Từ trang Facebook gia đình

31/03/2019 - 18:00

PNO - Người ta có thể làm biếng kết nối mối quan hệ tích cực nhưng lại rất nhanh chóng thực hiện ý đồ công kích nhau khi có mâu thuẫn xảy ra.

Lần đầu tiên đám giỗ cha không đầy đủ anh chị em, con cháu và hứa hẹn từ đây về sau sẽ không đầy đủ trong các đám giỗ khác của gia đình. Nhà mười anh chị em, hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Sau khi cha mẹ qua đời, anh chị em bất hòa vì tranh cãi quanh việc xử lý tài sản. Ngôi nhà lớn mặt tiền phố sầm uất cho thuê mỗi tháng 50 triệu đồng, chia đều mỗi người năm triệu. Giỗ chạp, anh cả có điều kiện hơn nên đứng ra tổ chức, anh chị em ai có thì góp, không bắt buộc. Nhưng những lần đám giỗ là xảy ra tranh cãi, xoay quanh việc bán nhà cha mẹ chia nhau hay để như vậy lấy tiền mỗi tháng. 

Tu trang Facebook gia dinh

Phe ủng hộ việc bán nhà là những người còn khó khăn, chưa có nhà, thậm chí nợ nần. Cuối cùng, ngôi nhà cũng được bán đi, chia ra mỗi người 3 tỷ đồng. Anh cả có điều kiện hơn nên nhận phần mình ít hơn một chút, nhường phần chênh cho em kế, bởi em kế nhận trách nhiệm đưa bàn thờ cha mẹ về nhà, và tương lai anh cả sẽ định cư ở nước ngoài. Vậy mà anh em sau đó chia hai phe, phe “có điều kiện” và phe “ủng hộ bán nhà”. Căng thẳng gia tăng khi thông tin ngôi nhà về tay chủ mới được sửa sang lại và phân ra cho thuê mỗi tháng gần hai trăm triệu đồng. Phe “có điều kiện” trách phe kia vội vàng, không suy nghĩ trước sau.

Phe “ủng hộ bán nhà” lập trang Facebook lôi kéo chiến hữu, đăng tải những hình ảnh và những dòng trạng thái tiêu cực cho mọi người vào bình luận. Một ngày, xuất hiện dòng trạng thái khá nặng nề phê phán phe “có điều kiện” một cách ác ý, tuy tồn tại chưa đến hai phút, sau đó xóa đi nhưng đã được ai đó chụp lại màn hình và chuyển tiếp nhanh đến mọi người trong đại gia đình, con cháu, dâu rể gần 30 người. Hố chia rẽ càng khoét sâu, đào rộng. Bát nước đổ đi rồi. Do đó, đám giỗ chỉ có phe “có điều kiện” tề tựu ăn uống. Phe kia quyết không tham dự; đã vậy, trên trang Facebook còn thêm những dòng trạng thái, bình luận nặng nề, nói xấu nhau. Lỡ chạm mặt ngoài phố, hai phe ngoảnh mặt làm ngơ, lại còn hả hê trên Facebook là “ta” gặp “nó” ngoài đường không thèm nhìn. 

***

Gia đình có 15 người con, cha mẹ đã quy tiên từ lâu. Một người em trong nhà vừa nghỉ hưu nghĩ ra việc lập trang Facebook gia đình với mục đích tập hợp hình ảnh tư liệu, có cơ hội ôn lại chuyện xưa, nói chuyện nay. Vậy là trang Facebook đã kết nối tất cả anh em, con cháu trên khắp thế giới. Những kỷ niệm về ông bà được nhắc đến, ai có hình bổ sung thêm, rôm rả. Vài anh chị em họ mới hiểu ra người bác của mình có mấy đời vợ, họ sống với nhau thế nào, con cái ra sao… mà nếu không có trang Facebook này họ không thể nào biết được. 

Điều hay của trang Facebook gia đình còn ở chỗ biết rõ tình trạng hôn nhân, học hành, sức khỏe của nhiều thành viên. Biết được con cháu, ai, gia đình nào có người đau ốm, chạy chữa ra sao, cần giúp đỡ gì… 

Tu trang Facebook gia dinh
 

Một đứa cháu từ nước Anh xa xôi, đưa lên hình ảnh đang giúp bà nội làm bánh trung thu. Ông anh cả đăng tấm ảnh một lần đi qua mấy quốc gia mới tìm gặp được ông bác mà ai cũng nghĩ là đã mất. Quá trình lần ra dấu vết vất vả thế nào… Một người chị kể chuyện lần suýt chết khi sinh con gái đầu hay một đứa cháu khoe vừa lấy bằng thạc sĩ. Những điều đó rất hữu ích để kết nối đại gia đình mà con cháu đã tứ tán khắp nơi. Họ thấy rất vui. Ngày nào họ cũng vào trang, bình luận, đưa hình ảnh lên… Một người anh trong gia đình xem các hình ảnh rồi lọ mọ gõ phím: “vui thế này mà bây giờ mới biết”, “rôm rả vầy phải chi lập trang sớm”. 

Chỉ là hai câu chuyện của hai gia đình về cách con người cư xử với nhau. Anh em như thể tay chân là điều mà người xưa luôn khuyên bảo, bởi họ biết, mỗi người mỗi tính, chẳng ai giống ai dù là ruột thịt. Người ta có thể làm biếng kết nối mối quan hệ tích cực nhưng lại rất nhanh chóng thực hiện ý đồ công kích nhau khi có mâu thuẫn xảy ra. 

Phải chăng, ngay cả với những người yêu thương ruột thịt, lời yêu thương vẫn khó thổ lộ hơn những lời gây chia rẽ? 

KIM DUY 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI