Tự trồng rau quả để có thực phẩm sạch - xu hướng của nhiều gia đình đô thị

06/06/2024 - 18:15

PNO - Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức chiều ngày 6/6.

Ông Nguyễn Văn Bộ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật Công ty CP Phân bón Bình Điền, nguyên Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam - cho biết, cơ cấu dân số thành thị tại Việt Nam tăng rất nhanh, nếu năm 1990 tỉ lệ dân số thành thị là hơn 19%, nay tăng lên hơn 36% và dự báo sẽ tăng hơn 50% sau năm 2050. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho cư dân sẽ là áp lực lớn.

Thời gian qua, nông nghiệp đô thị đã manh nha phát triển tại nhiều địa phương nhưng còn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ tại các hộ gia đình tranh thủ không gian chật hẹp tại nhà tự trồng rau ăn lá, cây ăn quả tầm thấp (chanh, khế, ổi), hoa, cây cảnh… Đến nay vẫn chưa có một chủ trương, chính sách chính thức nào của nhà nước liên quan nông nghiệp đô thị. TPHCM mới phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị” vào năm 2023. Hà Nội cũng chỉ mới phê duyệt “Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị” và chưa có đề án chính thức.

Nông nghiệp đô thị thời gian quan vẫn còn phát triển manh mún
Nông nghiệp đô thị thời gian qua vẫn còn phát triển manh mún

Ông Nguyễn Văn Bộ cho rằng, việc phát triển nông nghiệp đô thị là một yêu cầu cấp bách, không chỉ giảm áp lực nhập khẩu thực phẩm trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh, tạo ra chuỗi cung ứng ngắn, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất mà còn là giải pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm đang tăng nhanh.

Ông Bộ dẫn chứng, trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 người chết, trong khi năm 2022 chỉ xảy ra 54 vụ, 1.359 người ngộ độc và 18 người tử vong.

“Là một quốc gia có nhiều danh lam, di tích văn hoá phi vật thể với đa dạng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) như Việt Nam, nếu phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sẽ được du khách đánh giá cao. Hiện nay có mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch khá hiệu quả là mô hình “trang trại đồng quê Ba Vì”. Đến đây du khách được cấy lúa, úp nơm, bắt cá, trồng rau, hái các loại rau rừng, rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè, cho đà điểu, dê, cừu, thỏ, bò sữa ăn cỏ…” - ông Nguyễn Văn Bộ dẫn chứng.

Tiến sĩ Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ sinh học, khoa học Công nghệ ứng dụng, trường đại học Văn Lang - cho biết, dự kiến đến năm 2030, thị trường TPHCM tiêu thụ chủ yếu là lương thực, thực phẩm tươi sống lên đến 17.000 tấn/ngày. Trong khi đó, sản lượng sản phẩm chủ lực tại TPHCM chỉ mới đáp ứng được 10-15% nhu cầu rau, 2-4% nhu cầu quả, 5-7% nhu cầu thịt heo, 35-40% nhu cầu sữa bò tươi, 4-5% nhu cầu tôm cá các loại. Phần còn lại được nhập từ các tỉnh trong nước và nhập khẩu.

Vũ Thị Quyền cho rằng, đô thị hoá và biến đổi khí hậu gây tâm lý ngại đầu tư cho sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, do đó giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo việc làm là hết sức cần thiết.

Chuyên gia nông nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa nhận định, lâu nay các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội chỉ sản xuất nông nghiệp trong đô thị chứ không phải là nông nghiệp đô thị thật sự. Nông nghiệp đô thị là một ngành công nghiệp, trong đó sản xuất phải dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị, gắn với các hoạt động vận chuyển, chế biến, tiếp thị, kinh doanh và các dịch vụ phi nông nghiệp. Ông Đăng Nghĩa đưa ra ví dụ, như toà nhà Rotunda ở ga số 3 của sân bay quốc tế O’Hare ở Chicago (Mỹ) đã xây dựng 26 tháp khí canh, sử dụng nước và dưỡng chất từ khâu xử lý nước thải của toà nhà, không sử dụng phân bón và hoá chất, sản phẩm thu hoạch được sẽ cung cấp cho bữa ăn hành khách.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, thách thức để phát triển nông nghiệp đô thị tại các thành phố lớn là khá nhiều. Như tại Hà Nội, gặp khó ở thị trường đầu ra, giá cả vật tư cao, một số cơ chế chính sách còn chồng chèo, thiếu vốn, thiếu nhân lực. Tại TPHCM thì người làm thiếu vốn, khó tiếp cận vốn vay, xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp khó khăn, quy mô đất nông nghiệp giảm, chưa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

“Giải pháp cần thiết phát triển nông nghiệp đô thị cần phải hình thành các vùng sản xuất tập trung, huy động đất đai xây dựng cơ sở hạ tầng, có chính sách hỗ trợ và cho vay ưu đãi thì người dân mới dám tham gia đầu tư, sắm máy móc thiết bị. Phải xác định rõ, sản phẩm nông nghiệp đô thị phải phục vụ chính cho người dân đô thị, hạn chế sử dụng sản phẩm từ địa phương để góp phần giải quyết tốt vấn đề thị trường đầu ra” - tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa kiến nghị.

Thanh Hoa - Mỹ Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI