Tư vấn nguyện vọng tuyển sinh lớp 10: Đừng gieo căng thẳng đôi bên

05/04/2023 - 10:50

PNO - Còn tình trạng giáo viên chủ nhiệm “lời ra tiếng vào” về năng lực học sinh khi tư vấn nguyện vọng tuyển sinh lớp 10, thậm chí gợi ý học sinh viết đơn không thi tuyển.

 

Còn GVCN lời ra tiếng vào về năng lực học sinh khi tư vấn nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10
Còn giáo viên chủ nhiệm "lời ra tiếng vào" về năng lực học sinh khi tư vấn nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10

Lấy năng lực của học sinh để “lời ra tiếng vào”

Tâm M. - học sinh lớp 9 một trường THCS trên địa bàn TPHCM - bức xúc chia sẻ: “Em muốn đặt nguyện vọng 1 vào trường THPT yêu thích nhưng lại bị cô phản đối quyết liệt. Em chỉ mong muốn được học tại ngôi trường mình thích, đó là động lực cho em nỗ lực hơn chứ không bị người khác lấy năng lực của em ra mắng chửi và có lời ra tiếng vào với phụ huynh em…”.

Cá biệt hơn, thậm chí có học sinh còn bày tỏ việc bị giáo viên chủ nhiệm “ép viết đơn” không cho thi tuyển sinh vào lớp 10: “Cho em hỏi, giáo viên có được quyền cấm học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 không. Chuyện là cô bảo em nếu giữa kỳ trên trung bình 3 môn chính thì em sẽ được thi, nhưng khi em thi xong 3 môn chính đều trên trung bình thì nay cô gợi ý em viết đơn và không cho em thi” - em học sinh này kể.

Phụ huynh cần phải đồng hành cùng con, thay vì kỳ vọng
Phụ huynh cần phải đồng hành cùng con, thay vì kỳ vọng

Có con chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chị Hoàng Thị Hồng (ngụ TP Thủ Đức) rất lo lắng, luôn động viên con cố gắng học tập. 

Chị bày tỏ: Thời gian này, khi con đang tìm hiểu các trường THPT để đăng ký nguyện vọng thì giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nói năng lực con rất khó để đậu vào lớp 10, thậm chí có đậu cũng khó có thể theo học được. Giáo viên khuyên con nên viết đơn không thi tuyển sinh 10 để lựa chọn hướng đi khác như trường THPT ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX hoặc là trường nghề…

Giáo viên luôn so sánh năng lực học của con với mức điểm chuẩn của trường THPT các năm trước. Không những thế, còn “năm lần bảy lượt” điện thoại với phụ huynh về gợi ý không cho con tham gia thi tuyển sinh mà học theo các hướng học khác. 

“Con suy sụp, chán nản, không tin vào khả năng của bản thân. Bé thường buồn phiền nói với ba mẹ rằng: hay là ba mẹ cho con đi học nghề, chứ cô nói năng lực con không đủ vào trường THPT. Tôi cho rằng dù học sinh có sức học trung bình thì giáo viên chỉ đứng ở vai trò là giúp con nhìn ra năng lực, phối hợp với gia đình để cùng giúp con cố gắng phấn đấu, tự tin vào bản thân chứ không phải là “lời ra tiếng vào” với sức học của con…” - chị Hồng phàn nàn. 

So sánh tỉ lệ đậu tuyển sinh khiến nhà trường áp lực

Tất cả học sinh khối 9 đủ điều kiện đều có quyền quyết định tham gia thi tuyển sinh 10
Tất cả học sinh khối 9 đủ điều kiện đều có quyền quyết định tham gia thi tuyển sinh lớp 10

Phó hiệu trưởng 1 trường THCS tại quận 3 chia sẻ, mỗi mùa thi tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm rất áp lực về tỉ lệ học sinh đậu lớp 10. Nếu tỉ lệ học sinh khối 9 của trường dự thi càng cao thì tỉ lệ đậu tuyển sinh lớp 10 sẽ khó đạt theo tỉ lệ chung toàn quận, thậm chí có thể “vào danh sách những trường có kết quả đậu tuyển sinh thấp”.

“Hàng năm quận sẽ thống kê tỉ lệ đậu tuyển sinh lớp 10 các trường THCS trên địa bàn quận, đưa ra mức trung bình của quận, từ đó các trường tự soi vào. Nếu cao hơn mức trung bình đó thì tự hào, còn thấp hơn thì xem như chất lượng giáo dục của trường thua trường bạn…”.

Còn theo cô Vũ Thị Hường - Phó hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) - vai trò giáo viên chủ nhiệm trong tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 9 rất áp lực. Tư vấn làm sao để phụ huynh học sinh hiểu, nhìn ra năng lực của con em mình mà không cảm thấy đang bị thầy cô “coi thường”, học sinh không cảm thấy bị tổn thương là điều không hề dễ dàng…

Có trường hợp, phụ huynh gặp thẳng ban giám hiệu nói, con tôi phải thi trường này vì đây là ước nguyện của gia đình, cả ông bà, ba mẹ. Thầy cô tư vấn con tôi đổi nguyện vọng là không tôn trọng cả gia đình tôi…

“Không phải phụ huynh nào cũng cởi mở, quan tâm đến con theo đúng hướng đồng hành. Nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá lớn vào con, muốn con theo ước muốn của mình nên chưa thực sự thấu hiểu những tư vấn của giáo viên, dẫn đến mâu thuẫn giữa giáo viên và phụ huynh khi chọn nguyện vọng” - cô Vũ Thị Hường nhấn mạnh.

Giáo viên chủ nhiệm không được yêu cầu phụ huynh học sinh cam kết không tham gia thi tuyển sinh lớp 10 

Việc không tìm được “tiếng nói chung” trong công tác tư vấn phân luồng sau THCS, chọn nguyện vọng thi tuyển sinh vào lớp 10 giữa giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, học sinh là điều thường xuyên xảy ra. Phụ huynh đôi khi quá kỳ vọng vào con em mình, nên những tư vấn của giáo viên chủ nhiệm được cho là “không thỏa đáng”. Bản thân học sinh cũng chưa thực sự nhìn ra năng lực, mong muốn đặt nguyện vọng vào các trường vượt quá khả năng học tập.

Về phía giáo viên, việc tư vấn đa phần bằng trách nhiệm song cũng còn bộ phận mang tư tưởng bệnh thành tích, nặng nề trong công tác tư vấn. Khi không tìm được “tiếng nói chung” sẽ phát sinh mâu thuẫn.

Việc tư vấn nguyện vọng, phân luồng học sinh sau THCS là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, bên cạnh đó cộng hưởng trách nhiệm của gia đình và chính bản thân học sinh để chọn được nguyện vọng trường THPT, hướng đi sau THCS phù hợp với năng lực học tập, điều kiện gia đình của học sinh.

Muốn vậy, giáo viên chủ nhiệm cần phải có một nền tảng cơ bản, những tiêu chuẩn, hiểu biết về các hướng đi để giúp phụ huynh, học sinh nhìn ra năng lực, phối hợp với gia đình cùng định hướng cho học sinh. 

Mỗi học sinh khối 9 đều có quyền tham gia hoặc không tham gia vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tùy theo năng lực, định hướng của học sinh, gia đình. Giáo viên chủ nhiệm chỉ đóng vai trò tư vấn dựa trên năng lực học tập, phẩm chất của các em thể hiện trong môi trường học đường. Quyết định cuối cùng là của học sinh, phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm không được “ép”, không được yêu cầu phụ huynh học sinh cam kết không tham gia… 

 Võ Thiện Cang

(Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM)

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI