Từ trầm cảm nam sinh viên rơi vào ma trận “cuồng game”

01/07/2019 - 10:00

PNO - Từ một học sinh chăm ngoan, đạt nhiều thành tích trong học tập, N.T.B bị rơi vào vòng xoáy "nghiện game"...

Vốn là một học sinh chăm ngoan, đạt nhiều thành tích trong học tập, khi N.T.B. (Hà Nội) bước chân vào ngưỡng cửa đại học, gia đình đã đặt không ít kỳ vọng vào tương lai xán lạn của cậu con trai. Thế nhưng, trái với những gì mong đợi, thay vì chuyên tâm học hành, B. bắt đầu lao vào chơi game bất kể đêm ngày. Thời gian đầu, cậu thường “ăn ngủ” tại những cửa hàng game gần trường. Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt đơ dại cùng kết quả học tập tuột dốc thảm hại khiến cha mẹ của B. bắt đầu lo lắng và quản thúc bằng cách không cho B. ra ngoài chơi game.

Tu tram cam nam sinh vien roi vao ma tran “cuong game”
 

Tuy nhiên, B. vẫn lén lút chơi game tại nhà và “nướng tiền” qua những thẻ nạp tiền online. Số tiền chơi ngày càng tăng khiến cậu con trai ngoan hiền ngày nào bắt đầu tìm đủ cách để lấy trộm tiền của cha mẹ. Tới năm 23 tuổi, các biểu hiện nghiện game của B. ngày càng gia tăng, cậu sẵn sàng tuyệt thực nếu cha mẹ không đồng ý cho chơi game, số môn nợ tại trường học chồng chất… Lúc này, gia đình không thể chịu nổi mới đưa cậu tới Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) để thăm khám. 

Bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, qua khai thác thông tin, tâm lý từ bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện B. nghiện game trên nền tảng bệnh lý về sức khỏe tâm thần - đó là trầm cảm. “Khi bước vào đại học, do thay đổi môi trường học tập, nam sinh viên này gặp phải cú “hẫng”. Cảm giác không thể thích nghi với môi trường mới khiến cậu chán nản, muốn buông xuôi và đặc biệt lại không thể chia sẻ với gia đình”, bác sĩ Thiện phân tích.

Cũng chính vì lý do này, B. bắt đầu lao vào rượu chè, hút thuốc, thậm chí sử dụng chất kích thích như cần sa. Cuối cùng, B. tìm tới game như một cách để giải tỏa cảm xúc và trốn tránh thực tại.

Với trường hợp này, bên cạnh việc cai game hoàn toàn trong thời gian điều trị nội trú, các bác sĩ cũng sử dụng thuốc điều trị rối loạn trầm cảm cho B. để can thiệp vào cái “gốc” của vấn đề. “Thời gian đầu, bệnh nhân vô cùng vật vã, toàn thân bứt rứt… thậm chí đã trốn viện để chơi game. Tuy nhiên, gần đây, cùng với sự quan tâm, kiểm soát của gia đình, trong các lần tái khám, bệnh nhân đã có sự tiến triển hơn và đang nỗ lực học để trả các môn thi bị nợ”, bác sĩ Thiện thông tin.

Trường hợp của B. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân nghiện game hay các thiết bị có màn hình, kết nối internet (như Facebook, điện thoại, iPad)… tới thăm khám tại Viện Sức khỏe tâm thần. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng, riêng tại Khoa Điều trị tâm thần nhi tiếp nhận trung bình hơn 10 trường hợp. Con số này có xu hướng gia tăng so với những năm trước đây.

Theo bác sĩ Lê Công Thiện, giống như B., rất nhiều trẻ vị thành niên nghiện game có nền tảng mắc bệnh sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, chống đối… Game giống như nơi để các bệnh nhân này có cảm giác giải tỏa được các vấn đề tâm lý của mình. Và việc đắm chìm trong các trò chơi điện tử dần dần sẽ ảnh hưởng tới tính cách của trẻ. “Giống như người nghiện ma túy, họ dành thời gian, tâm trí, thậm chí cướp giật để kiếm tiền mua heroin sử dụng, người nghiện game cũng tìm đủ mọi cách bất chấp đúng sai để chi trả cho các khoản tiền trên mạng”, bác sĩ Thiện phân tích. 

Chuỗi tương tác sức khỏe tâm thần - game - tính cách sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn không có lối thoát. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện nghiện game, gia đình cần quan tâm và đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám, xác định các bệnh lý nền nếu có để có liệu pháp can thiệp phù hợp, kịp thời. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI