Từ việc tranh của danh hoạ Nguyễn Gia Trí bị làm hỏng: Lo ngại cho công tác bảo quản ở bảo tàng

24/04/2019 - 17:30

PNO - Không chỉ chưa đảm bảo đúng yêu cầu về cơ sở vật chất, chuyên môn của cán bộ phụ trách công tác bảo quản ở các bảo tàng hiện nay cũng rất đáng lo ngại.

Những ngày qua, câu chuyện bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí (được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) bị hư hại sau khi vệ sinh đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bức tranh được cố họa sĩ hoàn thành trong 20 năm, từ năm 1969 đến năm 1989. Đến nay chỉ mới khoảng 50 năm tuổi, còn khá trẻ và được đánh giá vẫn còn tốt về hiện trạng vật lý - trước khi được vệ sinh. 

Tu viec tranh cua danh hoa Nguyen Gia Tri bi lam hong: Lo ngai cho cong tac bao quan o bao tang
Bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng (ảnh dưới) sau khi được vệ sinh.

Nhưng đó không chỉ là câu chuyện riêng của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM mà từ đây, vấn đề về công tác bảo quản tại các bảo tàng Việt Nam bộc lộ sự yếu kém đáng lo ngại, không chỉ về cơ sở vật chất với các thiết bị thiết yếu như đèn chiếu, máy điều hoà, máy hút bụi... mà cả về chuyên môn của những người phụ trách bảo quản.

Với điều kiện cơ sở vật chất để bảo quản tranh của các bảo tàng hiện nay, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng đã tiến bộ hơn thời gian trước rất nhiều. Nhưng, dù đã tiến bộ hơn, điều kiện đó vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tại, kho bảo quản tranh ở các bảo tàng đều chỉ dừng lại ở việc sử dụng được chứ chưa đủ chuẩn.

“Với từng loại tranh, chúng ta đều cần ánh sáng, đèn chiếu, điều hòa nhiệt độ phòng, không gian xây dựng khác nhau, theo đúng chuẩn từng loại vật liệu. Nhưng giữa chuẩn, giữa mong muốn và thực tế bảo quản ở các bảo tàng của Việt Nam vẫn còn nhiều khác biệt. Vì thế, chỉ có thể nói việc bảo quản nay đã tốt hơn trước, chứ chưa thể đạt chuẩn như mong muốn. Bảo tàng nào cũng mong muốn được đầu tư thiết bị nhưng kinh phí còn eo hẹp là vấn đề mấu chốt”- ông Vi Kiến Thành chia sẻ.

Tu viec tranh cua danh hoa Nguyen Gia Tri bi lam hong: Lo ngai cho cong tac bao quan o bao tang
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Dẫn chứng cụ thể về vấn đề này, ông Thành cho biết việc duy trì máy lạnh, máy điều hoà không khí ở các bảo tàng xuyên suốt 24/24 cũng đã là chuyện khó vì gánh nặng kinh phí, chứ chưa tính đến việc đầu tư thiết bị, đèn chiếu chuyên nghiệp, tối tân, phù hợp với từng chất liệu. 

Theo đánh giá của hoạ sĩ Phạm An Hải, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam gây khó khăn hơn so với các nước ôn đới trong việc bảo quản tranh. Tuy nhiên, điều kiện nhiệt độ, không khí, độ ẩm... của bảo tàng khi được hỗ trợ bởi các thiết bị cũng không phải quá khó để việc bảo quản được tốt. Vì thế, việc một bức tranh lớn, có giá trị bị ảnh hưởng ngoài tác động của thời gian, phần nào cũng phản ánh công tác bảo quản chưa thực sự tốt. “Trên thế giới, có những bức tranh hàng trăm năm tuổi vẫn có thể bảo quản, vệ sinh, phục chế tốt thì dấu hỏi lớn là tại sao chúng ta không làm được với bức tranh chỉ vài chục năm như thế”, họa sĩ Phạm An Hải đặt vấn đề, về bức Vườn xuân Trung Nam Bắc.

Đó là chưa kể, nếu cơ sở vật chất là yếu tố nền thì con người mới thực sự giữ vai trò quyết định trong công tác bảo quản tranh ở bảo tàng. Hiện tại, Việt Nam đã nằm trong Hiệp hội Bảo tàng ICOM của thế giới và châu Á nên có những thuận lợi nhất định khi được tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ những cuộc hội thảo, trao đổi, tập huấn, đưa người đi học ở nước ngoài hay chuyển giao công nghệ giữa chuyên gia nước ngoài với Việt Nam trong công tác bảo quản. 

