Tư vấn dành cho cha mẹ: Ứ nước màng...:"trứng"

25/02/2017 - 14:41

PNO - Bệnh này rất dễ bị nhầm thành thoát vị bẹn - một bệnh cũng hay gặp ở trẻ nhỏ.

Ngay từ những ngày đầu chăm con, vợ chồng tôi nhận thấy bìu của bé bên to bên nhỏ rất bất thường nhưng ai cũng bảo “trẻ trai nào mới sinh chẳng vậy”. Ðến khi bé được 17 tháng, tình hình vẫn không thuyên giảm. Ði khám ở bệnh viện, bác sĩ nói bé bị mắc bệnh tràn dịch màng tinh hoàn và cần phải mổ ngay. Con còn chưa biết nói mà đã phải động dao kéo, tôi lo vô cùng.

Bộ phận này lại rất quan trọng, “sai một li, đi một dặm” không biết chừng. Nói dại, lỡ con bị vô sinh, gia đình chúng tôi tuyệt tự...

(Một phụ huynh ở Thủ Ðức)

Tu van danh cho cha me: U nuoc mang...:
 

Tràn dịch màng tinh hoàn (ứ nước màng tinh hoàn) ở trẻ được chia làm hai loại:

1/ Tràn dịch màng tinh hoàn bệnh lý: thường do các bệnh viêm nhiễm nam khoa biến chứng như: viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, các bệnh lý ký sinh trùng giun chỉ dẫn đến tắc ống bạch mạch gây tràn dịch màng tinh hoàn.

2/ Tràn dịch màng tinh hoàn sinh lý: hay gặp ở khoảng 1/10 trẻ sơ sinh nam nhưng hầu hết các trường hợp này đều tự khỏi mà không cần chữa trị. Do thời còn nằm trong bụng mẹ, trẻ trai nào cũng có một ống nhỏ nối liền từ bụng tới phần bìu, khi sinh ra ống này bị bịt lại. Tuy nhiên, ở nhiều trẻ ống thông này còn nước, nước từ ổ bụng chảy xuống bìu khiến “trứng chim” của bé bị một lớp dịch bao bọc bên ngoài trông như một túi chứa dịch bên trong bìu, khiến bìu trông có vẻ bên to, bên nhỏ. Kích thước bìu to hơn so với bình thường tùy vào mức độ dịch nhiều hay ít, điểm đặc biệt là bìu sưng nhưng không đau.

Ðây là bệnh lành tính và khá phổ biến ở các bé trai, chẩn đoán chính xác bệnh bằng siêu âm.

Bệnh này rất dễ bị nhầm thành thoát vị bẹn - một bệnh cũng hay gặp ở trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai “món” này: Tràn dịch màng tinh hoàn thì “trứng chim” lúc nào cũng bị to, bên ngoài bóng dù bé ngủ hay thức, ăn uống hay chơi đùa… Ngược lại, nếu bị bệnh thoát vị bẹn, “trứng” của bé chỉ to ra những lúc bé khó chịu, quấy khóc, ngồi bô… Những khi bé nghỉ ngơi, nằm yên một chỗ, ngủ…“trái chanh” của bé lại hoàn toàn bình thường. 

Thường thì bệnh tràn dịch màng tinh hoàn sẽ tự khỏi, không cần chữa trị. Sau một tuổi, nếu vẫn còn dịch bao quanh tinh hoàn, có thể bé cần một phẫu thuật nhỏ, thường vào lúc bé được 12-18 tháng tuổi. Nếu không phẫu thuật, hai viên “bi” nằm trong bọc nước sẽ không phát triển được.

Các thầy thuốc chuyên khoa thường xử lý bằng phẫu thuật thắt ống thông, giải thoát hết nước ở màng tinh hoàn với thao tác đơn giản là rạch một vết nhỏ ở phía dưới bìu. Dịch xung quanh tinh hoàn sẽ được dẫn lưu, đường thông lên ổ bụng cũng được đóng kín do vậy dịch không tiếp tục đọng ở màng tinh hoàn. Ðây là một tiểu phẫu được thực hiện trong ngày, không cần nằm viện lâu. Bệnh này không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản cho bé trong tương lai và cha mẹ vẫn có thể trở thành ông bà nội như thường.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI