Vụ tranh chấp tài sản sau hôn nhân của “cựu” vợ chồng chị M. (sinh năm 1982) - anh T. (sinh năm 1981) ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM là một trong những vụ điển hình cho những “tranh chấp không khoan nhượng”. Nhìn hai người ở tòa án, ai cũng tiếc, vì họ đẹp đôi và có hai đứa trẻ xinh xắn lên tám tuổi, sáu tuổi.
|
Khó mà tin họ từng rất yêu thương nhau (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Anh chị yêu nhau gần bốn năm đại học. Cuộc hôn nhân của hai người càng viên mãn khi sinh được một trai, một gái. Để vun vén gia đình cho con gái, cha mẹ của chị T. có làm hợp đồng cho tặng vợ chồng chị căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Kiệm (TP.HCM). Sau khi người bố mất, người mẹ đi nước ngoài định cư cùng niềm tin rằng, với cơ ngơi mình để lại cho vợ chồng con gái, giúp các con đỡ vất vả mưu sinh và vợ chồng con cái có nhiều thời gian cho nhau hơn.
Thế nhưng, những rạn nứt nhỏ trước kia của vợ chồng giờ thành “không thể chấp nhận”. Vợ cho rằng chồng bủn xỉn, tiền đong gạo phát cho vợ. Còn chồng cho rằng vợ ham vui, hai con còn nhỏ mà khi bạn bè rủ đi cà phê, vợ khóa cửa nhốt con trong nhà để đi chơi với bạn. Ngoài ra, chồng cũng tố vợ “lăng nhăng” và bằng chứng là những tin nhắn mùi mẫn với người lạ.
Cả hai cùng bật lên câu “ly hôn đi!”, nhưng nhìn hai đứa bé xinh như thiên thần, anh T. dẹp tự ái đàn ông. Vợ chồng ngồi lại bộc bạch nỗi lòng, mong muốn “nửa kia” thay đổi. Sau đó, “gia quy” được cả hai thông qua. Theo đó, chị T. ở nhà nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, không được bỏ con cái ở nhà để đi cà phê, không nhắn tin có thể gây hiểu lầm với người khác giới… Anh T. mỗi tháng phải đưa vợ 20 triệu đồng tiền chợ và chi tiêu áo quần, sữa tã cho con, đi làm về anh phụ vợ dọn dẹp nhà cửa…
Một tháng đầu, “gia quy” được hai bên tuân thủ triệt để. Nhưng sau đó, anh T. cho rằng vợ xài hoang phí, mua sắm đồ không cần thiết nên cắt giảm chi tiêu. Chị M. cho rằng chồng không giữ lời nên cũng lơ luôn bảng cam kết.
Mâu thuẫn ngày càng lớn và anh chị thuận tình ly hôn. Con cái, tài sản hai bên tự thỏa thuận. Chừng một năm sau, anh T. kiện vợ ra tòa tranh chấp tài sản sau ly hôn. Anh T. yêu cầu chia căn nhà theo tỷ lệ vợ 6 - anh 4. Chị M. giãy nảy: “Đó là căn nhà của cha mẹ tôi cho mà”. Anh T. thừa nhận đúng là căn nhà được ba mẹ vợ tặng, nhưng tặng cho hai vợ chồng nên anh có quyền thừa hưởng. Hơn nữa, anh cũng đã nhiều lần trả tiền cho mẹ vợ.
Anh T. nói: “Tôi không có tiền để trả đủ căn nhà, nhưng tôi có đưa mỗi lần một ít cho ba mẹ vợ. Tuy nhiên, việc này không có giấy tờ chứng minh”. Vì vậy, anh T. cho rằng anh chỉ yêu cầu hưởng 40% là đã nghĩ cho vợ cũ. Anh lập luận: “Tôi và vợ cũ là đồng sở hữu căn nhà và chia đôi là đúng pháp luật”. Chị T. vẫn không đồng ý, chị cho rằng, vì sợ con rể buồn nên ba mẹ chị mới để cho cả anh T. đứng tên cùng, và cha mẹ chị có ràng buộc là nhà để ở chứ không được bán. Tuy nhiên, sự ràng buộc này chỉ bằng miệng, không có giá trị pháp lý. Hai bên không ai chịu ai, nên đều thuê luật sư vào cuộc.
Đến lúc này, anh T. giận vợ tham, cố tình kéo dài vụ tranh chấp nên thay đổi yêu cầu chia tài sản từ 40% lên 50%. Đồng thời, anh cũng yêu cầu chia đôi tiền cho thuê nhà bao năm qua vợ chiếm giữ, khoảng hơn 1 tỷ đồng (mỗi tháng cho thuê 30 triệu đồng). Vì mỗi bên đều không nhượng bộ và liên tục đưa ra chứng cứ mới, thay đổi yêu cầu nên vụ việc kéo dài.
|
Khi không đưa ra được thoả thuận chung, các vụ việc tranh chấp tài sản, tranh chấp con thường kéo dài mệt mỏi cho đôi bên (Ảnh mang tính minh họa - Our-Team) |
Cuối cùng, Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận xử sơ thẩm và tuyên án chia đôi căn nhà. Còn phần tiền thuê nhà, anh T. rút lại yêu cầu, xem như bù vào phần thời gian qua anh không cấp dưỡng cho con. Từ một tình yêu đẹp, hết lòng vì nhau, vậy mà chưa đầy mười năm chung sống, chị M. - anh T. đã trở thành kẻ thù không đội trời chung, dù họ vẫn còn hai đứa con thơ dại đang cần tình thương của cha lẫn mẹ.
Kết hôn - chẳng ai muốn ly hôn, thế nhưng cuộc đời là những biến số và không ai biết trước được điều gì xảy ra. Do vậy, để tránh rắc rối về sau thì ngay từ đầu các đôi vợ chồng nên minh bạch, rõ ràng, nhất là tài sản được tạo lập trước khi kết hôn, hoặc được cho tặng. Có rất nhiều trường hợp, đến khi ra tòa, một bên gần như mất trắng vì tài sản chung của vợ chồng, nhưng nhờ chị em vợ/chị em chồng đứng tên giùm. Hoặc có những tài sản đã chuyển nhượng rồi, nhưng chưa kịp sang tên, và vì là người thân nên không làm giấy tờ, đến khi hôn nhân trục trặc, một bên trở mặt thì bên còn lại thua trắng.
Trong đời sống hôn nhân, nếu không đi được cùng nhau đến ga cuối, vợ chồng nên chia tay văn minh, không vì bản thân mình, thì cũng vì con cái. Bởi những đứa trẻ lớn lên, để phát triển toàn diện, ngoài chăm sóc về thể chất, chúng cần có đủ tình yêu thương của cha mẹ.
|
Ngày xưa hạt muối còn cắn đôi vì thương nhau, khi ly hôn, họ không muốn nhường nhau một chút nào (Ảnh mang tính minh họa - PressFoto) |
Hơn chục năm lần theo chồng để gặp con
Khốc liệt không kém là cuộc chiến giành con. Có rất nhiều người mẹ được tòa án phán quyết được quyền nuôi con, nhưng người cha đã ôm con đi giấu. Như chị Trần Cẩm Hồng ở Tiền Giang đã hơn chục năm miệt mài đi tìm cậu con trai mà chồng đã đem giấu khi mới hai tuổi. Chị khóc sưng cả mắt, đến nhà chồng cũ van xin để được gặp con, nhưng luôn bị từ chối. Chị bỏ việc mua bán trái cây ở chợ, chỉ cần nghe ai chỉ điểm ở đâu có đứa trẻ giống con chị, giống chồng chị là chị Hồng đi tìm.
Có lần, vừa gặp con, chị chưa kịp nắm tay con, thì chồng đã ôm con lên xe máy chạy mất, chị đuổi theo không kịp. Chồng chị Hồng làm nghề xây dựng, nên chị mày mò theo tất cả công trình xây dựng của anh. Cứ gặp ai nhà đang xây, là chị lân la hỏi thăm, đưa hình chồng, hình con hỏi. Có lần, vì đuổi theo chồng và con trai mà chị bị xe tông, chấn thương nặng ở vùng chậu, phải cắt bỏ tử cung.
Chị Hồng tâm sự: “Nhớ con, có những lúc em muốn hóa điên, em không còn muốn sống nữa. Nhưng chưa gặp lại con, em chết không nhắm mắt”.
Thùy Dương