Tuy nhiên, bấy nhiêu cũng không đủ để đáp ứng được yêu cầu về mặt nhân lực trong công tác bảo quản ở các bảo tàng hiện nay dù trong 2 năm 2017, 2018 đã có một số đợt tập huấn về việc tu sửa, phục chế, trưng bày ở các bảo tàng đã được tổ chức nhờ sự hỗ trợ của nhiều đơn vị quốc tế đến từ Úc, Đức... Không chỉ các đợt tập huấn thường diễn ra ngắn ngày (từ 3-7 ngày, hoặc nhiều hơn là 10 ngày), không thường xuyên mà học viên có ít điều kiện tiếp xúc thực tế mà chủ yếu thông qua tài liệu, kiến thức, kinh nghiệm lý thuyết ở mức độ khái quát.

Tu viec tranh cua danh hoa Nguyen Gia Tri bi lam hong: Lo ngai cho cong tac bao quan o bao tang
Việc đào tạo cán bộ bảo quản tranh nói riêng và ở các bảo tàng nói chung vẫn còn nhiều tồn tại.

Việc đào tạo ở các trường đại học vẫn còn xem nhẹ công tác bảo quản, chỉ giới thiệu ở mức sơ lược cho sinh viên. Trong khi đó, ở Mỹ, đối với một cán bộ mới tốt nghiệp đại học, để được công nhận chức danh cán bộ khoa học bảo quản tranh phải trải qua 6 năm công tác thực tiễn; đối với người có trình độ thạc sĩ thì cần 4 năm và tiến sĩ cần 2 năm, được chia theo từng phân nhánh, nội dung cụ thể. 

Hoạ sĩ, thạc sĩ Phạm Hà Hải- chuyên viên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nguyên cán bộ nghiên cứu mỹ thuật hiện đại, nguyên thư ký hội đồng khoa học Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam- nhìn nhận về thực tế đang diễn ra: “Việc có cán bộ quản lý, bảo quản chuyên sâu là điều bảo tàng nào cũng cần. Chương trình đào tạo lâu dài này cũng từng được đề xuất để thực hiện tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”.

Anh cũng cho biết thời điểm còn công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng thường xuyên cử người tham gia các khoá đào tạo nói trên, và có xu hướng đẩy mạnh. 

Tu viec tranh cua danh hoa Nguyen Gia Tri bi lam hong: Lo ngai cho cong tac bao quan o bao tang
Hoạ sĩ, thạc sĩ Phạm Hà Hải, chuyên viên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. 

Chính sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu chuyên môn của nhân sự bảo quản mà bức tranh của Nguyễn Gia Trí đã bị hỏng, dù rằng tỷ lệ hỏng vẫn còn đang được phân định nhưng đó là điều rất khó chấp nhận. 

“Công tác bảo quản ở bảo tàng hiện tại chưa chuyên nghiệp. Nếu đủ chuyên nghiệp thì sẽ không mời người không chuyên nghiệp để gây ra sự việc như vừa qua. Đây chỉ là một phần thực trạng. Những hậu quả sẽ còn diễn ra dài dài nếu cứ phân bổ người đứng đầu mà chỉ nhìn vào lý lịch, chứ không thẩm định chuyên môn tốt”, hoạ sĩ Uyên Huy- Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM bức xúc.

Có lẽ, nếu không nhanh chóng có một sự cải thiện, thay đổi, những giá trị bị làm hỏng sẽ không chỉ dừng lại ở bức Vườn xuân Trung Nam Bắc.

Bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của cố hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thực hiện việc tháo dỡ, vệ sinh từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2019. Sau tết Nguyên đán 2019, bức tranh được treo lên lại. Ngay sau khi treo lên, bức tranh bị phát hiện tranh đã bong tróc nên bảo tàng thành lập hội đồng thẩm định hư hại. Tại cuộc họp này, họa sĩ Nguyễn Trung Tín chỉ ra lỗi của quy trình vệ sinh là do sử dụng bột chu để đánh bóng mặt tranh. 

Một số họa sĩ đánh giá tranh bị hỏng khoảng 10%. Nhưng họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, học trò kề cận của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí cho biết tranh có thể bị hỏng nhiều hơn thế. Trong khi đó, họa sĩ Siu Quý, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhận định bức tranh mất đến 70% cái thần tinh tuý.

Đáng nói ở đây, Vườn xuân Trung Nam Bắc được công nhận là bảo vật quốc gia từ 2014 nhưng mãi hơn 2 tháng kể từ khi sự việc xảy, đến ngày 23/4, Bộ VH-TT&DL mới có công văn gửi Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục di sản; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam yêu cầu kiểm tra việc bảo quản này. 

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI