"Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19": Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân F0 thở ECMO và khả năng phục hồi ra sao?

06/10/2021 - 08:16

PNO - Bệnh nhân ở giai đoạn thở ECMO tức bệnh đang rất nặng. Ngành phục hồi chức năng ở đoạn đầu thường bị nhầm lẫn với vật lý trị liệu.

 

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Bạn đọc Hoàng Vân (quận Tân Phú, TPHCM) hỏi: Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân F0 thở ECMO và khả năng phục hồi các chức năng hậu COVID-19 đối với nhóm bệnh nhân này là bao nhiêu?  

Thầy thuốc ưu tú - bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Quang Thanh, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, trả lời: Bệnh nhân ở giai đoạn thở ECMO tức bệnh đang rất nặng. Theo một nghiên cứu của nước ngoài được công bố vào ngày 12/4/2021, tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này là 45,9%. Tuy nhiên, số liệu này được thực hiện ở giai đoạn đầu của dịch COVID-19, nghiên cứu dựa trên một số ít bệnh nhân.

Gần đây, nhiều nghiên cứu từ các trung tâm chuyên về ECMO với số lượng rộng hơn thì tỷ lệ bệnh nhân điều trị ECMO tử vong ghi nhận 39%. Tỷ lệ này cho thấy nguy cơ tử vong ở nhóm này khá cao. 

Ngành phục hồi chức năng ở đoạn đầu thường bị nhầm lẫn với vật lý trị liệu. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự can thiệp nhiều và đây không phải “một chiếc đũa thần” để kỳ vọng sự phục hồi hoàn toàn. Tùy bệnh nhân, khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ có nhiều mức độ ảnh hưởng, một là không triệu chứng, hai là triệu chứng nhẹ với chỉ số SpO2 trên 96%. Nhóm này thường phục hồi tốt và gần như hoàn toàn.

Nhóm bệnh nhân COVID-19 bị ảnh hưởng ở mức độ vừa, SpO2 giảm dưới 96%, nhịp thở tăng… đồng nghĩa bắt đầu có hiện tượng bão cytokine và rối loạn đông máu, có thể chuyển nặng và nguy kịch. Hầu hết nhóm này đều có di chứng hậu COVID-19 và tùy mức độ mà việc hồi phục khác nhau.

Đơn cử, bệnh nhân sau khi cai được máy thở, thở từ 60l xuống 2l, phổi đã tổn thương thì không thể yêu cầu sự phục hồi hoàn toàn. Sự phục hồi của bệnh nhân dù một phần hay tiến triển dần cũng được xem là từng bước cải thiện, giúp đến gần hơn với sự hòa nhập cuộc sống.

Không ít bệnh nhân hậu COVID-19 vốn chỉ căng thẳng, mệt mỏi bình thường song các triệu chứng này cũng có thể đưa đến trầm cảm và thực tế, đã có bệnh nhân tự tử. Do đó, các bệnh nhân cần có các bài tập, thiết bị để đánh giá, phát hiện sớm. Ngay cả việc định lượng, xác định bệnh nhân có ý định tự tử cũng là một cấp cứu tâm thần kinh, từ đó can thiệp cải thiện phù hợp, kịp thời.

Chuyên mục “Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19” giải đáp thắc mắc của bệnh nhân liên quan vấn đề hồi phục sức khỏe hậu COVID-19. Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề mình đang mắc phải qua Đường dây khẩn của báo: 0966 18 27 27, 0913 15 93 15; hoặc gửi câu hỏi qua e-mail: toasoan@baophunu.org.vn.

Các câu hỏi của bạn đọc sẽ được chuyển đến đơn vị chuyên môn để giải đáp kịp thời. Nội dung hỏi - đáp này sẽ được chuyển tải trên trang Y tế - Sức khỏe (trang 7) báo in số ra các ngày thứ Hai, Tư, Sáu và trên Báo Phụ Nữ TPHCM điện tử: phunuonline.com.vn.

Phong Vân (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI