Không phải chuyện mới
Thắp bao nhiêu nhang (hay còn gọi là hương) mới đúng không mới; song năm nào, dường như cứ đến hẹn lại lên, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, câu chuyện này lại trở lại. Đó là thời điểm, người dân tấp nập đi lễ cầu phúc, cầu an và không khó để bắt gặp cảnh người dân thắp cả bó nhang nghi ngút, khấn vái xì xụp. Ở một số nơi, số người đi lễ quá đông, mỗi người lại thắp cả bó nên nhang chưa kịp cháy đã nhanh chóng bị rút ra, nhường chỗ cho số nhang mới thắp vào.
Trước việc thắp nhang không có kiểm soát của người dân, gây ô nhiễm không khí và thị trường nhang trôi nổi với hàng trăm nhãn hiệu chứa nhiều thành phần hóa học và các chất gây hại cho cơ thể; vài năm gần đây, một số địa điểm chùa, đền, miếu… đã bỏ thắp nhang, thay bằng nhang điện.
|
Theo tập tục truyền thống, thắp một nén hay ba nén nhang đã đủ tỏ lòng thành kính với tổ tiên, thần, Phật - Ảnh: Đậu Dung. |
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu văn hóa lại không đồng tình với sự thay thế này. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng, nhang điện là hình tướng của nhang đốt và hoàn toàn không hội đủ các thành tố cơ bản của thứ vật phẩm đảm bảo “công năng tâm linh” như truyền thống của việc thực hành nghi lễ. Việc dùng nhang điện hay hoa nhựa chỉ có chức năng trang trí cho nơi thờ tự mà thôi.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận định, việc thắp nhang là một nét văn hóa có từ lâu đời, không nên cấm. Điều quan trọng ở đây, theo ông, là việc thực hành thắp nhang có theo đúng quy định ở đình, chùa, miếu… hay không. Nếu thực hiện đúng, không nhất thiết phải thay bằng nhang điện mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng chỉ ra: “Nên chăng, người dân đi chùa cũng cần trang bị cho mình những hiểu biết nhất định để thực hành văn hóa cho đúng”.
Thắp nhang như thế nào cho đúng?
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng lí giải tập tục truyền thống thắp một nén hay ba nén nhang đã đủ tỏ lòng thành kính với tổ tiên, thần, Phật:
“Số Một được coi là cơ sở và là điểm xuất phát, khởi đầu của bất cứ sự việc, sự việc nào đó. Ở đây, nó bước đi từ không đến có. Thắp một nén nhang cũng đã biểu thị rõ ràng sự có, khu biệt với sự không. Cái nghĩa lý của một nén nhang là sự “có còn hơn không". Số Một còn là bản nguyên, từ Một mà mọi dạng biểu hiện được khởi sinh… để rồi trở về một khi quá trình/ chu kì phát triển của nó kết thúc. Số Một là con số thiêng, là con số “biểu tượng thống nhất hóa”, chứa đựng năng lượng tâm linh cực mạnh.
Trong khi đó, số Ba là kết quả của phép 1+2. Dưới cái nhìn biểu tượng, một tách thành hai, cả hai kết hợp với nhau/nhập vào con đẻ/kết quả của nó, đứa con này tích hợp được cả hai phẩm chất của cha lẫn mẹ giống hệt con số Ba là tổng hợp thể của số Một và số Hai. Số Ba là con số tổng hợp tính “Tam – Nhất” của mọi sinh linh, được coi là cội nguồn, là tổng hợp của các mặt/các thành phần đối lập. Do đó, ở hầu hết các nền văn hóa, đây là một con số cơ bản – được hiểu là con số chỉnh, biểu hiện của sự toàn thể, sự hoàn thành. Ngoài ra, nó còn biểu trưng cho cái tối đa. Thường nói “quá tam ba bận”, “ba chìm bảy nổi” đều xác định số Ba là cực hạn của sự việc. Trong đời sống, cũng như trong nghi lễ, ta thấy rất nhiều biểu hiện ví dụ: dâng lễ vật, cúng thần, Phật đều ba lần (sơ hiến, á hiến, chung hiến), việc đi kinh đàn của nhà chùa cũng diễn ra ba vòng, việc bái lạy thần, Phật cũng ba lần (nhứt bái, nhị bái, tam bái)…”.
|
Số nhang thắp vào lư nhang ở Hội quán Ôn Lăng ngày mồng 6 Tết Nguyên đán 2020 nhiều đến nỗi, hai người rút đi mới kịp - Ảnh: Đậu Dung |
PGS.TS Trần Văn Ánh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá TP.HCM cho rằng: “Đến chùa, mỗi người chỉ nên thắp tối đa một nén nhang, không phải thắp nhiều thì tam thần sẽ nghe được lòng thành nhiều. Hay không thắp nhang cũng được, chỉ cần hướng tấm lòng mình về phía phật và thành tâm cầu nguyện là được. Càng đốt nhiều, hình ảnh khói bay nghi ngút, khấn bái trong cơn sùng tín trông rất phản cảm”.
Về việc do số người đi lễ quá đông, mỗi người lại thắp cả bó nên rốt cuộc nhang chưa cắm vào lư được bao lâu thì nhanh chóng đã bị rút ra, nhường chỗ cho số nhang mới thắp vào, ông Ánh đặt câu hỏi: “Có phải vì muốn Phật, thần nghe được lòng thành hay chỉ làm hình ảnh văn hoá vốn đẹp lại trở nên xấu xí?”. Theo ông, “hành vi thể hiện văn hoá tín ngưỡng chỉ nên phát ra từ lòng thành, không từ hình thức bên ngoài và nên chăng, người dân phải hiểu, có đốt bao nhiêu nén nhang mà tâm không thành, thì có làm gì cũng không có ý nghĩa”.
Từng có cơ hội đi nhiều nơi, quan sát cách người dân các nước thực hành văn hóa tại các chùa, đình, đền… PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc – những quốc gia có nhiều nét văn hóa giống với Việt Nam, người ta cũng chỉ thắp một nén nhang bên ngoài hoặc nơi thờ tự thắp nhang chung, người dân đến không cần phải thắp nhang nữa, chỉ cần thỉnh nguyện.
“Quan trọng là thành tâm. Thần, Phật ở trong tâm người. Đó là văn hóa quan trọng nhất. So với ngày trước, giờ đây, số người đi lễ càng ngày càng đông. Tránh gây ô nhiễm, chỉ nên thắp một nén", ông Nguyễn Văn Huy nói.
Đồng tình với các ý kiến trên, thầy Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá, Gò Vấp, TPHCM cũng đưa ra lời khuyên: “Mỗi người đến chùa nên thắp một cây hương với lòng thành kính, không nên đốt nhiều nhang tại chùa, vì ngoài việc gây ô nhiễm thì điều này không thể hiện chúng ta thành kính hơn hay tỏ thái độ mong cầu hơn”.
|
Người dân cũng nên trang bị hiểu biết cơ bản để thực hành văn hóa cho đúng - Ảnh: Đậu Dung |
Xây dựng văn hóa đi chùa và có chế tài nghiêm
Từ câu chuyện thắp nhang thiếu kiểm soát nói trên, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, chúng ta cần xây dựng văn hóa đi lễ.
“Chúng ta hô hào xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện hành vi ứng xử trong chùa, đình… nhưng đó là những cuộc vận động thiếu các chế tài nghiêm túc. Ở các nước, chế tài rất nghiêm khắc. Phải chăng, chúng ta dần dần cũng phải có những chế tài cụ thể đối với những hoạt động như thế này để những chế tài đó đi vào thực tiễn, trở thành nếp sống văn hóa, ứng xử bình thường”, PGS.TS sĩ nói.
Theo ông, chuyện thắp nhang phản cảm nói trên chỉ là một ví dụ về thực hành văn hóa mà không có văn hóa đó. Vận động bằng miệng là tốt, nhưng nếu có chế tài cụ thể, những nơi thờ tự nghiêm túc thực hiện và quản thúc người dân thực hiện quy định, thì khi đó, chúng ta mới trông chờ vào những ứng xử văn hóa không còn phản cảm và phản văn hóa nữa.
Đậu Dung – Diễm Mi