Từ trầm cảm sau sinh đến loạn thần, tự sát

15/12/2018 - 06:00

PNO - Trầm cảm sau sinh xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt ở những phụ nữ sinh con lần đầu. Có trường hợp biểu hiện loạn thần dẫn tới việc cố tự sát và mất kiểm soát hành vi.

Nhiều bà mẹ trẻ mắc bệnh 

Sau khi sinh được tám tháng, N.T.B. (26 tuổi, tỉnh Nam Định) bỗng có biểu hiện mất ngủ, tinh thần mệt mỏi, căng thẳng. Mỗi lần ẵm con trên tay, thay vì cảm giác yêu thương thì B. lại có phần khó chịu và bế tắc khi nghĩ đến tương lai. Luẩn quẩn trong những suy nghĩ rối ren, B. không kiềm chế được cảm xúc, thường xuyên khóc lóc khiến cả gia đình lo lắng và đưa đi bệnh viện chữa trị. Sau khi được xác định mắc bệnh trầm cảm, bệnh nhân được điều trị uống thuốc tại nhà. Tuy nhiên, cảm giác quá chán nản cuộc sống đã khiến B. lén lấy toàn bộ thuốc điều trị uống nhằm tự sát.

Trước khuynh hướng này, B. được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để điều trị, sau đó tiếp tục uống thuốc tại nhà. Nhưng sau một thời gian ổn định, căn bệnh của người mẹ trẻ lại tái phát. B. đã lặng lẽ ôm con ra biển. Trong giây phút mất kiểm soát của B., đứa con nhỏ hơn một tuổi đã bị sóng cuốn trôi. Bản thân B. cũng bị đuối nước nhưng được người dân cứu sống. Quay lại bệnh viện, B. được xác định mắc bệnh trầm cảm nhưng có biểu hiện loạn thần dẫn tới việc nỗ lực tự sát nhiều lần và mất kiểm soát hành vi.

Tu tram cam sau sinh den loan than, tu sat
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân chăm sóc bệnh nhân bị trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

Trường hợp của B. chỉ là một trong số rất nhiều ca bị trầm cảm sau sinh mà Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tiếp nhận. Điều trị tại khoa Bán cấp tính nữ của bệnh viện này, sau một tháng, H.H.M. (28 tuổi, tỉnh Lạng Sơn) đã ngủ được và tích cực phối hợp với bác sĩ để trị liệu. Trước đó, cũng như nhiều bệnh nhân trầm cảm sau sinh, M. luôn mang theo cảm giác đau khổ, buồn chán không rõ nguồn cơn. Nhiều lần, M. đã toan lao đầu vào xe tải để tự sát nhưng người nhà ngăn cản kịp. 

Tương tự, N.T.H. (29 tuổi, TP.Hà Nội) vốn là điều dưỡng của một bệnh viện. Sau khi sinh con được sáu tháng, H. bỗng có cảm giác buồn rầu, cuộc sống tương lai trong mắt H. trở nên tối tăm, bế tắc khiến người mẹ trẻ nhiều lần có ý định nhảy xuống giếng để tự sát. Hành vi của H. khiến chồng và người thân rất bất ngờ, vì trước đó, H. vốn tự tin, vui vẻ và luôn nỗ lực hết mình cho công việc.

Điều trị sớm khả năng phục hồi cao

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân - Trưởng khoa Bán cấp tính nữ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - cho biết, trầm cảm sau sinh ngày càng xuất hiện nhiều, đặc biệt ở những đối tượng sinh con lần đầu. Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này, trong đó, có yếu tố xuất phát từ bên trong và tác động từ hoàn cảnh sống. “Sau khi sinh, nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ thay đổi dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ. Bên cạnh đó, người mẹ cũng vất vả, mệt mỏi hơn vì phải thức đêm cho con bú, dỗ con quấy khóc…”, bác sĩ Vân phân tích.

Tu tram cam sau sinh den loan than, tu sat
 

Đặc biệt, sự thiếu quan tâm, chia sẻ của gia đình cũng là một trong những yếu tố khiến các bà mẹ sau sinh dễ mắc bệnh hoặc đẩy bệnh trở nên trầm trọng. 

Với phụ nữ bị trầm cảm, nguy hiểm nhất là những trường hợp có xu hướng tự sát. Theo bác sĩ Vân, người có ý định này thường rất ít nói, hành vi của họ diễn ra đột ngột nên không ít trường hợp, như bệnh nhân N.T.B., đã gây ra hậu quả bi thương. “Với những bệnh nhân có khuynh hướng tự sát, gia đình phải tuyệt đối để ý, không thể lơ là ngay cả sau khi bệnh nhân đã được điều trị ổn định, vì bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào khi có những tác động không thuận lợi từ hoàn cảnh sống”, bác sĩ Vân khuyến cáo.  

Với những bệnh nhân trầm cảm sớm được điều trị, theo bác sĩ Vân, khả năng hồi phục rất cao. Như bệnh nhân N.T.H., sau khi điều trị 1,5 tháng tại bệnh viện, kết hợp uống thuốc và tâm lý trị liệu, bệnh nhân đã trở lại với công việc điều dưỡng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI