|
Họa sĩ Đoàn Quốc bị ê-kíp phim Cố du kiện vì cho rằng anh "đạo" ý tưởng, bố cục |
Chưa kịp vui lại ồn ào
Việc nhà đấu giá hàng đầu thế giới Sotheby’s tổ chức sự kiện triển lãm phi thương mại đầu tiên tại Việt Nam vào trung tuần tháng 7 vừa qua đánh dấu một bước tiến mới trong thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Dĩ nhiên, với các nhà kinh doanh, lợi nhuận là yếu tố quan trọng hàng đầu. Không dừng lại ở đó, môi trường kinh doanh phải thực sự lành mạnh, trong đó luật pháp phải được thượng tôn.
Nhưng mới đây, một sự việc ồn ào xảy ra làm xôn xao giới mỹ thuật. Họa sĩ trẻ Đoàn Quốc, một trong những họa sĩ được đánh giá cao trong nhóm họa sĩ 9X, vướng lùm xùm đạo ý tưởng.
Bức tranh Góc khuê phòng của Đoàn Quốc bị ê-kíp phim ngắn Cố du tố đạo ý tưởng, bố cục. Tranh của Đoàn Quốc được giới thiệu năm 2022, còn phim đã ra mắt vào năm 2020. Ê-kíp phim hiện đã đâm đơn kiện Đoàn Quốc. Còn họa sĩ trẻ cho biết đã tham vấn luật sư, nhờ giới chuyên môn vào cuộc thẩm định.
Trước đó, hai bên đã từng trao đổi, làm việc nhưng không đi đến kết quả. Sự việc một lần nữa đặt ra câu hỏi về vấn đề bản quyền trong thị trường mỹ thuật Việt Nam.
|
Bức tranh của Đoàn Quốc và bối cảnh trong phim ngắn Cố du |
Học hỏi không sai nhưng…
Ê-kíp phim Cố du nói Đoàn Quốc từng nhận sai vì lấy bối cảnh phim làm bối cảnh cho tranh, nhưng không có động thái giải quyết chân thành. Còn Đoàn Quốc cho biết tham khảo nhiều phim, ảnh, trong đó từng xem qua Cố du, sau đó lấy cảm hứng để sáng tác. Anh nghĩ mô-típ trong tranh khá quen thuộc, mang tính dân gian, truyền thống nên không xin phép.
Nếu sự việc diễn tiến như đúng kế hoạch của phía ê-kíp Cố du thì đây là lần hiếm hoi một vụ kiện về tác quyền liên quan đến lĩnh vực mỹ thuật xảy ra tại Việt Nam.
Sau khi quan sát tác phẩm của Đoàn Quốc và hình ảnh trong phim Cố du, họa sĩ Phạm An Hải đưa ra nhận định ban đầu, rằng tranh có sự ảnh hưởng nhất định từ cảnh trong phim. Theo anh, sự kế thừa, ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi trong việc sáng tạo, miễn không sao chép, đạo nhái, lặp lại những gì đã được sáng tạo. Và trong trường hợp này, đoàn phim cũng cần chứng minh được sự độc quyền về hình ảnh để bảo vệ quan điểm được đưa ra.
Trong khi đó, nhiều họa sĩ khác khi biết câu chuyện này đã từ chối bình luận. Họ đều có chung quan điểm khi mang sự việc đến cửa tòa án, thì kết luận của tòa sẽ là quyết định cuối cùng. Nhưng chắc chắn có một điều luôn đúng là khi lấy cảm hứng, tham khảo bất kể từ đâu đều phải xin phép, tôn trọng bản quyền.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chia sẻ: “Đoàn Quốc là họa sĩ trẻ tài năng. Câu chuyện này dù kết quả ra sao cũng sẽ làm ảnh hưởng nhất định đến sự nghiệp của Quốc. Đây là bài học cho tất cả. Sự cẩn trọng chưa bao giờ là thừa trong bối cảnh bản quyền ngày càng được xem trọng”.
|
Sự việc được đánh giá làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của Đoàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển |
Từ đây, một vấn đề lớn hơn được đặt ra, sự học hỏi đến đâu là điểm dừng trong nghệ thuật. Theo họa sĩ Quốc Huy, khi xem một phim, ảnh… từ đó nảy sinh ý tưởng, cảm xúc để thực hiện là điều bình thường. Nhưng việc sao chép, đặc biệt với những chi tiết mang tính biểu tượng, đặc biệt, độc quyền trên phim ảnh để biến thành tranh là điều khó chấp nhận.
Tuy nhiên, hiện tại, việc thẩm định mức độ học hỏi, tham khảo của các tác phẩm vẫn là điều tương đối khó khăn bởi thước đo phần lớn là định tính. “Giống 10% cũng là giống, 99% cũng gọi là giống. Chúng ta có thể chấp nhận mức độ giống đến đâu vẫn khó có câu trả lời chính xác, vì không có một quy chuẩn cố định nào cả”, họa sĩ Phạm An Hải nói.
Một họa sĩ cho biết, trong nhiều buổi nói chuyện chuyên môn giữa các họa sĩ, vấn đề này đã được mang ra bàn thảo, nhưng vẫn rất khó để có khung đánh giá chính xác. Đây cũng chính là kẽ hở để việc đạo, nhái ý tưởng diễn ra nhưng không thể xử lý xác đáng vì sự nhập nhằng.
Năm 2020, Hội Mỹ thuật TP. Cần Thơ quyết định thu hồi giải nhất với bức tranh Ngày thơ của họa sĩ Xuân Ca. Theo Hội Mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm có bố cục hai em bé, vị trí hình lu nước phía sau giống 90% ảnh chụp vào năm 1961 của nhiếp ảnh gia người Pháp Jack Garofalo. Tác giả Xuân Ca chỉ thêm một vài chi tiết nhưng không thay đổi bố cục chung.
Tác giả sau đó phản bác, cho rằng chỉ lấy cảm hứng từ bức ảnh, không lấy nét từ ảnh gốc, còn bố cục tự sáng tác. Tác giả cho rằng Hội Mỹ thuật Việt Nam không có chức năng kết luận mà việc này thuộc về cơ quan chuyên môn sở hữu trí tuệ.
Giữa ồn ào tranh luận đôi bên, Cục Bản quyền tác giả đã cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác giả Xuân Ca đối với tác phẩm nói trên. Hội Mỹ thuật TP. Cần Thơ có văn bản gửi Cục Bản quyền tác giả đề nghị thu hồi giấy chứng nhận. Sự việc cho thấy những quy định về tác quyền vẫn còn khá lỏng lẻo.
|
Bức tranh Ngày thơ của tác giả Xuân Ca (trái) và bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Jack Garofalo |
“Nghệ sĩ có lòng tự trọng rất cao, cái tôi cực lớn. Đây có thể là “bệnh” của nghệ sĩ. Tôi cho rằng khi thấy ai đó làm một điều gì hay rồi bắt chước theo thì cái tôi đó không lớn lắm. Dĩ nhiên, nghệ thuật có nhiều con đường để đi. Nếu không tìm được con đường thì lẫn vào đám đông. Nghệ sĩ phải tỉnh táo, biết mình cần làm gì để người trọng mình, và chính mình trọng mình”, họa sĩ Quốc Huy chia sẻ.
Tuy nhiên, để thị trường mỹ thuật phát triển trong sạch, lành mạnh thì lòng tin, niềm tin vào ý thức con người vẫn là nền tảng không vững chắc. Vấn đề bản quyền, pháp lý, làm sao để không còn làm xấu bộ mặt mỹ thuật Việt Nam, hẳn là câu hỏi cần có câu trả lời xác đáng.
“Vấn đề tác quyền ở Việt Nam vẫn nhức nhối nhiều năm qua. Trong sự việc của Đoàn Quốc, hai bên đều còn sống nên có thể giải quyết. Có rất nhiều trường hợp đạo, nhái, làm giả tranh Đông Dương, nhưng các tác giả đều đã qua đời. Chưa có trường hợp nào được xử lý, được pháp luật bảo vệ. Thiết nghĩ, đây cũng là vấn đề cần được quan tâm”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định. Những vụ kiện tác quyền thường mất vài năm có khi đến hơn chục năm để giải quyết. Kết quả, sự đền bù chưa chắc xứng đáng với thời gian, công sức bỏ ra. Nhưng chắc chắn sự mệt mỏi, căng thẳng là điều mà người trong cuộc phải đối diện. Đây cũng là điểm khiến nhiều người chấp nhận thỏa thuận, hoặc phớt lờ các vi phạm vì không muốn vướng vào các rắc rối. Nếu thực tế này còn tiếp diễn, việc làm lành mạnh môi trường nghệ thuật hẳn vẫn khó. |
Trung Sơn