Tự uống thuốc cảm, người phụ nữ mắc hội chứng hoại tử da hiếm gặp

09/04/2025 - 18:56

PNO - Sau 1 ngày dùng thuốc cảm mua ở hiệu thuốc, người phụ nữ nổi ban đỏ, ngứa, sưng phù toàn thân…

Người phụ nữ bị loét miệng và sưng nề toàn thân - Ảnh: BVCC
Người phụ nữ bị loét miệng và sưng nề toàn thân - Ảnh: BVCC

Chiều 9/4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, khoa Nội tổng hợp của bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân nữ V.T.D. (26 tuổi, ở tỉnh Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng ngứa ngáy, sưng phù toàn thân, đỏ da, loét niêm mạc miệng, mũi và viêm kết mạc mắt, sinh dục.

Khai thác tiền sử bệnh nhân, khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bị đau răng và tự ý mua thuốc giảm đau tại hiệu thuốc gần nhà uống mà không thông báo với dược sĩ về việc mắc lupus ban đỏ đang điều trị. Ngày hôm sau, khi xuất hiện triệu chứng sốt, chị tiếp tục mua thuốc cảm về uống.

Sau 1 ngày dùng thuốc, bệnh nhân bắt đầu nổi ban đỏ, ngứa, sưng phù toàn thân, được đưa đến cơ sở y tế và được chẩn đoán dị ứng thuốc. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện mà còn nặng thêm nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dị ứng nặng với các triệu chứng phù nề, ngứa ngáy, đau rát nghiêm trọng toàn thân, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và ăn uống.

Đặc biệt, bệnh nhân nổi ban đỏ toàn thân, loét niêm mạc miệng, mũi và viêm kết mạc mắt, sinh dục. Đây là các dấu hiệu điển hình của hội chứng Stevens-Johnson (SJS), còn gọi là hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc trên nền có bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Tổn thương do dị ứng thuốc còn gây suy thận cấp, protein niệu cao kèm nhiễm trùng toàn thân rất nặng. Đây là phản ứng cấp tính nguy hiểm, đặc trưng bởi tình trạng hoại tử lan rộng và bong tách thượng bì. Các bác sĩ nhận định, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng.

Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện nhiều, ăn uống khá, tổn thương niêm mạc cải thiện nhiều, chức năng thận và tình trạng nhiễm trùng ổn định.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi đến khám, bác sĩ sẽ tư vấn dùng thuốc đúng cách, thời điểm sử dụng phù hợp cũng như cảnh báo các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Người bệnh cũng cần theo dõi các dấu hiệu bất thường sau khi uống thuốc và đến ngay cơ sở y tế nếu có triệu chứng nghi ngờ.

"Dị ứng thuốc có thể gây sốc phản vệ, phù nề thanh quản, bít tắc đường thở... thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Với các loại thuốc uống thông thường, cần theo dõi phản ứng của cơ thể trong trong suốt quá trình sử dụng vì tác dụng phụ có thể diễn tiến chậm" - bác sĩ Ninh nhấn mạnh.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI