Bệnh trở nặng vì ngại đến viện
Gần đây, nhiều bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí có trường hợp tử vong. Nguyên nhân do người bệnh lo ngại dịch COVID-19 nên hoang mang, không dám đến bệnh viện khám, dẫn đến việc bệnh trở nặng, khó điều trị.
Cách đây không lâu, bác sĩ chuyên khoa II Vương Trung Kiên - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) - cho biết bệnh viện có tiếp nhận một nam bệnh nhân 64 tuổi từng bị gout mãn tính, viêm loét dạ dày, suy thận mãn tính, không có tiền sử dịch tễ liên quan đến COVID-19. Trước đó, vì lo sợ nhiễm SARS-COV-2, bệnh nhân không đến cơ sở y tế để thăm khám định kỳ mà tự điều trị ở nhà bằng thuốc mua trên mạng.
|
Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Cao Cường - Khoa Sản, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) - tư vấn cho sản phụ đang theo dõi sức khỏe tại nhà |
Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân mới tới viện cấp cứu. Khi đến nơi, bệnh nhân đã ngưng thở, ngưng tim, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Sau 15 phút cấp cứu, bệnh nhân có mạch trở lại. Tuy nhiên, do mất máu quá nhiều, đến viện quá muộn, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương - cũng kể về trường hợp một bé trai ba tuổi (ở Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) có biểu hiệu đau bụng nhưng mẹ bé lại mua thuốc về nhà tự điều trị cho con. Khi thấy tình trạng bệnh của con nặng lên, người mẹ mới đưa con đến bệnh viện. Tại đây, bé trai được chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa, chậm chút nữa thì biến chứng nhiễm trùng huyết và sốc.
Từ những tin nhắn trong nước đến cuộc gọi cầu cứu… xuyên biên giới
COVID-19 đã và đang tác động lên mọi mặt của đời sống, xã hội, gây tâm lý lo lắng cho nhiều người khiến họ vô tình đánh mất cơ hội thăm khám, điều trị bệnh ở giai đoạn nhẹ.
Hiểu được tâm lý bệnh nhân, các y, bác sĩ đã tập hợp, tạo các mạng lưới tư vấn sức khỏe online miễn phí cho người dân thông qua các kênh mạng xã hội, điện thoại…
Con trai chị Q.T.V. (ngụ phường 21, Q.Bình Thạnh, TPHCM) mới ba tháng tuổi bỗng bị nổi mẩn đỏ, mụn nước khắp người. Chị V. được hàng xóm mách tắm các loại lá đắng, chát sẽ hết. Tuy nhiên sau khi tắm, không những tình trạng nổi mẩn của bé không được cải thiện mà còn trở nặng hơn. Vì TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội, lại thêm tâm lý lo ngại dịch bệnh, chị V. chần chừ chưa đưa con đi khám.
|
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia |
Mới đây, chị V. được người quen giới thiệu một bác sĩ chuyên khoa da liễu có hỗ trợ tư vấn, khám bệnh từ xa cho trẻ. Qua Facebook, chị V. kể quá trình diễn tiến bệnh, chụp ảnh vùng da tổn thương của bé cho bác sĩ xem. Căn cứ vào những mô tả tình trạng sức khỏe bệnh nhi, bác sĩ chẩn đoán bệnh đồng thời hướng dẫn chị V. mua thuốc thoa ngoài da cho bé và dặn sau một tuần liên lạc lại để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé.
Tìm đến mạng lưới tư vấn sức khỏe online với tâm lý hoang mang, chị L.N.O. (30 tuổi, ngụ Q.2, TPHCM) cho biết chị đang mang thai tuần thứ 38; do hàng xóm có ca mắc COVID-19 nên chị cũng được xét nghiệm nhanh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, phải đi cách ly tập trung. Vì không có triệu chứng nên chị càng lo lắng, không biết sẽ phải điều trị thế nào và chăm sóc sức khỏe ra sao để có sức đề kháng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Những thắc mắc của chị O. đã được các bác sĩ, chuyên gia bệnh hô hấp và sản phụ khoa tư vấn tận tình, hướng dẫn chị tự theo dõi sức khỏe, dấu hiệu sốt, khó thở, đau ngực, không thể uống nước, vỡ ối, chảy máu âm đạo… cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để xử trí.
Tranh thủ vài phút nghỉ ngơi ít ỏi tại Bệnh viện Dã chiến Cần Giờ, bác sĩ Nguyễn Khắc Huy (Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy), chia sẻ rằng không chỉ người bệnh trong nước có nhu cầu được bác sĩ tư vấn online mà cả những công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cũng tìm đến mạng lưới tư vấn của các bác sĩ.
Bác sĩ Huy cho hay: “Tôi khá ấn tượng với một bạn đang sống tại Nhật Bản, nhờ tôi tư vấn cho hai người em là F0 đang cách ly tại nhà. Hai F0 này hiện sốt cao, ho, đờm nhiều. Qua lời mô tả triệu chứng, tiền sử bệnh, các thuốc đang dùng… tôi tư vấn về tâm lý và cách điều trị thuốc tại nhà để bệnh nhân an tâm hơn. Sau hơn một ngày làm theo tư vấn, hiện triệu chứng bệnh của cả hai F0 đã giảm”.
Giúp dân bằng mọi hình thức có thể
Bác sĩ Nguyễn Khắc Huy chia sẻ, do anh đang làm nhiệm vụ chống dịch nên không có nhiều thời gian lên mạng xã hội. Chỉ đến khi được một đồng nghiệp giới thiệu, anh mới biết đến mạng lưới tư vấn sức khỏe online miễn phí cho người dân. Thấy được nhu cầu thiết thực này, anh quyết định tham gia hỗ trợ.
Theo bác sĩ Huy, trên diễn đàn, mọi người chủ yếu thắc mắc các vấn đề về dịch bệnh, về sức khỏe bản thân đang gặp phải nhưng không thể đi khám do thành phố đang giãn cách. Các ca như vậy sẽ nhắn tin qua số điện thoại, mạng Zalo hoặc tin nhắn Facebook cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ dựa vào những gì bệnh nhân mô tả (thuốc đang dùng, những lần đi khám trước ra sao…) để đưa ra lời khuyên, cách điều trị phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại.
“Đa số bệnh nhân cần tư vấn thường có dấu hiệu nhẹ hoặc mới có triệu chứng; cũng có trường hợp đang chăm sóc bệnh nhân nặng tại nhà vì chưa thể đưa vào bệnh viện, họ cần lời khuyên và sự trấn an. Với những trường hợp nhẹ, không khẩn cấp, bác sĩ sẽ hướng người dân mua thuốc điều trị tạm thời và khuyên sau khi hết giãn cách nên vào viện kiểm tra lại. Với những bệnh nhân có triệu chứng nặng, bác sĩ khuyên cần nhập viện theo dõi” - bác sĩ Nguyễn Khắc Huy cho hay.
|
Tranh thủ vài phút nghỉ ngơi ít ỏi, bác sĩ Nguyễn Khắc Huy tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người bệnh |
Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Cao Cường - khoa Sản, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) - cho biết là bác sĩ thì ai cũng thuộc lời thề Hippocrates. Tâm nguyện của bác sĩ là dùng những kiến thức y thuật đã được học để cứu giúp dân bằng mọi hình thức có thể, đặc biệt là người dân đang khốn khổ vì đại dịch. Nhằm thuận tiện cho người bệnh khi muốn được tư vấn trực tuyến, bác sĩ Cường cẩn thận soạn sẵn cú pháp để bệnh nhân nhập đủ thông tin cần thiết, sau đó bác sĩ sẽ trả lời theo vấn đề bệnh nhân cần tư vấn.
Bác sĩ thông tin: “Mỗi ngày, tôi nhận trung bình 50 tin nhắn và các cuộc điện thoại từ các bệnh nhân cần tư vấn. Tùy vào mô tả, chúng tôi sẽ nhận định đâu là tình trạng nguy hiểm cần vào bệnh viện ngay. Với các trường hợp khác, chúng tôi thường hướng dẫn cách theo dõi tại nhà, nếu nặng lên thì vào bệnh viện. Với một số bệnh lý thông thường, chúng tôi hướng dẫn cách theo dõi và dùng các loại thuốc đơn giản như thuốc hạ sốt, thuốc bổ...”.
Để phục vụ người bệnh ở xa, không thể đến bệnh viện khám, ngày 24/7, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - đã triển khai dịch vụ tư vấn trực tuyến miễn phí. Hiện có rất nhiều người bệnh đã kết nối Zalo, Messenger để được ông tư vấn. Theo bác sĩ Hưng, hầu hết những tin nhắn gửi tới là các thắc mắc về việc trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, các bệnh nội tiết rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, chậm lớn, rối loạn tiêu hóa ở trẻ... và nhiều thắc mắc khác về dinh dưỡng.
An Bình