Tự tử vì nợ nần

23/12/2019 - 12:30

PNO - Hàng loạt vụ tự tử liên quan tới nợ nần khiến chúng ta giật mình. Không làm ăn, đầu tư liều lĩnh và chú ý tới người thân khi họ sa cơ lỡ vận chính là cách phòng vệ cho bản thân và gia đình.

Tối ngày 22/12, tại bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) xảy ra một vụ nổ súng tự sát của bệnh nhân tên D (41 tuổi). Theo thông tin ban đầu, ông D. là chủ doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM. Thời gian gần đây, ông D. bị trầm cảm và từng điều trị ở một số cơ sở chuyên khoa tâm thần.

Tu tu vi no nan
Lực lượng chức năng đang điều tra tại hiện trường ở bệnh viện Trưng Vương. Ảnh từ Internet

Sáng cùng ngày, ông D. uống 100 viên thuốc ngủ được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu. Sau đó, ông D. được chuyển lên khoa Lây nhiễm và được người nhà xin chuyển qua khu D rồi đưa về nhà. Đến tối, ông D. trở lại khoa cấp cứu của bệnh viện này nói chuyện với một số bác sĩ. Một lúc sau, ông D. bất ngờ rút súng tự bắn vào đầu. Người thân cho biết, cách đây vài tháng ông D. mua mấy lô đất ở Vũng Tàu và bị lừa mất 3 tỉ.

Gần đây, những vụ tử tự do liên quan đến nợ nần ngày càng gia tăng. Chỉ cần gõ từ khoá “tự tử vì nợ nần” lên trang tìm kiếm, sẽ ra nhiều kết quả về những vụ việc đã xảy ra.

Cách đây không lâu, vợ chồng anh Lương Văn Trung (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hợi (32 tuổi) tự sát bằng thuốc nổ do đang nợ 5 tỷ đồng, không có khả năng chỉ trả và bị chủ nợ đòi ráo riết quá. Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy vợ chồng anh Trung đã chuẩn bị lượng thuốc nổ nặng nửa kg, kẹp giữa hai người rồi kích nổ. Trước đó vài ngày, chị Hợi có cầm một lá đơn kêu cứu tới trụ sở công an huyện, xin giải quyết.

Một đại gia ở Hải Phòng cũng chọn cái chết sau khi vỡ nợ 300 tỷ đồng. Do công việc làm ăn đổ bể vì đầu tư tràn lan, vay lãi suất cao và lãi chồng lãi, người này phải dùng thuốc ngủ và có triệu chứng trầm cảm. Nạn nhân được người thân đưa vào viện tâm thần khám nhưng không nhập viện mà xin về nhà tự điều trị. Do chăm sóc chưa sát sao, bệnh tình trở nặng và nạn nhân đã tìm tự tử để giải thoái.

Trước đó, tại Khánh Hoà đã xảy ra cái chết thương tâm của đôi vợ chồng già T.V.H. (61 tuổi) và vợ là Đ.T.C.T. (60 tuổi), ở phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Được biết sau khi nghỉ hưu, hai vợ chồng già nhờ bạn vay tiền rồi mở hiệu thuốc để kinh doanh nhưng công việc không thuận lợi, hai vợ chồng ngày càng chìm sâu trong nợ nần. Khi mất khả năng trả nợ, cả hai cột chặt với nhau bằng dây vải rồi nhảy xuống biển tự vẫn.

Trong các vụ việc xảy ra, nguyên nhân dẫn đến hành động tự tử chủ yếu do nạn nhân làm ăn thua lỗ và nợ nần chồng chất dẫn đến khủng hoảng tâm lý. Theo thống kê, tại Việt Nam, bệnh nhân trầm cảm vì nợ nần ngày càng gia tăng và ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Khi rơi vào tình trạng vỡ nợ, người trong cuộc cảm thấy bế tắc và muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Họ nghĩ rằng mình đang ở bước đường cùng. Thêm nữa, tin tức về những vụ tự tử đã xảy ra gây ám ảnh, tạo phản ứng dây chuyền, nên khi bản thân rơi vào tuyệt vọng, họ lựa chọn cách tương tự. Nhưng đó là cách giải quyết vấn đề vô cùng nhẫn tâm. Bởi khi họ chết đi thì không phải là hết nợ, mà nỗi khổ đau sẽ để lại cho người thân. Trong khi vẫn có thể tìm hướng giải quyết.

Vai trò của gia đình và bạn bè rất quan trọng đối với người bị khủng hoảng kinh tế vá tâm lý. Mặc dù không thể đứng ra trả nợ thay, nhưng bạn bè có thể tư vấn để tìm ra con đường giải quyết món nợ và giúp đỡ trong khả năng có thể. Gia đình cần làm chỗ dựa tinh thần để họ đối mặt với thực tại. Đồng thời giám sát chặt chẽ biểu hiện tâm lý để đề phòng hành động dại dột.

Tu tu vi no nan
Người thân và bạn bè là chỗ dựa quan trọng của những ai lỡ rơi vào nợ nần. Ảnh minh họa

Các chuyên gia tư vấn khuyên, nếu rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý do nợ nần, nếu không tự vượt qua, cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Người trong cuộc đầu tiên cần thay đổi nhận thức: đừng nghĩ mình đã mất hết tất cả mà ngược lại cần nghĩ đến những thứ mình đang có như sức khoẻ, thời gian, gia đình, mạng sống…mình vẫn có thể kiếm tiền để từ từ trả nợ.

Nếu rơi vào hoàn cảnh này, người vỡ nợ nên chia sẻ với mọi người trong gia đình, bạn bè, người thân để có được sự giúp đỡ. Đừng giấu giếm tình trạng của mình. Trong trường hợp nguy cấp hay bị đe doạ hành hung của chủ nợ, có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.

Để vượt qua khủng hoảng nợ nần, cần một tinh thần mạnh mẽ và nghị lực. Khi rơi vào bế tắc, hãy nhớ rằng: “Còn người là còn của”, phải giữ sức khỏe để quyết tâm để làm lại từ đầu.

                                                                                                           Thúy Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI