Năm 1985, đôi vợ chồng mới cưới Nguyễn Thị Lan Thanh (1965) và Nguyễn Văn Sang (1960) quyết định rời miền quê Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, chấm dứt cảnh làm thuê làm mướn, để tìm vùng đất mới làm ăn. Xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh là nơi họ chọn trụ lại, vì có người bà con xa cho “ở đậu” trên khoảnh đất trống của bà.
Nhờ được một người quen thương tình dạy nghề, đôi vợ chồng trẻ mở lò tráng bánh tráng bột mì. Nghề này cực vì thức khuya dậy sớm, nhưng vốn liếng không cần nhiều, bánh tráng xong là có chỗ đặt hàng sẵn. Vậy là, một ngày của cô Lan Thanh bắt đầu từ 3 giờ sáng, nhóm bếp, chờ nước sôi thì tráng bánh. Chú Sang thì phụ vợ bưng vỉ ra phơi lúc trời còn tinh mơ, để trời sáng hẳn còn phải chạy xe đạp ôm trên chợ Long Hoa.
|
Vợ chồng cô Lan Thanh trong đám cưới con gái |
Đắp đổi qua ngày, các con lần lượt ra đời vào năm 1986, 1988 và 1990, nối nhau trứng gà trứng vịt, khiến cuộc sống quanh năm thiếu hụt, dù một ngày lao động của hai vợ chồng bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 22 giờ đêm.
Đến tuổi 33 (1998), do làm việc quá sức, cô Lan Thanh bị tai biến mạch máu não, yếu liệt một bên cơ thể, miệng méo xệch. Nợ tứ giăng vì chạy chữa cho vợ, chú Sang phải đạp nhiều cuốc xe xa hơn, nặng hơn, ngày làm việc dài ra hơn nhưng đồng tiền kiếm được cũng chẳng thấm vào đâu.
Một hôm, có người mách, phòng Đông y trong Trí Giác Cung của xã có vị lương y tên Sáu Nhàn (Nguyễn Văn Nhàn) châm cứu và làm vật lý trị liệu bệnh tai biến rất hay. Như bắt được vàng, chú Sang quyết định đưa vợ đến lương y Sáu Nhàn để điều trị.
May mắn, chỉ sau một tháng miệng cô đã hết méo, một tháng rưỡi thì bắt đầu nói được những từ đơn giản, dù còn đớt đát như trẻ con học nói. Sáu tháng liền kiên trì châm cứu và vật lý trị liệu, điều kỳ diệu đã đến: cô Thanh khỏe mạnh như chưa từng phát bệnh.
Thế là cô Thanh quyết định theo làm học trò thầy Nhàn để cứu những người không may mắc bệnh như mình trước kia. Cô dẹp lò bánh tráng, chuyển sang mua đi bán lại để làm kế sinh nhai.
Hộ nào tráng bánh, cô đến mua rồi mang đi giao cho các tiệm, quán, cửa hàng, chợ… khắp huyện. Công việc đó chiếm hết buổi sáng, còn buổi chiều cô theo thầy Nhàn học châm cứu và vật lý trị liệu. Học được một năm, cũng rành rẽ nhiều chứng bệnh, nhưng nếu chỉ là “tay ngang” sẽ khó danh chánh ngôn thuận hành nghề, nên năm 2000 cô khăn gói ra Hà Nội học bộ môn Đông y suốt ba năm.
|
Cô Lan Thanh đang vật lý trị liệu cho bệnh nhân |
Áo cơm và con nhỏ còn quá chật vật, cô bỏ hết để đi học, ý chú thế nào? Cô kể: “Chồng cô đồng ý trăm phần trăm vì chính ông ấy cũng rất ngưỡng mộ khoa Đông y này, nhờ nó mà cô hết bệnh. Kinh tế gia đình thì lúc đó hai đứa con lớn đã hơn 10 tuổi, cô chú đón bà ngoại vào trông cháu. Chú vẫn chạy xe ôm, nhưng mua thêm khoai lang, bắp trái về cho bà ngoại nấu bán tại nhà.
Nhờ nhà gần chợ nên ngày nào mâm khoai, thúng bắp cũng hết. Con nít hồi đó đi học một mình, ngày một buổi, nên không phải đưa rước nhiều như bây giờ, chịu khó một chút cũng xong. Việc học của cô cũng chỉ tập trung ba tháng thì được nghỉ một tháng. Thời gian nghỉ là cô về phụ lo cho gia đình, các con.
Ra Hà Nội cô ở nhờ nhà bạn học ngoài ấy, đến bữa có gì ăn nấy, vì ai cũng biết, học Đông y là để cứu giúp người nghèo, chứ người lương y đâu khá giả gì. Chuyện nhà thì nhờ đồng vợ đồng chồng nên khó khăn nào cũng vượt qua”.
Học xong ở trường, thấy cũng chưa đủ để đứng vững với một phòng Đông y, từ tháng 4/2006-5/2009, cô lại khăn gói đến Trung tâm Thừa kế ứng dụng y học cổ truyền Chợ Lớn để theo lớp bồi dưỡng “Lý luận Đông y, bắt mạch kê toa, bào chế thuốc y học dân tộc, châm cứu, dưỡng sinh, day ấn huyệt”.
Chỉ từ giữa năm 2009 đến nay, cô Thanh mới cùng lương y Sáu Nhàn phụ trách phòng Đông y của xã Trường Hòa, mỗi tuần có ba ngày là khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí.
Trong khi cô miệt mài giúp đời thì chú Sang cần mẫn đưa rước con cháu đi học, lo việc “nội tướng” thay vợ. “Phải phụ vợ mình thôi chứ biết sao giờ. Ngày đó bà ấy bệnh tưởng đã nằm luôn một chỗ, may có thầy giỏi cứu giúp thì giờ bà ấy phát tâm cứu lại cho người, mình phải ủng hộ thôi. Tu trăm kiếp mới được làm vợ chồng, mà vợ mình làm việc thiện như vậy, mình đâu có lý do gì mà không đồng ý”, chú Sang tâm sự.
Thật ra, đến giờ cô chú cũng đã thảnh thơi hơn với chuyện cơm áo vì các con đã lớn. Chú cũng không còn chạy xe ôm nữa, mà hết phụ vợ việc nhà thì tham gia công tác xã hội tại địa phương như đi xây nhà tình thương, cùng đội táng trợ lo đám tang cho người nghèo…
Chung nhau một tấm lòng hướng thiện, hạnh phúc hôm nay của cô chú thật sự tràn đầy.
Hoàng Cúc