edf40wrjww2tblPage:Content
Hàng năm, một số trường ĐH, CĐ phải giải quyết cho các sinh viên xin chuyển ngành, chuyển trường, nghỉ học giữa chừng. Thực tế, có không ít sinh viên tiếp tục gắng gượng học khi không thể tìm thấy mục tiêu và hứng thú với ngành học.
Học sinh thiếu định hướng
Trước đây, công tác tư vấn tuyển sinh được “ngầm hiểu” xoay quanh chuyện giải đáp thắc mắc về quy chế, chỉ tiêu, cách xét tuyển, tỷ lệ đậu… Các trường ĐH tham gia tư vấn tuyển sinh theo hình thức đến thăm trường THPT, giới thiệu về trường, trả lời câu hỏi liên quan đến ngành đào tạo...
Theo cách đó, việc tư vấn tuyển sinh chỉ cần khởi động từ khoảng tháng Ba hằng năm, ngay trước khi học sinh điền hồ sơ tuyển sinh. Vài năm trở lại đây, công tác tư vấn mùa thi được mở rộng, cùng với nhiều hoạt động định hướng nghề cho học sinh.
Một Ngày hội tư vấn - hướng nghệp do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức.
Tại hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về công tác hướng nghiệp và tuyển sinh ĐH 2013-2014” vừa tổ chức, TS Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang nói: “Trường ĐH Văn Lang hàng năm phải giải quyết cho các sinh viên xin chuyển ngành, chuyển trường, nghỉ học giữa chừng, hay tệ hơn là tiếp tục gắng gượng học khi không thể tìm thấy mục tiêu và hứng thú trong ngành học”.
Có một thực tế là nhiều học sinh đã xong học kỳ I của năm lớp 12, nhưng không biết mình sẽ đăng ký dự thi ĐH ngành gì và trường nào, thậm chí nhiều em còn chưa xác định được mình sẽ thi khối nào. Trong chương trình Ngày hội tư vấn trước mùa thi 2013 của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TPHCM), khi tư vấn viên hỏi “Bao nhiêu bạn đã xác định được “địa chỉ” sẽ nộp hồ sơ dự thi ĐH?”, không quá 20% số học sinh có mặt trên sân trường giơ tay. Lúc ấy chưa đầy một tháng nữa là đến hạn nộp hồ sơ…
“Các trường ĐH, CĐ nên tập hợp làm một quyển cẩm nang thể hiện rõ các quy định học tập tại trường, từ đầu vào cũng như đầu ra của trường, học sinh thật sự rất cần những thông tin đó”. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng (TP.HCM). |
Cô Nguyễn Thị Mai Lan - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) cho biết: “Trường có phòng Tư vấn hướng nghiệp hoạt động suốt từ thứ Hai đến thứ Bảy. Tuy nhiên, thông tin về các trường ĐH, CĐ thì không đầy đủ. Công tác tư vấn tuyển sinh các trường ĐH triển khai xuống các trường THPT phải làm trải dài, đều đặn và nên đưa thông tin cho học sinh vào đầu năm học lớp 12. Lượng thông tin các trường đưa ra làm sao toát lên cái điều kiện đầu vào và đầu ra, cụ thể là việc làm như thế nào khi ra trường. Nhiều em đến đầu 12 mà chưa biết mình sẽ thi vào đâu”.
Một kinh nghiệm trong việc tìm thông tin, TS Hoàng Thị Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm thông tin trường ĐH Văn Lang chia sẻ: “Mỗi lần đi tư vấn tuyển sinh đến một trường THPT cùng lúc khoảng 15-20 trường CĐ, ĐH “hò hét” nói về mình thì đôi khi còn có hại hơn vì các em HS sẽ bị rối loạn vì phải xử lí cùng lúc nhiều thông tin. Chúng ta phải làm sao cho các em HS hiểu khả năng và mình phù hợp với trường nào. Các em HS có thể tìm hiểu thông qua website, email, điện thoại, hoặc trực tiếp đến tận các trường để hỏi”.
Giáo viên nghèo thông tin
Tại một hội thảo về tư vấn hướng nghiệp do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tổ chức với sự quy tụ của hơn 100 đại diện các Trường THPT từ Quảng Nam trở vào, đại diện nhiều trường cho rằng, không chỉ riêng học sinh mà ngay cả giáo viên phụ trách hướng nghiệp trong các trường THPT cũng rất mơ hồ, nghèo thông tin về ngành nghề đào tạo tại các trường ĐH, CĐ trên cả nước.
“Muốn hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả cần phải có giáo viên được đào tạo chuyên về hướng nghiệp. Giáo viên hướng nghiệp phải được đi thực tế, tham quan các trường đại học để nắm bắt ngành nghề khác nhau ở các trường như thế nào. Bên cạnh đó, cần có những buổi tập huấn cho giáo viên để trang bị những kỹ năng hướng nghiệp, thông tin ngành nghề ở tất cả các trường, xu hướng thị trường lao động... để giới thiệu cho học sinh”. Thầy Trần Việt Quốc, Trường THPT An Ninh (Long An). |
Đến Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cô Trần Thị Ngọc - giáo viên ngữ văn Trường THPT Lê Hoàn (Đức Cơ, Gia Lai), cẩn thận ghi chép và cố gắng quan sát thật kỹ các phòng thí nghiệm của từng khoa, cũng như thu thập thông tin ngành nghề để về giới thiệu cho học sinh vùng biên giới quá thiếu thông tin của mình. Cô Ngọc chia sẻ: “Công việc hướng nghiệp ở trường tôi do giáo viên kiêm nhiệm. Không ai có tài liệu, chưa ai được tập huấn bài bản nên quá thiếu thông tin về các trường ĐH để giới thiệu cho các em”.
Thầy Trần Việt Quốc - giáo viên dạy môn kỹ thuật, Trường THPT An Ninh (Đức Hòa, Long An), trăn trở: “Trường chúng tôi ở nông thôn nên cả thầy lẫn trò đều không rành lắm về hướng nghiệp. Hằng năm chúng tôi chỉ có tài liệu một số ngành như xây dựng, sư phạm... nên học sinh cũng chỉ biết một số ngành của một số trường thôi. Còn những ngành khác, ngành mới thì chưa được biết. Công tác hướng nghiệp cho học sinh ở trường chủ yếu dựa vào cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học - cao đẳng của Bộ GD-ĐT cộng với kinh nghiệm của giáo viên”.
Một số giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp ở các trường THPT cho rằng, hiện nay, khó khăn lớn vẫn là chưa ai được đào tạo bài bản mà chủ yếu “tự bơi là chính”. Thầy Hoàng Trọng Vĩnh - giáo viên môn toán Trường THPT Chu Văn An (Biên Hòa, Đồng Nai) - nhận định: “Không có chuyên môn hướng nghiệp nên giáo viên chỉ hướng dẫn theo kinh nghiệm của mình. Giáo viên nào biết nhiều thì chia sẻ nhiều. Giáo viên trẻ thì dựa vào bạn bè mình là sinh viên mới ra trường. Giáo viên lớn tuổi tham khảo kinh nghiệm của... con em mình đã thi đại học để hướng dẫn lại cho học sinh. Như vậy sẽ không bao quát hết được tất cả các trường”.
CÔNG CHƯƠNG