hưu, có chuyên môn cao", ông Trung thông tin.

Theo Sở Y tế Hà Nội, phòng khám Kết Châu được cấp giấy phép hoạt động từ năm 2015 trong lĩnh vực chuyên khoa nội, siêu âm. Ông Trung cho biết theo quy định, tất cả phòng khám đều phải có tủ thuốc cấp cứu và danh mục thuốc, dịch truyền theo quy định của Bộ Y tế.

Bệnh nhân yêu cầu truyền thêm đạm sau khi truyền nước
Theo báo cáo của Phòng Y tế quận Thanh Xuân gửi Sở Y tế Hà Nội về vụ việc này, bệnh nhân H. có tiền sử hay bị tụt huyết áp. Khi tới phòng khám, bệnh nhân được chẩn đoán suy nhược cơ thể, tụt huyết áp. 
Bệnh nhân được ông Kết truyền 01 chai Natri Clorid 0,9% (500 ml) trong vòng hơn 01 giờ, tình trạng bệnh nhân có khá hơn. 
Theo ông Kết, bệnh nhân yêu cầu ông truyền thêm chai đạm để tăng sức khỏe. Sau khi xem xét tình trạng bệnh nhân, ông Kết tiếp tục truyền 1 chai Alvesin 40 (250 ml) sản xuất tại CHLB Đức. Sau truyền khoảng 5-10 phút, hết khoảng 1/5 chai đạm, bệnh nhân thấy ngứa. Ông Kết dừng truyền đạm ngay, chuyển sang chai Natri Clorid 0,9% (500 ml) để duy trì đường truyền. 
Bác sĩ này đồng thời tiến hành cấp cứu bệnh nhân bằng tiêm bắp 1 mũi Dimedrol 10 mg/ml, cho bệnh nhân thở oxy 4-5 lít/phút, tiêm bắp Adrenalin 1mg/1ml; tiêm Solu-Medrol 40 mg qua đường truyền và gọi cấp cứu 115 hỗ trợ. 
Ông Kết tiến hành ép tim kết hợp với bóp bóng Ambu, tỷ lệ 4:1 nhưng tình trạng bệnh nhân xấu đi. Ông Kết tiếp tục tiêm Adrenalin, tổng số Adrenalin đã dùng là 22 ống. Bệnh nhân tím tái và ngừng thở, ngừng tim vào hồi 20 giờ 30 phút tại phòng khám. Xe cấp cứu 115 đến xác định bệnh nhân đã tử vong lúc 20 giờ 35 phút.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI