Tư vấn “mập mờ”, ép khách mua bảo hiểm sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng

03/01/2025 - 09:19

PNO - Từ 15/2, các hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc có hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng.

Tại Nghị định số 174 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành quy định, doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường... gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm sẽ bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng. Đối tượng vi phạm buộc hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.

Trường hợp, nếu không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua sẽ bị xử phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Nếu quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định sẽ bị phạt 80 - 100 triệu đồng - Ảnh: Thanh Hoa
Quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định sẽ bị phạt 80 - 100 triệu đồng - Ảnh: Thanh Hoa

Ngoài ra, nếu không cung cấp tài liệu hợp lệ trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm, không cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng, hoặc có hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng, doanh nghiệp cũng sẽ bị xử phạt từ 60 - 100 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu và giải thích đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm cho bên mua.

Hành vi quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt 80-100 triệu đồng.

Sau thời gian thị trường bảo hiểm phát triển nóng, Bộ Tài chính đã và đang tập trung thanh tra hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Trong năm 2024, Bộ Tài chính đã thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trước đó cơ quan này đã hoàn thành thanh tra 10 đơn vị bảo hiểm trong năm 2023.

Theo báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị trường bảo hiểm hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh. Trong đó, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, gồm 2 công ty trong nước (Bảo Việt, Bảo Minh), còn lại là đơn vị nước ngoài, liên doanh.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 67 cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày ngân hàng giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách. Dù vậy, các chiêu trò ép người vay mua bảo hiểm vẫn diễn ra. Nổi bật là việc khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ cho... người thân. Hay thay vì bán bảo hiểm liên kết đầu tư, phía ngân hàng luồn sang bán bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ... cho khách vay.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI