Tự truyện Gandhi

22/09/2016 - 15:40

PNO - Tự truyện Gandhi là cuốn sách hay, có nhiều, rất nhiều điều ta được học từ tầm vóc lớn lao của nhân vật.

Tự truyện Gandhi (NXB Hồng Đức) do Ni sư Trí Hải dịch từ bản tiếng Anh An Autobiography or The Story of My Experiments With Trut chiếm được thiện cảm của bạn đọc. Trước hết, do tự truyện này là của một nhân vật tầm vóc mà ta thường gọi “Thánh Gandhi”.

Mở đầu, tác giả cho biết: “Trong câu chuyện này, tôi sẽ chỉ kể những vấn đề tôn giáo nào mà cả trẻ con lẫn người lớn đều có thể hiểu được. Nếu tôi có thể kể chúng trong tinh thần khiêm cung và vô dục, nhiều hành giả khác sẽ tìm thấy trong những mẩu chuyện ấy hành trang để tiến lên. Tôi tuyệt nhiên không tự hào những kinh nghiệm ấy là hoàn hảo”.

Với từng người, tùy theo nhận thức và cơ duyên, có cảm nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Sự cảm nhận trước hết về Thánh Gandhi là tầm ảnh hưởng về “một cuốn sách mà cha tôi mua được. Đó là quyển Shravana Pitribhakti Nataka - một vở kịch nói về lòng hiếu thảo của Shravana đối với cha mẹ”. Đọc xong, ông tự nhủ “Đâu là một tấm gương mà ta phải noi theo”.

Tu truyen Gandhi

Vì lẽ đó, ngay ban đầu ông đã có được quyết định rất quan trọng thay đổi từ nhận thức: “Bấy giờ có bài thơ của thi sĩ Narmad người Gujarati rất thịnh hành nơi cửa miệng mọi học trò lứa chúng tôi: “Hãy nhìn người Anh hùng mạnh/ Cai trị người Ấn nhỏ con/ Người Anh ăn thịt luôn luôn/ Cho nên cao lớn béo tròn như voi”. Tôi bắt đầu nghĩ rằng, ăn thịt là điều tốt, nó sẽ làm cho tôi khỏe mạnh và bạo dạn, và nếu cả nước ăn thịt thì người Anh sẽ thua ngay”. Gandhi cùng bạn bè làm theo nhưng ông chỉ dám lén lút vì nếu cha mẹ - những người theo đạo biết được “sẽ choáng người đến chết”. Do đó, ông bỏ hẳn vì tự nhủ “Lừa dối cha mẹ là một điều tệ hơn cả không ăn thịt”.

Nói đến Gandhi không thể không nói đến vấn đề “bất bạo động” do ông khởi xướng. Trong Tự truyện, ông cho biết: “Cộng đồng Satyaagraha (bất bạo động: nguyên nghĩa là kiên trì chân lý) được thành lập vào ngày 25/5/1915”. Với thử nghiệm trong một ngành khoa học về bất bạo động, ông nhấn mạnh: “Nếu những hành vi của một người khao khát giải thoát hay một người phụng sự mà thiếu đức tính khiêm cung và vị tha, thì không mong gì đạt được giải thoát hay phụng sự. Phụng sự thiếu khiêm cung chỉ là ích kỷ và vị ngã”.

Tư tưởng này xuyên suốt hành trình hoạt động của Thánh Gandhi. Sau khi kể lại câu chuyện đời mình qua hơn 500 trang sách, ông cho biết điều khó khăn nhất là: “Tôi phải biến mình thành số không. Bao giờ con người chưa tự ý đặt mình ở đàng sau rốt nhữ ng đồng loại, thì y vẫn chưa được giải thoát. Bất hại chính là bến bờ của tính khiêm cung”.

Tự truyện Gandhi là cuốn sách hay, có nhiều, rất nhiều điều ta được học từ tầm vóc lớn lao của nhân vật mà thi hào Tagore đã nhận định: “Nghe tiếng gọi của Gandhi, Ấn Độ xông ngay tới một cảnh vinh quang cao quý mới, như hồi xưa, rất xa xăm, khi Phật tổ tuyên bố đạo từ bi, thương yêu cả mọi sinh vật”.

Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI