Từ từ con sẽ ổn, còn mẹ?

23/01/2017 - 11:26

PNO - Tôi gặp chị trong lần đưa con ra y tế phường để xin xác nhận trẻ chậm phát triển trí tuệ cho con mình.

Tờ giấy đó như thể “bửu bối” để thầy cô nhìn vào và chia sẻ hơn với gia đình, không đặt áp lực học hành đối với con như bè bạn trang lứa. Chị ngồi bên cạnh một cậu nhóc lớn gấp rưỡi con trai tôi, có đôi mắt ngây thơ, khờ khạo. Đôi mắt của những đứa nhỏ ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) đều na ná nhau như thế.

Tu tu con se on, con me?
 

Con trai chị lớn hơn con trai tôi vài tuổi. Chị cũng như nhiều bà mẹ của trẻ tự kỷ khác, chấp nhận bỏ việc theo con từ lớp học này qua trung tâm khác để can thiệp trị liệu cho con mình. Chị nhìn vẻ chán nản của tôi, nói, không sao đâu cưng, từ từ rồi con sẽ ổn.

Đúng là từ từ, con chị cũng ổn. Thằng bé dần dần biết giao tiếp, biết kể chuyện. Đó là điều quá vĩ đại đối với một thằng nhóc ADHD. Tôi tình cờ gặp thằng bé trong tiệm gội đầu hôm qua. Nhìn mặt nó ngờ ngợ quen quen, hỏi ra thì đúng là thằng Nam. Chị chủ tiệm gội đầu "khuyến mãi" luôn chuyện nhà nó. Ba mẹ nó bỏ nhau rồi. Ba nó nhậu nhẹt đánh đập mẹ nó. Mẹ nó bỏ đi. Vẫn chưa ra tòa vì ổng không chia nhà cửa.

Thực ra thì bao nhiêu năm ôm con đi hết cửa này trường nọ để đưa con về phía ánh sáng, người mẹ ấy đã biết mình không có tiếng nói chung với ông chồng cờ bạc, rượu chè. Còn bố nó, viện cớ con mình tệ hại, không như con người ta để lao vào rượu chè.

“Thương mẹ nó quá”, tôi buột miệng. Thằng nhỏ cười, nói: “Không, không bao giờ thương mẹ. Nam chỉ thương ba thôi”. Tôi hiểu, đó là thứ ngôn ngữ lặp lại mà đứa trẻ ADHD bị tiêm vào đầu và nói, không phải suy nghĩ thật lòng của cậu nhóc. Nhưng, với suy nghĩ lặp lại nhiều lần, sẽ thành thói quen, từ thói quen sẽ thành ý thức… Tôi cúi mặt để giấu những giọt nước mắt vì một người mẹ mà tôi chỉ gặp một lần.

* * *

Ở lớp học can thiệp trẻ đặc biệt mà con trai tôi theo học, không hiểu sao tôi luôn ám ảnh với những bà mẹ hơn là những đứa trẻ. Những bà mẹ bình thường của những đứa trẻ đặc biệt. Một ngày kia, không ai muốn, họ cũng trở thành đặc biệt.

Tôi nhớ ánh mắt hoang hoải của N. khi đưa Suri tới lớp học đặc biệt. Suri là cô bé sáu tuổi bị tự kỷ, có rất nhiều hành vi đáng ngại không phải ADHD như nhiều cô cậu khác trong lớp. Suri thừa hưởng ở mẹ nước da trắng hồng, đôi mắt to tròn. Ý thức của em không bằng đứa bé hai tuổi. Em hay la hét, đứng không yên và sẽ lao vào gây gổ với người đối diện khi tâm trạng không thoải mái (mà cô nhỏ ấy, tôi thấy hơn 80% thời gian của bé là không thoải mái).

N. bằng tuổi tôi, bố là hiệu trưởng, mẹ là giáo viên. N. học giỏi, du học nước ngoài về, làm ở một ngân hàng lớn. Chồng N. mất hai năm để "cưa đổ", rước nàng về dinh. Cuộc sống tưởng như toàn màu hồng ấy ngày kia tan vỡ khi con gái hơn hai tuổi ngày càng bộc lộ những khuyết điểm của một cô bé bị tự kỷ.

Anh chồng, để thuận đường thăng tiến đã dồn vợ vào thế chẳng đặng đừng đành chấp nhận ly hôn với lý do, làm như vậy vì nghĩ đến con (!?). Anh không thể tập trung làm kinh tế khi ở bên một cô nhỏ suốt ngày la khóc quấy hét và cô vợ luôn buồn phiền. Chia tay rồi, anh sẽ chu cấp hoàn toàn cho hai mẹ con, N. chỉ việc đưa đón con đi học. Bớt căng thẳng hơn, bớt buồn phiền hơn.

N. nói, chẳng có cách lựa chọn nào khác, đành gật đầu. Người muốn đi thì không thể giữ. Giữ sao nổi khi trong tay mình là đứa nhỏ luôn chực chờ nổi loạn. Nhưng đau đớn nhất là hôm ra khỏi cổng tòa án, N. thấy cô đồng nghiệp trẻ trung xinh xắn ôm bó hoa tươi tắn đến tặng chồng. Họ cùng nắm tay nhau lên xe riêng của anh. Còn N. tìm ra bờ sông. Đã định nhảy xuống sông cho thoát kiếp nhưng nghĩ mình chết thì bố mẹ mình phải gánh Suri, rồi khi bố mẹ mình chết, ai gánh, nên đành quay về.

N. sẻ chia hết với tôi đơn giản vì tôi cùng tuổi, cùng có con học chung lớp với Suri. N. hỏi, nhỡ nửa đêm nào đó, N. điện thoại nói chuyện với Hương được không? Chẳng ai chia sẻ được với mình ngoài mẹ, mà mẹ già rồi không lẽ bắt chia sẻ chuyện buồn hoài.

Mà không chia sẻ được, đôi khi lại chỉ lòng vòng nghĩ chuyện chết đi cho rảnh nợ. Tôi gật đầu nắm lấy bàn tay xanh thật xanh của cô bạn. Ngày kia, N. gọi, khoe Suri đỡ hơn một tí, nhưng N. vẫn chẳng bao giờ đỡ đau khi vết thương lòng cứ mãi ở đó, rộng hoác và sâu hoắm… 

* * *

Tôi biết rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đều không có quyền lựa chọn cha mẹ cho mình. Nhiều  người cũng nói với tôi rằng, hãy chia sẻ với con, hãy thôi than thở và nhìn về phía tích cực để cùng con vững vàng hơn trong cuộc đời này. Hãy chấp nhận rằng con sẽ ổn hơn - so - với - chính  - con. Như vậy để hài lòng hơn với cuộc sống.

Và quả thực, so với ngày hôm qua, hôm kia, những cô bé, cậu bé tự kỷ, ADHD khi có sự trợ giúp của gia đình và thầy cô, bao giờ cũng khá hơn, ổn hơn. Nhưng khi trong gia đình, chỉ mẹ và con nắm tay nhau thì dường như sự bất ổn ngày càng tăng. Lỗi phải, chẳng phải tại số đâu…

                                                                                                        Võ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI