Tư vấn ngành học sai lệch tràn lan trên TikTok

23/03/2024 - 06:18

PNO - Thời điểm này, khi thí sinh đang tập trung chọn ngành xét tuyển đại học thì các “chuyên gia” tư vấn hướng nghiệp trên TikTok cũng hoạt động sôi nổi hơn. Có những video thu hút hàng chục ngàn lượt xem, tương tác. Tuy nhiên, trong đó có không ít thông tin sai lệch, khiến các trường đại học phải “giật mình”.

Nhiều nội dung về tư vấn ngành học, chọn trường… chưa chính xác, sai lệch đang phổ biến trên TikTok - Ảnh chụp màn hình
Nhiều nội dung về tư vấn ngành học, chọn trường… chưa chính xác, sai lệch đang phổ biến trên TikTok - Ảnh chụp màn hình

"Chém gió" tùy tiện

“Ngành sư phạm mầm non không cần học toán cao cấp. Sinh viên được học cách diễn xuất thảo mai, làm trò hề cho trẻ con và người lớn. Xinh và biết nịnh thì điểm cao. Nhược điểm là phải biết cầm kỳ thi họa, đối diện với 7749 con quỷ nhỏ với sức công phá mạnh”. Đây là nội dung tư vấn của một tiktoker có tài khoản daihoc... Video này đã thu hút hơn 33.000 lượt thích, hàng trăm bình luận có nội dung tư vấn các ngành học.

Với chủ đề "điểm mặt" những ngành nghề điểm đầu vào cực kỳ thấp, học phí cực kỳ rẻ và ra trường lương cực kỳ cao, tài khoản biquyetdo… mỉa mai khi cho rằng các ngành như sư phạm, luật, y dược… lấy điểm rất cao, học vất vả nhưng ra trường lương chỉ 2-4 triệu đồng/tháng.

Không chỉ nhận xét phiến diện, những video nói về “những ngành học đại học vô dụng nhất”, hay “những tấm bằng đại học vô dụng nhất” cũng thu hút lượng xem và tương tác rất lớn. Trong đó, tài khoản vincentlee… nói: "5 bằng đại học vô dụng nhất là: ngôn ngữ Anh, kế toán - tài chính, quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, marketing". Người này cho rằng, bằng đại học những ngành này không có giá trị vì: “không có một công việc cụ thể nào hết. Nếu như không cần bằng đại học của 5 ngành này mà vẫn làm trong những lĩnh vực đó được thì nó có phải gọi là vô dụng hay không”.

Hay tài khoản Huyd.. cho rằng nên tránh học những ngành như: quản trị, kinh tế, thương mại, vì đây là những ngành chung chung, học xong khó làm đúng chuyên ngành, bằng đại học cũng không có nhiều giá trị. Tuy nhiên trong cùng một đoạn video ngắn, “chuyên gia” này sau đó lại khuyên thí sinh vừa học ngành chuyên sâu vừa nên “học thẳng lên thạc sĩ kinh doanh cũng được”…

Cũng trên nền tảng TikTok, nhiều người nhận là “chuyên gia” tư vấn và đưa ra nhiều nội dung nhận định về ngành học như: tốp 10 ngành “hot” nhất trong 5-10 năm tới, tốp 10 ngành học có nguy cơ thất nghiệp cao nhất, con gái nên chọn học ngành nào để nhận lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, những ngành nghề giới trẻ nên tránh càng xa càng tốt…

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM - nhận định: “Nhiều khi chuyên gia của các trường đại học nói hàng giờ thí sinh không nghe, nhưng lướt TikTok các em lại tin vào những nội dung tư vấn này. Điều đáng lo ngại là nhiều thí sinh chọn ngành học dựa theo các “chuyên gia mạng”, dễ dẫn đến chọn ngành sai lệch”.

Chọn ngành dựa vào đâu?

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TPHCM) hồi đầu tháng 3/2024
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TPHCM) hồi đầu tháng 3/2024

Theo ông Phạm Doãn Nguyên, để hiểu được nội dung chương trình đào tạo và các vị trí việc làm một ngành học thì không thể nào đánh giá, nhận định trong một đoạn video ngắn. Ví dụ, ngành quản trị kinh doanh bị rất nhiều tiktoker nhận định là “ngành học vô dụng”, nhưng trên thực tế, học ngành này sinh viên được đào tạo chuyên sâu cách quản lý nhiều lĩnh vực như: nhân sự, kinh doanh tổng hợp, kinh doanh quốc tế, thương mại, truyền thông, marketing... Và không có nghĩa học ngành này là ra làm “sếp”, cử nhân có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau.

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) - cũng phản biện: nhóm ngành kinh tế, thương mại, marketing… không phải là những ngành học chung chung. Mỗi ngành học đều có chương trình chuyên sâu về ngành nghề đó, chỉ khi được đào tạo bài bản sinh viên ra trường mới đáp ứng được yêu cầu công việc trong mỗi lĩnh vực.

Ví dụ, với ngành kinh tế, sinh viên sẽ nắm được quy luật vận hành và những lĩnh vực chuyên sâu như: phân tích dữ liệu, thống kê, viết báo cáo và nghiên cứu kinh tế, quản lý tài chính và kinh doanh, đánh giá tác động chính sách kinh tế và phân tích thị trường… “Đây là ngành học rất quan trọng, nhu cầu nhân lực rất cao, không thể nói là ngành học chung chung được” - ông Cù Xuân Tiến nói. Tương tự, với ngành luật, thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường đại học Luật TPHCM - cho biết: trường có rất nhiều ngành, đều đào tạo chuyên sâu và sinh viên ra trường đều nhận mức thu nhập xứng đáng, phù hợp với công sức các em bỏ ra.

“Thực tế nghề nghiệp, mức lương và thu nhập tùy thuộc vào năng lực của mỗi người. Nếu bạn giỏi, doanh nghiệp sẽ trải thảm mời bạn về làm việc với mức lương tương xứng chứ họ không trả lương theo “mác” của ngành nghề” - ông Phạm Doãn Nguyên nói và khuyên phụ huynh, thí sinh nên tìm kiếm thông tin chính thống trên website tuyển sinh hay các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp của các trường đại học. Khi tham khảo thông tin trên mạng xã hội thì phải biết chọn lọc.

Để chọn được ngành phù hợp, thí sinh cần xác định mục tiêu của mình. Tự các em phải biết rõ năng lực, cá tính, sở thích của bản thân. Còn với công việc, các em có thể tham chiếu từ những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề mà mình muốn chọn, quan sát, trải nghiệm thực tế, tìm hiểu kỹ sự đa dạng ngành nghề, nhu cầu thị trường lao động...

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI