Tù túng trong tình yêu thương

09/09/2021 - 21:50

PNO - Em hãy trò chuyện, phân tích, chứng minh cho cha mẹ thấy rằng em có thể tự lập một mình được trong một khoảng không gian có kiểm soát.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Năm nay 33 tuổi rồi, nhưng cuộc sống của em như đã mất tất cả từ năm em 22 tuổi, ngay khi vừa tốt nghiệp cao đẳng.

Năm ấy em vừa học xong thì mắc bệnh động kinh lại thêm cú sốc người bạn trai mà em đã giúp đỡ học hành suốt 3 năm bỏ em mà đi.

Lúc đó, em nghĩ chẳng có gì nghiêm trọng cả, bệnh tật rồi sẽ chữa hết, nhưng không ngờ đã 10 năm, em cứ bị lên cơn bệnh bất ngờ hoài. Cũng vì như vậy mà em thành con rối, mặc cho mẹ em sắp đặt cuộc đời em và ba mẹ không cho đi làm bất kì việc gì.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em bị hạn chế giao tiếp với tất cả mọi người. Mỗi lần đi đâu chơi mẹ đều nói để mẹ chở đi vì lý do an toàn và để khỏi tốn tiền xe. Tình cảm của em, mẹ cũng sắp xếp. Tình cờ em quen một anh sửa khóa tính tình hiền lành, mẹ em nói anh ta không xứng đáng vì vừa nghèo vừa lùn hơn em. Rồi duyên đưa đẩy em quen với anh kỹ sư xây dựng, là học trò của ba em, mẹ rất thích anh ấy và hài lòng mọi mặt.

Nhưng khi ra mắt gia đình bên anh ấy thì em lên cơn động kinh nên anh ta sợ, không dám quen em nữa. Em chấp nhận chia tay. Vậy mà mẹ cứ bắt em liên lạc lại với ảnh.

Họ hàng nội ngoại ai cũng nói em sung sướng, không phải làm gì hết, nhưng e hay nghĩ, sống như tù nhân thế này thà em đi bán trái cây hay gì đó được tiếp xúc rồi cười nói chuyện thoải mái còn hơn ngồi mát ăn bát vàng mà lòng ngán ngẩm. Rồi vì ở nhà không làm gì ra tiền, nên nhiều lúc em muốn mua đồ cũng phải có sự góp ý hoặc bằng lòng của mẹ.

Vô cùng bế tắc và chán nản nên lúc nào em cũng gây gổ với mẹ. Em rất mệt và khó chịu nên đầu năm quyết định lén gia đình đi làm. Em xin được công việc phục vụ quán cà phê, nhưng ba mẹ không chấp nhận, nói em còn bệnh, nên ở nhà trị bệnh.

Chị ơi em còn rất trẻ, vậy em phải sống cuộc đời này bao lâu nữa đây. Em biết ba mẹ luôn yêu thương em, nhưng sống kiểu này thì em quá mệt...

Nhung

Em Nhung thân mến,

Em đã hiểu rằng, ba mẹ em vì thương em mà lo cho em. Ba mẹ nghĩ những điều đó là tốt hơn cả. Có thể ba mẹ đã sai về cách chăm sóc tinh thần em, nhưng về mặt thể chất thì chị nghĩ không sai, bởi em thấy đó, cho đến nay đã 10 năm rồi mà em chưa khỏi bệnh. Thử đặt em vào tình cảnh của ba mẹ, em có yên tâm khi để con mình ra đường một mình và cơn bệnh có thể tới bất ngờ hay không?

Ngay cả về mặt tinh thần, chị thấy ba mẹ em cũng đã cố hết sức, như chở em đi khi em muốn đi ra ngoài. Khi phải làm thế, chính ba mẹ em cũng vất vả, mất tự do, em có nhận thấy hay không?

Một điều quan trọng chị mong bàn được với em: đó là em nên chấp nhận rằng mình có bệnh và cần sự chăm sóc đặc biệt, có người ở bên cạnh, không thể tự do như những bạn trẻ khác.

Nhưng chấp nhận tình cảnh không có nghĩa là chấp nhận sống hoàn toàn theo ý người khác. Em hiểu mình để tích cực chữa bệnh với một tinh thần tốt để đạt kết quả tốt hơn.

Tiếp đó, em hãy trò chuyện, phân tích, chứng minh cho cha mẹ thấy em có thể tự lập trong một khoảng không gian có kiểm soát. Rằng em biết rất rõ tình trạng của mình, em sẽ chú ý để không xảy ra chuyện gì khi không có ai bên cạnh để nhờ cậy.

Công việc phục vụ ở một quán cà phê theo chị biết là áp lực rất nhiều, phải chú ý, tập trung, chăm sóc khách hàng, phải nhanh nhẹn, kiên nhẫn, chịu đựng được căng thẳng, không được phép sai sót...

Nếu giữa lúc làm việc, em lên cơn động kinh, té lăn ra thì mọi việc sẽ tệ thế nào? Tốt nhất, em thử học lấy vài kỹ năng làm việc ở nhà, ví như việc buôn bán online mà nhiều bạn trẻ lựa chọn và tương đối thành công. Có thể chọn một việc làm cùng mẹ, mẹ phụ giúp em hay em phụ giúp mẹ. Học để thay đổi số phận của mình, chẳng bao giờ trễ cả, bởi em mới chỉ 33 tuổi.

Rất thương em và thông cảm với những bức bối, tù đày của em, nhưng chị vẫn thẳng thắn cùng em, để em vừa hiểu được hoàn cảnh của mình, hiểu cha mẹ vừa tìm cách để cha mẹ giúp em giải toả những bức bối. 

Hy vọng em sẽ thay đổi được từ từ mọi việc, cũng như thay đổi cảm xúc tiêu cực của mình qua những hành động nho nhỏ, thể hiện cho cha mẹ biết em đã trưởng thành, từng bước làm cho cuộc sống mình vui hơn, nhẹ nhõm, cân bằng hơn.

Mong em vui hơn và mạnh khoẻ hơn.

Hạnh Dung

MỜI BẠN CHIA SẺ TÂM TƯ CÙNG CHỊ HẠNH DUNG

Việc ở nhà toàn thời gian mùa dịch khiến chúng ta va chạm với các thành viên gia đình nhiều hơn, đồng thời cũng có động lực hơn trong gắn kết tình cảm, hoá giải gút mắc các mối quan hệ...

Chị Hạnh Dung - người đã lắng nghe tâm tư bao thế hệ bạn đọc của Báo Phụ Nữ TPHCM đang sẵn sàng 24/7 để nghe những chia sẻ, băn khoăn và hỗ trợ bạn gỡ rối.

Mời bạn gõ câu hỏi trực tiếp trong cửa sổ Chát với Hạnh Dung bên cạnh các bài viết của chuyên mục Chát với Hạnh Dung trên trang phunuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI